Nỗi lo mang tên “dầu chiên đi chiên lại nhiều lần”
Với từ khóa “dầu chiên đi chiên lại nhiều lần”, người tìm dễ dàng thấy 1.230.000 kết quả được trả về. Trong đó, đa phần là những bài viết phân tích tác hại và những căn bệnh đáng sợ như ung thư, rối loạn tiêu hóa… nếu dùng dầu chiên lại nhiều lần.
Nhiều bài viết còn đưa ra so sánh màu sắc của thực phẩm được chiên bằng dầu mới (màu vàng sáng hơn) so với dầu dùng nhiều lần (màu vàng sậm). Trên thực tế, nhiều người cũng nghĩ rằng màu vàng sậm của mì ăn liền là do được chiên bằng dầu được lắng cặn sau khi đã dùng nhiều lần.
Chị T.L (TP.HCM) chia sẻ: “Trước đây, để tiết kiệm, thỉnh thoảng tôi cũng tận dụng dầu cũ để chế biến tiếp thức ăn và đúng là thấy thức ăn có màu sậm hơn so với khi dùng dầu mới. Nhưng giờ tôi không dám nữa vì nghe nói rất có hại cho sức khỏe. Tôi cũng hạn chế không cho các con ăn mì vì sợ mì cũng được chiên bằng dầu cũ, đã dùng nhiều lần.”
Vắt mì có màu vàng sậm không phải do sử dụng dầu chiên đi chiên lại |
Chị T.L không phải là trường hợp duy nhất lo sợ về vấn đề này. Các chuyên gia dinh dưỡng khẳng định, việc các chị em nội trợ tận dụng quá nhiều dầu cũ đúng là sẽ gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, không thể đánh đồng “màu vàng sậm” của mì ăn liền là do dùng dầu chiên đi chiên lại và từ đó kết luận mì ăn liền có hại.
Ý kiến của chuyên gia
Trao đổi thêm về vấn đề này, Giáo sư Đống Thị Anh Đào, bộ môn Hóa Thực Phẩm trường Đại học Bách Khoa TP.HCM cho biết: “Theo nghiên cứu, mì có màu vàng sậm sẽ kích thích vị giác tốt hơn đối với người dân các quốc gia Đông Nam Á nên nhà sản xuất đã chủ động thêm bột nghệ và gia vị để tạo màu “ngon mắt” cho mì. Điều này trái với suy nghĩ của nhiều người là sở dĩ mì có màu vàng sậm là do dùng dầu chiên lại nhiều lần. Trên thực tế, trong sản xuất công nghiệp, mì chỉ “lội” qua dầu chưa đến 2 phút và lượng dầu hao hụt sẽ ngay lập tức được tự động bổ sung để sản xuất liên tục. Nếu quá thời gian này, mì sẽ không nở được trong nước sôi. Do vậy, chắc chắn mì không bị chiên bằng dầu cũ, được lắng cặn để chiên mì như cách tận dụng ở một số gia đình”.
Quy trình sản xuất mì ăn liền công nghiệp – tạo sợi & bỏ khuôn |
Bên cạnh đó, Giáo sư Anh Đào còn phân tích thêm: “Về mặt dinh dưỡng, một gói mì chiên có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng về hydratcarbon cho một người trong một bữa ăn. Hàm lượng chất béo thấm trong vắt mì chiên có thể ở 15% của khối lượng vắt mì, đã tạo một sự cân đối phù hợp cho một khẩu phần ăn. Mặc dù chất béo cần thiết cho cơ thể, là dung môi để hòa tan vitamin A, D, E, K; giúp cơ thể tăng trưởng…, nhưng đối với những ai buộc phải kiêng chất béo (như béo phì, tim mạch…) thì có thể dùng mì không chiên”.
Ngoài ra, chuyên gia PGS.TS. Lê Bạch Mai – Phó Viện Trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia còn tư vấn thêm, khi chọn mì ăn liền, người tiêu dùng nên xem công bố thành phần trên nhãn mác, sản xuất từ đơn vị uy tín, bao bì còn nguyên vẹn, trong hạn dùng và được cấp phép bởi các cơ quan quản lý có thẩm quyền. Cũng cần lưu ý thêm rằng, bất kỳ thực phẩm nào ăn quá nhiều cũng không tốt; ví dụ người ta không thể chỉ ăn thịt bò từ ngày này qua ngày khác mà bỏ qua các nhóm thực phẩm khác như tinh bột, chất béo, rau củ quả… Tương tự, để đầy đủ dinh dưỡng thì khi ăn mì nên kết hợp với các loại thực phẩm khác như rau, các loại, thịt, trứng… để tạo thành bữa ăn đa dạng, đảm bảo cân đối và đầy đủ dưỡng chất.
Hình bữa ăn cân bằng dinh dưỡng |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận