28/05/2019 09:14 GMT+7

Méo mó quy hoạch, sử dụng đất đai: Dân và Nhà nước cùng... thiệt

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Không ít nơi, các khoản lợi ích kếch xù từ thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch đã rơi vào túi các nhà đầu tư và cán bộ thoái hóa.

Méo mó quy hoạch, sử dụng đất đai: Dân và Nhà nước cùng... thiệt - Ảnh 1.

Chung cư dày đặc dọc đường vành đai 3 và Trung Hòa, Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Hầu hết các doanh nghiệp khi thực hiện dự án đều cố gắn dự án với tính chất là phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Như vậy, dự án đó sẽ do Nhà nước thu hồi đất và giá đất đền bù cũng sẽ theo khung giá của Nhà nước quy định, không phải thỏa thuận với người dân như điều 73 của Luật đất đai và thấp hơn nhiều so với giá thị trường.

Đại biểu NGUYỄN THỊ HỒNG HÀ (Ninh Thuận)

Đề nghị tiếp tục tăng cường sự giám sát của các cơ quan dân cử, trong đó có vai trò của HĐND các cấp tại các địa phương, đặc biệt là vai trò của các vị biểu Quốc hội và Quốc hội.

Phó thủ tướng TRỊNH ĐÌNH DŨNG

Đề nghị Chính phủ thắt chặt kỷ cương, quản lý quy hoạch, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm trách nhiệm nhằm chặn đứng các căn bệnh đang tồn tại.

Đại biểu ĐINH DUY VƯỢT (Gia Lai)

Đây là thực trạng đáng buồn của công tác quản lý đất đai, được các đại biểu Quốc hội chỉ ra trong phiên thảo luận (ngày 27-5) "về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018".

Định giá đất… rẻ như bèo

"Việc giao đất, cho thuê đất, thuê lại đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất diễn ra rất phức tạp, khó kiểm soát, thậm chí không tuân thủ pháp luật. Cử tri hoài nghi có hay không lợi ích nhóm, "sân trước sân sau" cùng cộng sinh với các quan chức có thẩm quyền" - đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nêu vấn đề. 

Theo ông, các quan chức có thẩm quyền "chỉ thích chọn phương án chỉ định chủ đầu tư dự án có sử dụng đất thay cho đấu giá quyền sử dụng đất. 

Đồng thời, lợi dụng cơ chế vừa đá bóng vừa thổi còi trong định giá đất, quyết định giá đất có nơi rẻ như bèo để cổ phần hóa doanh nghiệp, cho thuê đất, giao đất, bồi thường…, làm thiệt hại lớn đến lợi ích nhà nước, nhân dân".

Còn theo đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa): "Trong cùng một địa phương, cùng một thời điểm khi áp dụng các phương pháp khác nhau đã tạo ra sự chênh lệch lớn về giá trị khu đất, điều này đồng nghĩa việc nhà đầu tư sẽ chọn phương pháp tính có lợi cho mình và một nhóm người có cùng lợi ích". 

Ông Diến cho rằng tình trạng này xảy ra ở nhiều nơi, các báo cáo kiểm toán, thanh tra có đề cập, báo chí dành nhiều thời lượng phản ánh nhưng không ít người trong cuộc vẫn vô can, ngân sách nhà nước vẫn thất thu hằng năm. 

"Nhiều địa phương đang tạo ra cơ chế thoáng để thu hút đầu tư, còn một số cán bộ thoái hóa chỉ chú trọng cho nhóm lợi ích riêng đang tồn tại cùng hỗ trợ và đối phó với cơ quan chức năng" - ông Diến nói.

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đã chỉ ra bất cập lớn nhất trong công tác quản lý đất đai hiện nay.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách) nói: "Giá đất để tính tiền bồi thường cho người có đất bị thu hồi và tính tiền sử dụng đất, cho thuê đất để nộp cho ngân sách hiện nay rất bất cập, không sát với thị trường, làm thiệt hại cho người dân gây bức xúc khiếu kiện, thất thu ngân sách.

Khi nào còn không xác định được giá đất thị trường thì không thể chấm dứt được khiếu kiện, mất an ninh trật tự xã hội và thất thoát nguồn thu từ đất đai".

Để khắc phục tình trạng nêu trên, nhiều đại biểu Quốc hội cùng đề nghị Chính phủ cần theo sát diễn biến của thị trường để điều chỉnh khung giá đất, chấm dứt tình trạng có khu vực đã áp mức giá tối đa của Chính phủ nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với thị trường. 

"Quyền sử dụng đất là hàng hóa, giá cả của nó phải tuân thủ theo luật cung - cầu của thị trường nên giá đất luôn vận động và thay đổi theo hướng cung cầu. 

Để thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai, Nhà nước chỉ có thể ban hành khung pháp lý về giá đất, trong đó hoàn thiện bảng giá đất với các hệ số phù hợp được công bố công khai, làm cơ sở thực hiện đấu giá nghiêm túc khi Nhà nước thu hồi đất" - đại biểu Phạm Văn Hòa gợi ý.

Liên quan đến quy định của pháp luật về thực hiện các dự án BT, các ý kiến đề nghị Chính phủ phải khẩn trương bịt kẽ hở, vì đây là lĩnh vực đã và đang gây thất thoát rất lớn cho Nhà nước.

Méo mó quy hoạch, sử dụng đất đai: Dân và Nhà nước cùng... thiệt - Ảnh 5.

Nguồn: Báo cáo của đoàn giám sát Quốc hội về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Bóp méo quy hoạch, trục lợi cá nhân

Đây là một trong những vấn đề gây nhức nhối, để lại nhiều hệ lụy xấu cho các đô thị. Đại biểu Đinh Duy Vượt bình luận: "Chất lượng quy hoạch đô thị còn thấp, vẫn hiện hữu tư duy quy hoạch nhiệm kỳ, dấu hiệu áp đặt ý chí cá nhân, thậm chí có dấu hiệu lợi ích nhóm, bị nhà đầu tư chi phối, dẫn dắt làm thay đổi quy hoạch". 

Dẫn báo cáo kết quả giám sát, ông Vượt nêu số liệu: cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1 đến 6 lần. 

"Quy hoạch được điều chỉnh luôn có xu hướng tăng tối đa lợi ích cho nhà đầu tư, giảm tối đa các diện tích công cộng và lợi ích của người sử dụng" - ông Vượt phân tích và nói thêm: vấn nạn trên "đã gây tổn thất về kinh tế, bức xúc cho xã hội và người dân, thậm chí không thể khắc phục được như tình trạng ngày càng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, mưa ngập, quá tải điện nước, hệ thống thải…".

"Cử tri cho rằng việc điều chỉnh quy hoạch như trên là để phục vụ lợi ích nhóm của chủ đầu tư và những người có liên quan mà không quan tâm đến lợi ích của người dân. 

Điều đáng lo ngại là dân cứ phản ảnh, báo chí lên tiếng, cơ quan chức năng vẫn vào kiểm tra, nhưng việc điều chỉnh thì vẫn cứ diễn ra" - đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) bức xúc. 

Trong khi đó, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) lên tiếng: "Quốc hội nghĩ gì khi mật độ xây dựng điều chỉnh nâng từ 4,6% lên 40%, tầng cao bình quân từ 20-33 lên đến 40 tầng. Thay vì thuyết phục các nhà đầu tư tuân thủ quy hoạch của Nhà nước thì bị bẻ cong theo đề xuất của các nhà đầu tư. Lý do gì mà các nhà quản lý không thể bảo vệ điều do chính mình thực hiện thì hẳn ai cũng có câu trả lời". 

Rồi ông Nhân tự đưa ra câu trả lời rằng có "những người được Đảng và Nhà nước tin tưởng trao trọng trách quản lý thay vì giữ gìn để biến nó thành nguồn lực phát triển kinh tế thì lợi dụng để mưu cầu lợi ích riêng tư".

Ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) đánh giá tình trạng bức xúc kéo dài của một số vụ việc thời gian qua có một nguyên nhân bao trùm, đó là trong quá trình thực hiện quy hoạch, chính quyền và nhà đầu tư chưa quan tâm đúng mức đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp của nhân dân. 

Nhiều ý kiến có lý, có tình của nhân dân không được quan tâm đầy đủ, giải quyết kịp thời, gây bức xúc cho nhân dân. "Khi thực hiện nhiệm vụ nếu sai thì phải cầu thị, sửa sai, tuyệt đối không được đẩy cái khó, cái sai cho người dân. Khi giải thích cho nhân dân thì tình lý phải phân minh, thấu đáo" - bà Tâm nói.

Trong phiên thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội đều đề nghị Chính phủ, Quốc hội khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định còn bất cập, vướng mắc trong Luật đất đai, nhằm khắc phục các bất cập, tồn tại đang diễn ra. Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết trước mắt Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết chuyên đề về vấn đề này.

Thủ tướng chỉ đạo báo cáo dự án ách tắc vì vướng Luật Quy hoạch Thủ tướng chỉ đạo báo cáo dự án ách tắc vì vướng Luật Quy hoạch

TTO - Luật Quy hoạch đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 nhưng do phát sinh những vướng mắc trong triển khai khiến cho nhiều dự án đầu tư bị ách tắc, ảnh hưởng đến đầu tư phát triển.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên