08/02/2013 09:03 GMT+7

Miền Bắc: Phú quý thọ khang ninh

VIỆT HOÀI
VIỆT HOÀI

TTXuân - Theo giáo sư Nguyễn Văn Huy - nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, bàn thờ ngày Tết của các cư dân Việt ở đồng bằng sông Hồng là một trong những nét tinh túy nhất của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

Nó phản ánh một phần quan trọng đời sống tâm linh cũng như văn hóa ẩm thực, thậm chí cả kiến trúc của văn minh đồng bằng sông Hồng.

hLGbcGU2.jpgPhóng to
Bàn thờ ngày Tết của một gia đình ở Hà Nội - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Với cư dân nông nghiệp, Tết là thời điểm quan trọng trong năm nên bàn thờ ngày Tết cũng trở nên đặc biệt. Việc trang hoàng bàn thờ tùy thuộc điều kiện hoàn cảnh mỗi nhà, nhưng dứt khoát nhà nào cũng phải bày mâm ngũ quả. Việc bày mâm ngũ quả xuất phát từ lý thuyết về ngũ hành: thủy - hỏa - mộc - kim - thổ, những yếu tố tạo nên vũ trụ và sự vận hành của nó. Thông thường ngũ quả gồm năm loại quả có các màu khác nhau như chuối xanh, bưởi vàng, hồng đỏ, lê trắng, quýt da cam tượng trưng cho mong ước: phú (giàu có) - quý (sang trọng) - thọ (sống lâu) - khang (khỏe mạnh) - ninh (bình yên).

Theo đó, quả phật thủ hay nải chuối như bàn tay che chở của Đức Phật cho tất cả mọi người; quả bưởi, dưa hấu thể hiện sự đầy đặn, trọn vẹn căng đầy sức sống; màu sắc thắm tươi của quýt, hồng tượng trưng cho sự may mắn, phồn thịnh cát tường.

Trên bàn thờ tổ tiên, ở chính giữa đặt bát hương (tượng trưng cho tinh tú) và trên bát hương có cây trụ để cắm hương vòng (tượng trưng cho trục vũ trụ), hai bát hương khác đặt ở bên trái và bên phải tạo tư thế tam tài; ở hai góc ngoài bao giờ cũng có hai cây đèn dầu (hoặc nến) tượng trưng cho mặt trời bên trái và mặt trăng bên phải. Lễ vật dâng cúng thường bao gồm vài bộ quần áo, giấy tiền vàng mã cho các cụ, một vài cái chén (ly nhỏ, thấp) và một bình trà.

Đĩa hoa quả lớn đặt ở trung tâm bàn thờ, một bình hoa lớn và một bình rượu ngon. Xung quanh có bày thêm bánh mứt cho cân đối và đẹp mắt. Khi cần giao tiếp với tổ tiên (có lúc thỉnh cầu, có lúc sám hối...) người ta thường đốt nến (đèn dầu) và thắp hương. Mọi nguyện cầu theo các vòng khói hương chuyển đến ông bà tổ tiên.

Hoa để thờ cũng có nhiều loại, hoa tươi hoặc hoa làm bằng giấy bạc (một bạc, một vàng biểu tượng cho một âm, một dương, âm dương giao hòa) để dùng được lâu. Đối với hoa tươi, người miền Bắc thường sử dụng hoa cúc, hoa đào trong cúng gia tiên ngày Tết. Mấy chục năm nay, với sự thông thương Nam - Bắc, hoa mai từ Nam đã ra Bắc, đặt trước các bàn thờ khá nhiều, các giống hoa ngoại nhập như layơn, hoa lan Thái, địa lan, thậm chí cả tulip cũng có.

Khoảng sáng 30 Tết, việc bày biện bàn thờ Tết phải được hoàn tất.

Việc thắp sáng cho bàn thờ ngày Tết cũng được bắt đầu từ 30 Tết. Hầu hết các nhà sử dụng hương que (thẻ), nhưng cũng có nhà sử dụng hương vòng hoặc hương que loại lớn, cháy liên tục trong nhiều ngày với nhiều ý nghĩa biểu trưng các vì tinh tú đang tỏa sáng, sự chăm lo ân cần của con cháu...

Đặc trưng của văn hóa nông nghiệp cũng được thể hiện trên bàn thờ tổ tiên của người Việt. Thông thường, ở ngay sau bát hương đặt một chiếc Tam sơn trên đó đặt ba cái đài nhỏ đựng ba chén nước. Nếu không có đủ như vậy, mỗi lần thắp hương chủ lễ vẫn phải thay ba chén nước mới để tỏ lòng thành kính trắng trong. Phía sau Tam sơn thường có một cái đỉnh ba chân, nắp đỉnh được vẽ hình con lân với ý nghĩa sức mạnh bề trên kiểm soát tinh thần con cháu khi đứng trước bàn thờ.

Bàn thờ tổ tiên luôn cần được thanh tịnh. Vì thế, đồ tế lễ chỉ có thể là hương, hoa, trà, quả… Những ngày giỗ Tết, con cháu muốn dâng cúng cỗ mặn phải đặt ở một chiếc bàn phụ phía trước và thấp hơn bàn thờ chính.

Việc bài trí bàn thờ gia tiên thường không giống nhau, điều này phụ thuộc vào quan niệm tâm linh và cả điều kiện kinh tế của gia chủ. Nhìn chung bàn thờ gia tiên nào cũng có một số đồ thờ chủ yếu là bài vị, bát hương, đĩa đèn, bình hoa, chén rượu, mâm đựng hoa quả… Các gia đình bình dân, đồ thờ thường được làm bằng gỗ hoặc sành sứ, còn các gia đình giàu có thế nào cũng có đồ thờ tự bằng đồng.

Ngày nay, mâm quả trên bàn thờ Tết người Việt phong phú hơn về chủng loại nhưng với tính dung hợp trong văn hóa, người Việt Nam luôn có thể tìm thấy tất cả những yếu tố thích hợp, có giá trị ý nghĩa đối với đời sống tâm linh của dân tộc mình. Bởi vì, xét cho cùng, bàn thờ Tết cũng là nơi những sản vật đẹp mắt nhất, tinh túy nhất được dâng bày với những tình cảm hiếu kính, trang trọng và thiết thân nhất. Đó không chỉ là nơi mọi người bày tỏ tình cảm gia đình, huyết thống, mà còn là nơi gửi gắm những lời chúc may mắn và một năm mới an khang, thịnh vượng hơn.

Thắp hương

Hương khói tạo nên một không khí ấm cúng nơi gian thờ, gắn kết tình cảm và ước nguyện hạnh phúc của mọi người trong một gia đình. Hương dùng cho những ngày Tết thường là các loại hương có mùi thơm đặc biệt như hương lài, hương trầm, hương trám...

Việc thắp hương trên bàn thờ bao giờ cũng phải thắp theo số lẻ: 1, 3, 5, 7, 9, 11…, tránh thắp số chẵn như 2, 4, 6, 8, 10... Người ta quan niệm số lẻ là dương nên phù hợp hơn với tổ tiên (người dương thắp cho người âm). Loại hương thẳng gồm hai phần: chân hương màu hồng đỏ, bụi hương thơm. Hương vòng bao gồm nhiều vòng hương, có buộc dây, đặt trên que sắt trong bình hương. Khi thắp hương, người ta phải để hương cho thật thẳng, tránh hương bị nghiêng, méo hay xiêu đổ khiến đốm lửa giữa các nén hương không đều nhau, làm hương bị tắt.

VIỆT HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên