![]() |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Quả thật, nếu chỉ tính riêng thiên bút ký Ngọn núi ảo ảnh thì đã thấy sự vạm vỡ của tư duy và chiều sâu khúc xạ của tâm cảm, mà khó có một cây bút nào vượt qua. Nhưng so sánh là công việc của riêng chúng ta - những bạn đọc. Còn với Hoàng Phủ Ngọc Tường, viết là động thái không nhằm vượt lên, bỏ qua ai cả, mà chỉ để rong ruổi thỏa chí trong miền mộng của chính mình.
Một miền cỏ thơm không phải ở nơi xa xôi kỳ vĩ nào cả mà ngay dưới chân ông, ở Huế. Đã xê dịch nhiều, chứng nghiệm đầy ắp, để khi trở về nơi mình sống Hoàng Phủ Ngọc Tường chợt nhận ra rằng: "Huế là một thành phố được dành cho cỏ”. Ở nơi nào mà chẳng có cỏ, nhưng có lẽ Huế là nơi duy nhất "hương cỏ tràn vào thành phố" theo phát hiện của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Và: "Không nghi ngờ gì nữa, chính nơi đây mà người ta có thể tìm thấy chút hương vị tiêu dao của kinh thành Huế từ gốc cỏ bay lên những khu vườn xanh biếc" (Miền cỏ thơm).
Quả thật hiếm có một nghệ sĩ nào tôn vinh cỏ như Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nhưng đấy không phải là lối nói ngoa dụ, mà trải qua bao suy tư liên tưởng cùng sự giao cảm thiết thân giữa người nghệ sĩ và thiên nhiên Huế. Miền cỏ thơm đó đã dụ dẫn Hoàng Phủ Ngọc Tường đi qua những miền mộng khác của tâm hồn. Nếu như trước đây Hoàng Phủ Ngọc Tường thường để ngòi bút của mình tung tẩy trên những con đường thiên lý Bắc - Nam thì sau này, khi tạm vượt qua cơn bạo bệnh, ông thường rong ruổi trong chính tâm hồn mình.
Trong bút ký Những thiên thể chiếu sáng trong tôi, Hoàng Phủ Ngọc Tường dường như đã chạm được vào nơi sâu thẳm nhất trong tâm hồn con người qua những hồi ức tuổi thơ. Nhà văn viết: "Hóa ra huyền thoại không chỉ là những gì ta đã tiếp nhận từ hồi thơ bé, nó cứ tồn tại mãi trong nhận thức của ta, giống như ngọc xá lợi của đức Phật; cả đến khi ta đã khôn lớn, và cứ bền bỉ như thế, giúp ta giải mã những bí ẩn cuộc đời bằng ánh sáng riêng của nó”…
Đời sống, rồi cũng chỉ là "hoa bên trời" theo như cách nói của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nhưng những đóa hoa mộng trong tâm tưởng thì còn mãi. Còn nhớ hoài hoa phù dung, hoa ngũ sắc, hoa cỏ lau, hoa rì rì, hoa địa lan và cả hoa rừng vô danh nữa... Hoài cảm loài hoa còn có nghĩa là chạm vào miền sơ khai, thuần khiết của cõi lòng.
Đọc những bài ký mới nhất của Hoàng Phủ Ngọc Tường, chúng ta còn thấy được những "bước về từ ngày xưa" như ý mà ông bày tỏ trong bút ký Mái nhà dưới bóng cây xanh. Cũng là Huế đấy thôi, nhưng qua dằng dặc thời gian chợt như hé ra một bóng dáng, lộ ra một ngọn gió, khẽ khàng tiếng bước chân…đi về từ miền mộng. Là những bước chân trở về lặng lẽ, nhưng cũng có thể là để sửa soạn những cuộc đi tiếp tục, như lời của Lão Tử: "Thiên lý chi hành thủy túc vu hạ” (Cuộc đi ngàn dặm bắt đầu ở dưới chân).
Gọi là rong ruổi trong miền mộng, nhưng bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường tuyệt đối không xa rời yếu tố "người thật việc thật" cũng như vốn liếng văn hóa, cái nhìn riêng biệt… Đó là đặc tính làm nên sức hấp dẫn của bút ký.
Và, khi khép lại tập sách này, chúng ta thấy một "ông Hoàng" đang ngồi ngước mắt dưới bầu trời sao đêm, chiếc cúc áo trên cùng mở ra, không phải để đón gió mà để chào một ngôi sao băng như chào và nguyện cầu cho một người tử tế vừa tạm chia tay chúng ta trong cuộc đời này (!).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận