Sách giúp nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ - Ảnh: Nhã Nam |
Những cuốn sách Pôn đọc hè rồi là những cuốn sách con thực sự thích và đọc hết: Sen trắng, Bắt trẻ đồng xanh, Chuyến phiêu lưu diệu kỳ của Edward Tulane, Điều kỳ diệu (Wonder), Chuyện con mèo dạy hải âu bay, Ông già Khốt Ta Bít, Hoàng tử Bé. Cuối mùa hè, Pôn còn đặt hàng hai cuốn bản tiếng Anh: Tiếng gọi nơi hoang dã, Chúa Ruồi (Lord of the Flies).
Tuy nhiên tới giờ, cả hai vẫn nằm đó, thẳng thớm. Bởi chúng không có được cơ hội nhàu nhò dưới tay Pôn mỗi đêm trước khi đi ngủ, như cả mùa hè qua.
Bài vở nhiều quá phải không Pôn? Mẹ biết. Nhưng mẹ thấy Pôn bữa nay cũng chơi game nhiều. Giá như con chia bớt thời gian cầm iPad cho những trang sách.
Mỗi ngày chỉ cần 20-30 trang thôi, rồi nếu con thấy hay, thấy thích, chắc chắn số trang còn cao hơn nữa. Đọc sách, nếu không phải là người nghiện đọc, thì phải ý thức tập, quyết tâm cầm sách lên.
Pôn nhớ không, ở Sen trắng, mẹ tâm đắc với lời nhắn gửi của nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn cũng như chia sẻ của tác giả Cao Huy Thuần trong lá thư gửi ba mẹ các em ở lứa tuổi 15, lứa tuổi Pôn bây giờ.
“Triết học bắt đầu từ tuổi này chứ không phải đợi đến khi lên đại học, bởi vì triết học bắt đầu là đặt vấn đề. Tò mò khoa học cũng nẩy mầm từ tuổi ấy, bởi vì từ tuổi ấy cái đầu dậy lên câu hỏi vì sao. Cũng vậy, ở cái tuổi ấy, nếu các em không biết suy nghĩ về những vấn đề đạo đức thì không biết đến bao giờ các em mới hiểu được thế nào là học để làm người” (Cao Huy Thuần).
“Chẳng phải ngẫu nhiên khi ở (rất) nhiều nước, người ta dạy, chơi và học triết học (ôi, từ đáng sợ và đáng yêu!) ngay từ giữa những năm... cấp I (nếu không tin, xin thử gõ mấy từ “philosophy for children” trong máy tính).
Đâu phải “gạo” triết để sớm thành bà (ông) cụ non! Chơi và vui thôi mà! Nhưng bổ ích bất ngờ: tập dùng ngôn ngữ cho chuẩn xác, tập hình thành một số khái niệm, tập thói quen lập luận cho có lý lẽ, tập trao đổi ý kiến và biết tôn trọng ý kiến người khác.
Bạn có thể học kém một số môn, nhưng trong giờ “chơi triết”, bạn có thể lấy lại sự tự tin và... ánh mắt thiện cảm của bạn bè, thầy cô giáo. Quan trọng hơn hết, bạn thấy cuộc đời thật lạ lùng, thú vị, với muôn nẻo quanh co khiến ta biết kiệm lời và nhẹ gót...” (Bùi Văn Nam Sơn).
Với niềm tâm đắc đó, cùng với cảm nhận qua những đề tài Pôn viết hè qua, hôm nay đây, mẹ chọn cho Pôn cuốn sách Thế giới của Sophie, tiểu thuyết về lịch sử triết học. Nghe ra to tát quá Pôn nhỉ, nhưng đừng lo nhé, cô bạn Sophie nhân vật chính trong hành trình ngược dòng lịch sử, cũng 15 tuổi, bằng tuổi Pôn đó.
Mẹ biết Pôn rất tự giác học hành, bài vở lúc nào cũng hoàn tất. Nhưng mẹ sợ hình ảnh Pôn cũng luôn cầm iPad chơi game. Mẹ không cấm Pôn chơi game vì mẹ biết rõ tác hại của việc cấm đoán tuyệt đối. Nhưng mẹ hi vọng Pôn hiểu được những gì mẹ nói với Pôn, làm cho Pôn, hoàn toàn chỉ với mong muốn những điều đó sẽ tốt cho Pôn.
Ở tuổi con, là giai đoạn khi mà bộ não ghi nhớ tốt nhất những gì tiếp nhận. Đọc sách nếu là đam mê thì không còn gì bằng, còn không thì phải là sự bắt buộc. Con đang ở tuổi không phải cứ la là nghe, không phải cứ ép là theo, chưa kể con sẽ phản kháng với người mẹ luôn miệng la lối này.
Mẹ ngồi ngẫm đủ thứ: về cách mẹ cư xử, la nhiều hơn trao đổi, cằn nhằn nhiều hơn chia sẻ, ngẫm về hình ảnh Pôn bịt tai khi mẹ bắt đầu bài “thuyết” dai dẳng đầy trách móc la rầy. Cách chuyển tải thông điệp của mẹ thời gian qua quá tệ con nhỉ.
Thư này chỉ để nói với con rằng mẹ không muốn làm mụ phù thủy trong mắt hai con; nhưng, hứa với mẹ, hãy làm sao để đè xuống con quỷ nóng nảy trong mẹ, đơn giản lắm - bỏ bớt game, đọc sách nhiều.
Được không con?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận