Phóng to |
Có rất nhiều tượng rồng ở Miếu Nổi |
Ngôi miếu được xây cất trên một cồn nhỏ giữa sông thuộc P.5, Q.Gò Vấp nên còn được người dân gọi bằng cái tên khác là Miếu Nổi. Từ chợ Gò Vấp đi theo đường Nguyễn Thái Sơn, cuối đường rẽ trái vào đường Trần Báo Giao, đi thêm vài trăm mét sẽ đến được nơi gởi xe để qua đò đi Miếu Nổi. Nói thì dễ nhưng với một người không rành đường sá Sài Gòn như tôi, để đến được Miếu Nổi cũng là một hành trình khá gian truân bị lạc đường hai, ba bận mới tìm đến nơi. Ông bà ta thường nói “đường đi ở nơi miệng mình” quả rất đúng! Cứ mỗi lần đi sai đường, tôi hỏi thăm và nhận được sự chỉ dẫn nhiệt tình của các bác xe ôm, các cô bán hàng rong... Chợt thấy thương làm sao tấm lòng thơm thảo của người Sài Gòn. để qua được miếu, du khách phải gởi xe và đi đò với giá 10.000 đồng/ khách (cả lượt đi và lượt về).
Tôi đến đây vào dịp cuối tuần nên có khá nhiều khách đến viếng miếu. Ngồi trên đò và ngắm nhìn những đám lục bình trôi trên sông, những rặng dừa nước xanh rì hai bên bờ và tiếng lạch bạch của máy tàu tạo cho tôi một cảm giác yên bình trái ngược hoàn toàn với không khí xô bồ, người xe tấp nập của bên kia thành phố. Du khách có dịp đắm mình với thiên nhiên sông nước, mọi ưu tư, buồn phiền dường như tan biến đi.
Miếu được hình thành từ thời vua Gia Long cách đây hơn ba thế kỷ, trên một cồn đất nhỏ hình chữ nhật khoảng chừng trăm mét vuông. Bờ bên đây là bến đò, phía bên kia là vùng chuyên canh cây ăn trái của bà con An Phú Đông, quận 12. Tương truyền, cách đây hơn hai trăm năm, có một ngư dân lúc đánh bắt cá đã vớt được một pho tượng mà bà con cho là tượng của bà Thủy Tề. Từ đó người dân cho lập một ngôi miếu thờ bà Thủy Tề tại cồn đất bỏ hoang. Mỗi khi tàu thuyền qua lại nơi này thường ghé miếu cúng viếng để cầu cho mưa thuận gió hòa, buôn may bán đắt. Trước năm 1975, Phù Châu Miếu rất nổi tiếng và được nhiều người dân khắp nơi tìm tới cúng viếng. Sau năm 1975, miếu gần như bị bỏ hoang không người trông coi. Mãi đến năm 1989, ông Lục Câu đã bỏ tiền túi và vận động người dân địa phương cùng nhau trùng tu lại miếu.
Phóng to |
Phù Châu Miếu |
Chú Lục Câu, trưởng ban quản lý Miếu Nổi, cho biết miếu đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố vào năm 2010. Khi tôi đến, một số công trình của miếu đang được trùng tu, xây mới. Trong đoàn khách tham quan Miếu Nổi cùng chúng tôi hôm ấy ngoài các cụ già, người đứng tuổi, còn có rất đông bạn trẻ đến đây cầu bình an, cầu cho việc học hành và công việc được suôn sẻ, đồng thời để được tận mắt chiêm ngưỡng những nét kiến trúc độc đáo của miếu. Tôi tin chắc rằng Miếu Nổi sẽ trở thành một địa điểm du lịch văn hóa tâm linh được nhiều người dân trong và ngoài TP.HCM tìm đến trong thời gian tới.
Áo Trắng số 19 ra ngày 15/10/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận