14/05/2015 00:10 GMT+7

​Miền Trung chủ động trước nguy cơ cháy rừng

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Thời tiết nắng nóng kéo dài trong những tháng qua đã khiến nhiều cánh rừng ở các tỉnh miền Trung đứng trước nguy cơ cháy rất cao.

Đặc biệt, đây là thời điểm người dân ở các huyện miền núi tập trung đốt thực bì, chuẩn bị cho vụ trồng rừng mới khiến nguy cơ cháy rừng luôn thường trực ở mức nguy hiểm.

Thời điểm nguy cơ xảy cháy cao

Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa khô là tỉnh Quảng Ngãi lại "nóng" vì nạn cháy rừng bởi đây là thời điểm người dân tập trung đốt thực bì.

Quảng Ngãi hiện có 150.000 ha rừng, tập trung ở 6 huyện miền núi. Tại các khu rừng gần khu dân cư hay đất canh tác của người dân, nguy cơ cháy rất cao do người dân đốt nương rẫy...

Theo dự báo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi, các địa phương dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn năm nay là Bình Sơn, Đức Phổ, núi Long Đầu (xã Tịnh Ấn Đông, TP. Quảng Ngãi) và núi Thiên Ấn (phường Trương Quang Trọng, TP. Quảng Ngãi). Một số cánh rừng có mức cảnh báo cháy ở cấp IV, V - cấp cực kỳ nguy hiểm, rất dễ xảy ra cháy nhanh, cháy lớn.

Trong khi đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam đã nâng mức cảnh báo cháy rừng lên cấp IV.

Trên địa bàn tỉnh có 324.605 ha diện tích đất có rừng và hơn 99.196 ha đất trống quy hoạch lâm nghiệp nằm trong vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy.

Tỉnh Bình Định có gần 311.000 ha đất có rừng. Theo thống kê của ngành kiểm lâm, năm 2014, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 57 vụ cháy rừng làm thiệt hại gần 415 ha rừng. Còn từ đầu năm 2015 đến nay, đã xuất hiện nhiều đám cháy nhỏ.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định cho biết, những ngày đầu mùa khô, người dân phát dọn, đốt thực bì chuẩn bị trồng rừng nhưng không tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng.

Ngoài ra, một số người dân vào rừng đốt than trái phép, mồi lửa đốt ong... còn chủ quan với “giặc lửa”.

Theo thống kê của ngành kiểm lâm, hiện có trên 50% chủ rừng không trang bị hoặc có trang bị nhưng thiếu các công cụ phòng cháy, chữa cháy rừng như: bình chữa cháy, bình nước, vỉ dập lửa, cào cỏ...

Thậm chí, có chủ rừng không xây dựng các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng như: đường băng cản lửa, hồ dự trữ nước, chòi canh lửa...

Ở TP. Đà Nẵng, nguy cơ xảy ra cháy rừng đang ở cấp báo động IV. Những địa bàn trọng điểm được xác định dễ xảy ra cháy là khu vực phía nam đèo Hải Vân; khu vực vành đai khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà-Núi Chúa, xã Hòa Phú và xã Hòa Ninh...

pjgK4TCl.jpg

Chủ động phòng chống

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi cho biết, chi cục tiếp tục triển khai quy chế hợp đồng bảo vệ rừng.

Tại 123 xã có nguy cơ cháy rừng, đơn vị sẽ ký hợp đồng với 1 người dân để hướng dẫn những người khác cách thức sử dụng lửa, canh gác và theo dõi, ghi chép đầy đủ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương.

Cùng với đó, nét mới trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2015 là thành lập các nhóm hộ có rừng liền kề. Đây là những người dân có ý thức rất cao bởi rừng là tài sản của cá nhân họ, lại quen thuộc địa hình nên dễ dàng xử lý khi xảy ra sự cố.

Chi cục cũng yêu cầu các chủ rừng phải báo cáo trước với chính quyền địa phương khi đốt thực bì để dễ giám sát và xử lý vi phạm.

Để công tác này thật sự phát huy hiệu quả, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi đã kiện toàn 130 Ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng, mua sắm 97 máy móc, thiết bị và hơn 2000 công cụ thủ công, xây dựng 505 hương ước bảo vệ rừng tại các thôn bản.

Tại Quảng Nam, hằng ngày, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cập nhật tin tức và theo dõi ảnh vệ tinh tại website của Cục Kiểm lâm để phát hiện sớm điểm phát lửa.

Từ đó, sẽ thông tin kịp thời cho các đơn vị kiểm tra, tổ chức lực lượng cứu chữa nếu xảy ra cháy rừng.

Tại Đà Nẵng, Chi cục Kiểm lâm đề nghị UBND các xã, phường có rừng thông báo nghiêm cấm phát đốt thực bì trong mọi trường hợp.

Đồng thời yêu cầu các hạt kiểm lâm triển khai ứng trực tại các khu rừng xung yếu như Hòa Hiệp Bắc, Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam, Sơn Trà, Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Sơn, Hòa Khương, Hòa Liên; kiểm tra việc chấp hành thông báo của UBND xã, phường về việc nghiêm cấm phát đốt thực bì; kiểm tra, giám sát người và phương tiện ra vào rừng, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng; thường xuyên thông tin về nguy cơ cháy rừng đến các cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư tại khu vực có rừng.

Ngay từ đầu năm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định đã phân công cán bộ trực tại văn phòng, chốt, trạm, các vùng trọng điểm.

Ngoài ra, các chủ rừng cũng trực ở những khu vực trọng điểm, các chòi canh, bố trí phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng ứng phó.

Với những khu rừng dễ cháy, lực lượng kiểm lâm tiến hành khoanh vùng các điểm quan trọng (diện tích, đối tượng, địa điểm…) để cử cán bộ mở sổ theo dõi, tính toán cấp dự báo cháy rừng hằng ngày để thông báo kịp thời cho người dân. 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên