18/12/2010 08:48 GMT+7

Mẹ Viết và ký ức ba thế kỷ

TẤN ĐỨC - QUỲNH HƯƠNG
TẤN ĐỨC - QUỲNH HƯƠNG

TT - Mẹ vẫn còn lưu giữ tấm thẻ căn cước cấp cách đây 40 năm, trong đó ghi rành rành: Trần Thị Viết, quê quán: Tuyên Bình, Kiến Tường; sinh năm 1892, chiều cao 1,55m, cân nặng 37kg.

g8eINnQa.jpgPhóng to

Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Viết trò chuyện với cháu chắt - Ảnh: T.Đức

Đó là một trong những căn cứ để người ta xác nhận mẹ là người cao tuổi nhất Việt Nam. Nhưng còn một “kỷ lục” khác mà tất cả chúng ta không ai muốn mẹ phải mang: mẹ là một trong những mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, có nhiều con hi sinh nhất!

1. “Lâu quá rồi, từ hồi mắt mẹ bị mờ, mẹ chưa về Thủ Thừa, không biết tụi con cháu mấy người bạn cấy, bạn hò Hai Còn, Bảy Nguyên, Ba Hộ, Tư Hài, Sáu Hậu có mạnh giỏi. Mà bây có ra đó hôn, cái chợ Thủ Thừa dạo này chắc đông lắm” - mẹ Viết nắn bàn tay tôi hỏi. Mà cũng lạ, chúng tôi chưa thấy ai (đúng ra là đâu có người thứ hai để thấy) đại thượng thọ như mẹ mà còn nhớ nhiều chuyện ngày xửa ngày xưa…

Bây giờ mẹ Viết đang sống cùng vợ chồng người cháu nội Nguyễn Văn Bình (con trai liệt sĩ An và cô Thép) trong căn nhà giữa đồng Đồng Tháp Mười, thuộc ấp Cả Gừa, xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng (Long An).

Đến thăm mẹ, phải đi bằng xuồng máy mới vô được tới nhà. Ít ai ngờ chỉ còn hơn tuần nữa mẹ đã bước vào tuổi 119 và có tới gần 500 con, cháu và là một trong những mẹ Việt Nam anh hùng có tới bảy người con hi sinh trong hai thời kỳ chống Pháp, Mỹ…

Mẹ kể quê mẹ ở làng An Hòa, huyện Thủ Thừa (trước là Tuyên Bình, Kiến Tường - nay là Long An). Đó là một vùng quê trù phú với những cánh đồng trải dài ngút tầm mắt. Ký ức thời con gái của mẹ là những tháng ngày đi cấy lúa vần công. Vừa làm, trai gái trong làng vừa hò đối đáp rôm rả khắp đồng trên ruộng dưới. “Anh hết thương em thì vặn khóa bẻ chìa/chớ đừng lập mưu kia kế nọ đặng mà lìa em… Anh về để áo lại đây/ để khuya em đắp gió tây lạnh lùng/… Lạnh lùng lấy mền em đắp/để áo anh về đi học đường xa/Làm sao anh nói rằng xa/ Anh đây em đó bỏ tay qua tới rồi…”.

Một trăm năm có lẻ đã trôi qua, giọng hò của mẹ không còn trong trẻo như xưa nhưng vẫn còn nguyên đó cái tình tứ, lãng mạn của những đôi trai gái ngày xưa. Mấy năm trước nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tìm đến mẹ, nghe mẹ ngâm nga mấy câu hò Nam bộ, đã bật thốt lên: “Quý hóa quá. Nghe mẹ hò tụi con mới biết có những câu hát chưa thấy trong sách vở này”.

Xứ Tháp Mười xưa là một vựa cá tôm của Nam bộ. Vào mùa lụt, nước dâng 4-5 thước, ngập lút bờ kênh. Cá tôm từ thượng nguồn về sinh sôi. Chừng cuối tháng 11 âm lịch lụt rút, ăn không hết phải bỏ vô lu ủ để làm phân tưới cây. Mỗi cái đìa, đám chà thu hoạch cả mấy xe trâu cá. Lái cá các nơi tựu về mua ướp muối phơi khô, làm mắm chở lên Sài Gòn và các tỉnh bán.

Trong số những lái cá từ miệt Tháp Mười lên, có nghĩa binh Nguyễn Văn Dành của phong trào Cần Vương, vì thất thời lui về quê mưu sinh đã làm mẹ phải cất lên câu hát “Mình như lá, em lại như nem/ Lựa ngày nào tốt cưới em cho rồi”.

Năm 21 tuổi mẹ theo chồng về Cả Rưng, xã Tuyên Bình, quận Tuyên Bình (Kiến Tường), nay là Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng (Long An) sinh sống. Tại đây mẹ tiếp tục nghề đi buôn cá, mùa lụt ngơi tay mẹ lại lần mò tự học cách đan đệm bàng nuôi con. Ngày ngày mẹ bơi xuồng đi cắt cọng bàng đem về phơi nắng, rồi dùng chày giã cho mềm ra, đan thành những tấm nóp, tấm đệm, cái giỏ xách rồi bơi xuồng ra Mộc Hóa, Bình Châu cách đó hơn chục cây số để bán.

Nhiều đêm mẹ thắp đèn cặm cụi làm đến gà gáy canh hai mới đi ngủ. Nhiều người trong xóm không hiểu sao khi thì mẹ thắp một cái đèn lồng, khi lại hai, ba cái; cái treo trước cửa, cái để trên bộ ván. Lính đóng ở đồn Cả Rưng cũng thấy lạ, nghi ngờ tra hỏi, mẹ thản nhiên: “Có mấy đứa cháu đi chơi chưa về, thắp đèn chờ nó thôi mà”. Đối phương đâu ngờ mẹ làm tín hiệu cho Việt Minh biết khi nào có Tây về mà tránh.

WI6VgAk4.jpgPhóng to
Mẹ Trần Thị Viết - Ảnh: Tấn Đức

2. Mẹ sinh tất cả mười người con, tám trai, hai gái. Mẹ không biết chữ, nhà cũng không dư dả gì nên các con cũng lớn lên như cây tràm, cây gáo ngoài rừng. Chỉ võ vẽ vài chữ ở trường làng và nằm lòng những câu hát ru của mẹ, các con, cháu mẹ đều biết phải làm gì khi lớn lên, chứng kiến cảnh cha ông bị bắt giết, xóm làng bị đốt phá.

Một bữa, mẹ vẫn nhớ đó là ngày 17-11-1953, người ta báo tin cho mẹ người con trai đầu Nguyễn Văn Liễn bị Tây bố, hi sinh. Anh Liễn mất khi mới 37 tuổi, để lại ba người con, hai gái một trai, có đứa còn chưa biết khóc khi đưa tang cha. Sau thất tuần của con trai, mẹ nhắn dâu “mang ba đứa cháu về, nội nuôi tiếp một tay”. Các con trai của mẹ lần lượt theo nhau “vô rừng”, chính quyền xã đưa mẹ vào diện “quan tâm đặc biệt”, buộc đi “học tập” mỗi tháng một tuần tại trung tâm quận Tuyên Bình (Kiến Tường).

Năm 1960, đến lượt một người con nữa của mẹ - liệt sĩ Nguyễn Văn Tao - hi sinh khi trên đường công tác từ Tuyên Bình ra Mộc Hóa. Sang năm sau, chồng mẹ mất vì những vết thương hồi tham gia phong trào Cần Vương tái phát. Liên tiếp hai năm 1962-1963, mẹ lại mất thêm hai người con nữa: liệt sĩ Nguyễn Văn Kiến (mất 23-3-1962) và liệt sĩ Nguyễn Văn Trị (mất 23-4-1963). Chiến tranh cứ cướp dần những người con khỏi vòng tay mẹ.

Năm Mậu Thân 1968, khi tham gia trận đánh chuẩn bị cho tổng tiến công và nổi dậy, người con trai út của mẹ là Nguyễn Văn Dẫu hi sinh tại Mỹ Tho. Nhưng đó chưa phải là tận cùng của nỗi đau. Đỉnh điểm là vào 23-3-1973, hai con trai của mẹ: Nguyễn Văn Anh - Nguyễn Văn An đã ra đi vĩnh viễn trong cùng một trận chống càn ngay tại quê hương mình.

Bảy người con ngã xuống, trong đó hai người cho tới nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt làm trái tim người mẹ héo hắt. Ngày mẹ đi giăng câu, làm mướn để cùng với ba con dâu sớm mất chồng nuôi những đứa cháu. Đêm mẹ thao thức nhớ chồng, nhớ con. Chị Nguyễn Thị Nguyên, cháu nội của mẹ, kể rằng: “Mãi tới tận sau này, nhiều khi thấy nội nằm võng, không khóc mà nước mắt sống cứ chảy ra. Hỏi nội, nội chỉ im lặng, rồi rất lâu mới nói: Tao nhớ cha mầy và mấy chú!”.

3. Người ngoài ít ai biết mẹ có hai lần làm đám cưới cho… con dâu Phan Thị Thép, nhưng cuối cùng người con dâu mẹ hết mực yêu thương vẫn là một quả phụ. Cô Thép là người ngụ cùng ấp Cả Rưng với mẹ. Một bữa Thép và người em gái út Phan Thị Mãnh đi giăng câu, thì bố mẹ và bốn anh chị em còn lại trong gia đình bị một quả bom rót ngay nhà. Hai chị em Thép trở thành hai đứa trẻ mồ côi.

Thương hoàn cảnh hai chị em, mẹ Viết đã chọn cô Thép làm vợ cho con trai thứ tám Nguyễn Văn Trị. Ngày “giáp mối” cho đôi trẻ, cô Thép đã thẳng thắn đặt “yêu cầu”: “Hai chị em con mồ côi cha mẹ, chỉ có một đứa em gái út, nếu bác thương tình cho con dắt về nhà chồng luôn thì con chịu lấy anh Trị, không thì cho con xin lỗi, kiếp sau sẽ đền đáp tấm lòng của bác và anh”. Mẹ bảo: “Bây không nói thì tao cũng biểu dẫn nó về. Tao coi con Mãnh như con từ lâu rồi mà!”.

Cưới nhau được bốn năm thì anh Trị hi sinh. Thương con dâu sớm khuya vò võ một mình, mẹ lại đứng ra tác hợp cho Thép với người con thứ chín - anh Nguyễn Văn An, là em kế của anh Trị. Thép và An dùng dằng mãi, đợi ba năm mãn tang anh Trị mới theo ý mẹ để các cháu không phải chịu khổ vì mất cha. Thép sinh thêm cho mẹ Viết ba cháu nội nữa thì anh An cũng hi sinh (anh mất ngày 23-3-1973, sau người anh ruột và cũng là chồng trước của vợ mình đúng 10 năm). Từ đó, mẹ đón cô con dâu Phan Thị Thép và năm cháu nội về ở cùng.

Mẹ Viết ngồi trên võng, tay ngoáy trầu, đầu chít khăn bông, trò chuyện với đám con cháu mới gặp mà như quen tự thuở nào. Ở tuổi 118 mà trí óc mẹ minh mẫn lạ thường. Mẹ nhắc: “Bé Thảo (cháu gọi mẹ là bà cố) đi học về chưa? Thằng Tùng đi ruộng chừng nào về? Đừng đi hết, nhà vắng teo. Mấy đứa Hai Liễn, Ba Kiến, Tư Yến, Năm Anh, Tám Trị, Chín An… đã đi hết rồi”…

Mẹ nắm tay chúng tôi: “Con về mạnh giỏi nghen, rảnh thì xuống đây nghe hát”…

DC43m7Z8.jpgPhóng to

Thẻ căn cước của mẹ Viết được cấp cách đây 40 năm - Ảnh: T.Đức

Người cao tuổi nhất Việt Nam

Năm 2009, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam và gia đình đã long trọng tổ chức lễ mừng đại thượng thọ 118 tuổi cho mẹ Trần Thị Viết tại nơi mẹ đang sinh sống ở ấp Cả Gừa, xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng (Long An). Theo ghi nhận chưa đầy đủ, mẹ đã có cháu đến đời thứ 6, với tổng số hơn 500 người, sinh sống chủ yếu ở hai tỉnh Long An và An Giang.

TẤN ĐỨC - QUỲNH HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên