24/11/2014 00:10 GMT+7

​Miền Trung triển khai phòng tránh rắn lục đuôi đỏ

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Cần biết - Trước tình trạng rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều bất thường, các cơ quan chức năng ở miền Trung đã khẩn trương điều tra, để kịp thời có biện pháp xử lý.

Hơn 1 tuần trở lại đây, trên địa bàn quận Sơn Trà và Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng, người dân rất lo lắng khi thường xuyên thấy rắn lục đuôi đỏ ở gần khu vực dân cư, thậm chí chui vào nhà.

Không chỉ Đà Nẵng, rắn lục đuôi đỏ còn xuất hiện ở các tỉnh miền Trung và cắn khiến nhiều người phải nhập viện.

Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, từ đầu tháng 11 đến nay, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận và điều trị 1-2 ca bị rắn cắn (tổng số khoảng 50 người). Địa phương có người bị rắn cắn nhiều là Mộ Đức, Đức Phổ, Nghĩa Hành và Tư Nghĩa.

Tại Quảng Nam, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đang điều trị cho 8 bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn, trong đó có 3 ca nặng.

Hay tại Phú Yên, từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận và điều trị cho hàng trăm bệnh nhân bị rắn cắn, trong đó chiếm nhiều nhất là các trường hợp bị rắn lục cắn.

Theo nhiều người dân, do chim bìm bịp - loài chuyên bắt rắn - bị suy giảm vì nạn săn bắt trái phép đã gây mất cân bằng hệ sinh thái, khiến rắn lục sinh sôi nảy nở nhanh.

Cũng có người cho rằng, loài rắn lục đuôi đỏ gia tăng bất thường có thể là do tác động của biến đổi khí hậu; hay năm nay không có lũ, nên rắn có điều kiện phát triển.

9EuJTytO.jpg

Trước thông tin trên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương kiểm tra, xác định nguyên nhân rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều bất thường trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, giao Sở Y tế phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng mở chuyên trang, chuyên mục để hướng dẫn cách phòng tránh, sơ cứu, cấp cứu khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện, thành phố tổ chức phát động toàn dân ra quân vệ sinh đường làng, ngõ xóm, phát quang bụi rậm để tiêu diệt, xua đuổi và hạn chế rắn ẩn nấp gây nguy hiểm đến tính mạng người dân.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi bị loài rắn này cắn không nên băng ép bất động, vì có thể làm gia tăng thêm tổn thương. Người bị rắn cắn dùng dây, vải buộc gần nơi bị cắn, tránh để độc tố lan rộng, khẩn trương đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu.

Người bị rắn cắn tuyệt đối không chích, rạch, châm, chọc vết cắn và hút nọc độc, đắp các loại thuốc nam, không tự chữa trị tại nhà, mà phải nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, tiêm huyết thanh kháng độc, tiêm kháng sinh chống nhiễm khuẩn.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên