![]() |
Minh họa: DUY NGUYÊN |
Tôi biết tên anh nhưng vẫn thích gọi anh là Mía bởi nhà anh trồng toàn mía mà mía đất cồn thì tốt phải biết! Giống mía quê tôi vẫn thường trồng là mía “Thanh diệu”, cái tên quá đỗi mỹ miều. Dân xứ tôi gọi là giống mía “cô Ba” mộc mạc, gần gũi mà thương lạ. Thân mía tròn lẳn, từng đốt đều nhau thẳng tắp, màu nâu bóng mỡ màng, đố họa sĩ nào pha vẽ được màu nâu da mía ấy! Thi thoảng là những phấn trắng li ti bám vào thân. Gốc mía bám rễ vào bùn chuyên cần nhẫn nại cho những ngọn mía xanh mướt sắc nhọn vươn lên với nắng với gió, đổ thành những đợt sóng lá xanh, hình uốn lượn, tạo thành những thanh âm va vào nhau sột soạt bên khung trời lồng lộng.
Tuổi thơ tôi và anh gắn liền với mía, những bãi mía xanh xanh đi cùng giấc mơ cánh diều vi vu tiếng sáo cứ thế vỗ về những tâm hồn trẻ thơ xanh ngắt tuổi hoa niên. Tôi vẫn thích gọi anh là Mía hơn, tướng anh khẳng khiu nom hao hao dáng cây mía (nhưng là mía đẹt, mía sâu). Sau tràng cười khoái chí của tôi, anh nghiêm mặt gằn giọng:
“Vậy thì từ nay, cây mía này sẽ cố gắng ăn nhậu cho mập lên cho vừa lòng cây trúc nghen”.
oOo
Đất cồn Phú Tân bước vào vụ mía lúc nước bắt đầu lên, con nước ròng rồi con nước lớn. Cứ thế mía nhờ tay con người mà cao lớn phổng phao từng ngày, đứng nhìn ruộng mía trập trùng ai già nua mà không thấy mình trẻ lại! Những đêm trăng, tôi lại cùng Mía ra canh ruộng, mía vào mùa sắp thu hoạch phải canh dữ lắm, chỉ cần nghe sột soạt… rắc là xong. Bọn nhóc bẻ ăn chơi thì sá gì, chỉ lo bọn trộm vườn, chúng mà ra tay là thất thu cái chắc!
Trời càng vào đêm, ánh trăng sáng lên từng thân cây, ngọn cỏ, cả ruộng mía sáng lên, ánh trăng soi qua kẽ lá sắc nhọn, gió thổi nhẹ chờn vờn ánh trăng đầu tháng loáng thoáng chiếu lưa thưa vào cái chòi canh nhỏ xíu. Mía nằm khểnh bắt chân chữ ngũ hát râm ran, tôi im lặng ngồi kế bên anh, thi thoảng điểm vào không gian quạnh quẽ mấy tiếng đập muỗi chát bụp hòa vào dàn đồng ca của lũ dế vườn và tiếng hát ngọt như đường của Mía. Chúng tôi nói chuyện tương lai đủ thứ, tôi dự định sẽ bám ruộng, bám rẫy mà sống chết nơi đất cồn, chớ thân gái mà bon chen học hành chi cho xa, nhà cửa thì đơn chiếc mà cũng thỏa cái khát vọng đồng quê! “Rồi tôi sẽ chờ Mía, Mía nói sẽ qua nhà hỏi tôi mà, nói thiệt đó nghen!”.
Mía im lặng, giơ hai bàn tay: “Đây hai bàn tay trắng nè cây trúc”. Tôi mến Mía vì tính không dựa dẫm vào gia đình, người ta hay nói đó là có óc tự lập.
“Mà nè, nghe người ta nói vàng mắc lắm đó cây trúc”.
“Không sao, Mía đem qua hai cây mía cũng được, cây nào cũng là cây”. Đúng là trẻ con gì cũng nói được.
Thời gian cứ thế qua đi. Chúng tôi học hết phổ thông. Tất cả trôi nhanh như nước qua cầu. Hai đứa tôi cuốn vào lớp sóng của đời, quá khứ tuổi nhỏ phai lạt theo con sóng. Mía theo học ở thành phố với những dự định lớn lao cho tương lai, ít về xóm cồn lắm. Tôi theo lời má vào đại học ở tỉnh, cứ đi về như con thoi. Tuy vậy tôi vẫn yêu tha thiết xóm đất cồn với những bãi mía ngút ngàn, mỗi lần về nhìn ngắm chúng, soi mình vào sóng nước tôi tìm thấy chính tôi, con gái gốc quê, lấm láp bùn đất.
Tôi đã thấy những người bạn của Mía da trắng, môi đỏ lịch sự rộn ràng nói cười ở nhà Mía. Lặng lẽ bước về trong bóng chiều nhập nhoạng, nhà cửa bên đường rộn ràng tiếng băng đĩa của một ban nhạc mới về, trong vô thức tôi cất tiếng hát như những lời ru xưa: “Cái cò đi đón cơn mưa, tối tăm mù mịt ai đưa cò về”.
Áo Trắngsố 10(số 96 bộ mới) ra ngày 1/06/2011hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận