![]() |
- BS Nguyễn Đình Sang (Chuyên khoa BS gia đình, TT y tế quận I):
Nước bọt do tuyến nước bọt tiết ra. Người ta có 3 cặp tuyến nước bọt chính là:
- Tuyến mang tai: nằm ở góc xương hàm ở 2 bên, là tuyến nước bọt lớn nhất.
- Tuyến dưới hàm: nằm ở sau miệng cạnh xương hàm.
- Tuyến dưới lưỡi: nằm ở sàn miệng phía trước.
Mỗi ngày các tuyến nước bọt tiết ra khoảng 800-1.500ml nước bọt cả ngày lẫn đêm, tuy nhiên về ban đêm tuyến nước bọt tiết ra rất ít.
Thành phần chính của nước bọt gồm có chất nhầy, các men tiêu hoá như amylase, các chất muối khoáng như muối của Na, K, Ca. Ngoài ra nước bọt còn chứa các protein, các chất sát khuẩn, urê, bạch cầu…
Công dụng của nước bọt:
- Nước bọt có tác dụng trong việc tiêu hoá thức ăn bằng cách phân huỷ chất bột nhờ men amylase.
- Làm ẩm ướt miệng, thấm ướt thức ăn khiến cho dễ nuốt.
- Sát khuẩn miệng nhờ các lysozyme và các kháng thể.
Các bệnh thường thấy của tuyến nước bọt là:
- Viêm tuyến nước bọt: do virus (như quai bị), do vi khuẩn ở miệng gây abcès tuyến nước bọt.
- Sỏi tuyến nước bọt: sỏi nằm trong tuyến hoặc ở ống dẫn nước bọt.
- U tuyến nước bọt: hiếm gặp.
- Giảm tiết nước bọt :do bệnh, do mất nước, do dùng thuốc.
- Tăng tiết nước bọt: nước bọt được tiết ra nhiều hơn bình thường do:
+ Miệng bị kích thích do các tác nhân như: răng không đều, cao răng, viêm nướu răng, đau răng, loét miệng.
+ Bệnh ở đường tiêu hoá như viêm loét dạ dày, viêm thực quản.
+ Do nhuyên nhân thần kinh như tăng hoạt động của thần kinh phó giao cảm do bệnh hay do dùng thuốc.
Về vấn đề hôi miệng như bạn hỏi có nhiều nguyên nhân như: bệnh ở vùng họng -miệng (như viêm amygdales, viêm nha chu), ở mũi, ở xoang (như viêm xoang), ở thực quản, bệnh nội tiết (như tiểu đường), bệnh của hệ hô hấp (như lao phổi) hoặc do cơ tâm vị không đóng kín khiến hơi từ ống tiêu hoá thoát lên.
Ở đây bạn bị viêm xoang đã 12 năm, mặt khác bạn lại hay bị chảy máu răng nên có thể hôi miệng là do viêm xoang và có vấn đề về răng (như viêm nha chu).
Do đó bạn nên đến các phòng khám đa khoa để khám và tổng quát, khám tai mũi họng, răng hàm mặt để phát hiện các bệnh lý nếu có, từ đó mới điều trị chính xác được.
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận