01/03/2010 06:00 GMT+7

Miếu ông hổ

longhp
longhp

TTC - Tình huống ngặt nghèo cực kỳ nguy hiểm xảy đến bế tắc như kẻ cùng đường mạt lộ. Nhưng kẻ mạt lộ còn có 2 chân chạm đất có thể bỏ giò lái đánh bài chuồn.

JxVXvPIw.jpgPhóng to

Đằng này ông thợ rừng gác kèo lấy mật ong, lại đang vắt vẻo trên cao ngọn tràm nhìn xuống thấy Chúa sơn lâm chực sẵn dưới gốc cây ngửa râu thè lưỡi ngẩng lên thèm thuồng, đợi con mồi tụt xuống vừa tầm là xơi tái ngay. Giữa rừng sâu biết kêu ai nghe? Còn treo người mãi trên ngọn cây không nước uống, không cơm ăn đến lúc kiệt sức cũng phải buông tay rơi xuống. Eo ơi móng vuốt ấy, hàm răng ấy, có thể nuốt tươi con bò mộng. Tất nhiên là thần kinh căng thẳng đến tuyệt vọng! Khói hun đã xua đuổi đàn ong mật gác kèo bốc lên tản mát rồi, để lại bánh tổ ong bằng cái nong, khúc mứt đầy mật vàng ươm.

Là người thợ rừng dày dạn. Ông Tư Lời tự nhủ: “Kệ nó! Chực ăn thịt người là việc của mày, lấy mật ong là việc của tao, ở đó mà ngóng!”. Ông cắt bánh mật cho vào bọc, ước tính có đến 6, 7 lít mật. <?xml:namespace prefix = st1 ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags" />Tay ôm bọc mật, tay ôm thân cây tràm, ông từ từ tuột xuống. Cái mác vót sắc bén cạo râu được vắt sau lưng. Hai kẻ trên dưới lườm lườm không rời mắt nhau.

Đến khoảng cách tử thần độ cao chỉ còn chồm lên là tới. Ông dừng lại, thói quen cố hữu của hổ là đập đuôi trước khi vồ mồi. Chờ đến lúc ấy, nạn nhân vờ cử động nhảy, đồng thời buông rơi cái bọc to xuống. Hổ tưởng nhầm là người vồ lấy ngay, mật ong xối xả lên mặt mũi. Đúng lúc ấy ông rút cái mác buông người xuống, hổ không thấy đường, bị ông chém tới tấp như Võ Tòng đả hổ trên đồi Cảnh Dương. Hổ đau quá gầm lên phóng thẳng vào rừng, người cũng chạy đằng người. Hú vía!

Thời gian sau, vì kế sinh nhai, ông Tư Lời vẫn vào rừng gác kèo lấy mật ong. Nghe con chim xỉa răng bay trước kêu, ông giật mình quay lại thấy ông Ba Mươi đi cà nhắc lù lù tới. Oan gia lại gặp oan gia! May sao gần đó có một cây dừa cổ thụ tróc gốc, thân cây ngã nghiêng lơ lửng vừa người chui qua. Những chiếc rễ thòng xuống tìm nước găm luôn xuống bùn như những chấn song. ông Lời lấy đó làm ổ để kháng, tay lăm lăm chiếc mác.

Biết nhau quá rồi, hổ ngán đòn chạy vòng vòng thị uy không dám xáp. Mỗi lần hổ đập đuôi xông tới, ông thét to: “Cop! Coop!”. Đồng thời len qua chắn song luồn dưới thân cây sang phía bên kia. Hổ vòng sang bên kia, ông lại sang bên đây, giằng co kéo dài rất lâu. Mấy lần hổ đập đuôi là mấy lần vang lên tiếng thét: “Cop! Coop!” khản cả tiếng đến nỗi sau này thoát nạn, dân làng rừng bỏ cái tên cúng cơm Tư Lời mà gọi ông là Tư Khàn. <?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

May mắn đến lúc xế chiều, có một chiếc xuồng đi rừng về qua trên kênh. Nghe tiếng “Cop! Coop!”, mọi người hò nhau gậy gộc dao mác bơi dầm xông vào, cứu. Hổ nghe tiếng đông người lủi mất vào rừng. Tư Khàn mệt mỏi cơ hồ không còn rút nổi chân ra khỏi bãi bùn. Hai người cắp nách ông ẵm xuống xuồng đưa về cho thấy mặt vợ con...

TGvSctlz.jpgPhóng to

oOo

Ngôi miếu ấy kê táng, 4 cột gỗ tràm thân tròn bào nhẵn, xà gồ đòn tay kết bằng mộng thắt, lợp ngói móc tử tế. Vuông vức rộng một sải tay, trong đặt một kệ thờ, có lư hương chân đèn, vách trong treo bức tranh họa hình ông Ba Mươi màu vàng sọc đen trên giấy hồng điều trông giống như tranh làng Hồ. Ngày ngày khói hương nghi ngút. Rằm lớn cúng heo sữa quay, rằm nhỏ cúng gà tréo cánh, không cúng hoa quả vì lúc sinh thời 110 Trần Kim Trắc T Chúa sơn lâm chỉ thích ăn thịt sống.

Ông Tư Khàn dựng ngôi miếu này gọi là miếu Ông Hổ trên đất rừng nhà mình ở U Minh Thượng, ven bờ con rạch rừng để giảng hòa với Chúa sơn lâm vì sợ ông thù dai, theo mồi đến cùng. Ghe xuồng bơi qua lại, nữ giới bỏ khăn, nam giới hạ nón để tỏ lòng thành kính.

Hai lần đụng cọp giữa rừng sâu, ông Tư Khàn bị ám ảnh vì tính thù dai ấy, ông phải xốc cừ tràm quanh nhà chắc chắn, sợ ban đêm hổ vào tha đi mất như cõng con bò mộng. Ấy vậy mà vẫn chưa an, Chúa sơn lâm vẫn theo ông vào giấc mộng. Vía hổ hỏi ông:

- Tại sao 2 lần ta vươn móng vuốt vồ nhà ngươi đều trượt? Mi lại còn chém ta bị thương?

- Tại vì nhà mi có đuôi, trước khi vồ mồi, ngươi có tật đập đuôi rồi mới phóng, ta biết trước nên phòng bị. Ngươi muốn vồ mồi ngon lành thì có giỏi chặt đuôi đi!

- Không được, mất đuôi lấy gì để chúa rừng ra oai? (Vểnh râu chớp mắt suy nghĩ). Mà này, ta hỏi ngươi tại sao Thượng Đế sắp đặt cho loại đi 4 chân có đuôi, còn loại người đi 2 chân các ngươi lại không có đuôi?

- Cái đuôi đại diện cho thú tính, loài hổ đập đuôi khi thèm thịt, loài chó sợ chạy cong đuôi, nịnh hót thì cái đuôi ngoay ngoảy. Thú vật thật thà muốn gì thì bộc lộ hết ra ngoài. Thượng Đế lại muốn loài người là động vật cao cấp, có trí khôn, có nhân tính, có mưu mẹo che đậy giấu bên trong tâm hồn, nếu cho có đuôi tốn hết nguyên liệu, lấy đâu ra để tạo ra nhân tính để giấu vào trong mà có trí khôn thống trị muôn loài và vượt mặt lẫn nhau?

Hổ gầm lên:

- Như vậy là bất công, bất bình đẳng, khinh miệt loài thú, không xong với ta. Ta sẽ khiếu kiện tới thiên đình, tại sao đã sắc phong cho ta là Chúa sơn lâm lại còn coi ta là cầm thú.

Vía ông Tư Khàn tự nhủ nó đang nổi nóng không nên đổ dầu vào lửa, nên im re đánh một giấc tới sáng. Ngày hôm sau vẫn chưa an, bèn bơi xuồng tìm đến nhà bác Ba Phi - nhà hiền triết miệt rừng U Minh - kể rõ sự tình, xin một lời khuyên.

sI7YyZEv.jpgPhóng to

oOo

- Vậy ông anh không nghe người ta nói theo chữ nghĩa dân gian là “ló đuôi dê” để ám chỉ kẻ háo sắc. “Thò đuôi heo” là những thằng ham ăn ham ngủ biếng làm. “Ló đuôi chuột” là những thằng khoét bồ lừa của dân, đào hang khoét ngách để mà lủi. “Thò đuôi khỉ” là những thằng láo cá ba xạo. “Thò đuôi nheo” là những thằng nhát gan thỏ đế. “Thò đuôi cáo” là ám chỉ con Đắc Kỷ hồ ly.

Các cụ ngày xưa sáng tác ra ngụ ngôn, chẳng phải đã lấy loài thú để giáo dục dạy dỗ con người sao? Người trên thượng giới thâm Nho lắm, cho loại 2 chân giấu cái đuôi nhưng vẫn gọi là “con người” sao không gọi là ông người lại gọi là nửa người nửa con như vậy? Chữ “con” này độc lắm! Như vậy là không có đuôi, nhưng vẫn đeo cái chất thú, tinh mắt lắm mới thấy cái đuôi vô hình ấy nó thò, ló ra khi dục vọng lôi cuốn. Âm ngữ của dân gian lí lắc lắm khi nói rằng thằng đó, con đó nó “ló đuôi”.

Biệt tài nhìn thấy đuôi này phải xếp giải quán quân cho chị em giới nữ khi nổi cơn ghen phát hiện ra ngay: Hắn đã mọc đuôi dê...

Cám ơn bác Ba Phi năm hết Tết đến đã vỡ lẽ ra giùm cho: “Ló đuôi, mọc đuôi...”. Lời nói bóng gió dân gian bình dân thôi mà chửi độc lắm đó! Ló đuôi đầu trộm đuôi cướp. Ló đuôi ăn quỵt ăn chực. Ló đuôi xin đểu. Ló đuôi sách nhiễu. Ló đuôi tà dâm. Ló đuôi vọng ngữ, nói dóc. Ló đuôi đạo tặc. Ló đuôi háo sắc. Ló đuôi mị dân. Ló đuôi buôn lậu hàng gian hàng giả. Ló đuôi hối lộ quan tham ăn của đút. Ló đuôi đạo văn. Ló đuôi buôn thần bán thánh. Ló đuôi thay lòng đổi dạ. Ló đuôi xỏ lá ba que. Ló đuôi phụ tình... Tất tật đều là ích kỷ. Là thú đội lốt người...

Tư Khàn về nhà nằm gác tay lên trán ngẫm ngợi, đêm tối đem tới cho ta lời khuyên mà. Đừng để ló đuôi cái ông già mắc dịch...!

TRẦN KIM TRẮC

LFQwcLFn.jpgPhóng to

Tuổi Trẻ Cười Xuân Canh Dần 2010 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

longhp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên