30/10/2006 13:40 GMT+7

"Mẹ gấu"

Theo TẤN THĂNG - Lao động
Theo TẤN THĂNG - Lao động

"Mẹ gấu" - một biệt danh mà nhiều người đặt cho chị Dương Thị Nhã (chủ trang trại Vườn Xoài, thuộc ấp Tân Cang, xã Phước Tân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) - khi thấy chị chăm sóc lũ gấu nuôi một cách tận tình, chu đáo.

lwlIfc0T.jpgPhóng to
"Mẹ gấu" Dương Thị Nhã chăm sóc gấu mới sinh
"Mẹ gấu" - một biệt danh mà nhiều người đặt cho chị Dương Thị Nhã (chủ trang trại Vườn Xoài, thuộc ấp Tân Cang, xã Phước Tân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) - khi thấy chị chăm sóc lũ gấu nuôi một cách tận tình, chu đáo.

Người phụ nữ có thân hình nhỏ nhắn, tính tình hiền hậu nhưng mạnh mẽ này lại rất giản dị. Dù đã là chủ một cơ ngơi với số vốn hiện lên đến hàng trăm tỉ đồng, nhưng "mẹ gấu" không nề hà bất kỳ công việc nào để làm ra của cải, mở rộng trang trại và phát triển kinh tế...

Kỳ công của... "mẹ gấu"

Một ngày giữa năm 2004, hai chú gấu con xinh xắn ra đời trong môi trường bán hoang dã ở trang trại Vườn Xoài. Thời điểm ấy, đây là trường hợp đầu tiên trong nước gấu nuôi sinh sản. Trước đó vài hôm, thấy gấu có dấu hiệu chuyển bụng sắp sinh, chủ trang trại Dương Thị Nhã đã phải mất ăn, mất ngủ để giám sát từng cử chỉ của gấu mẹ như một "người mẹ" mong chờ từng giây, từng phút đứa "cháu ngoại" ra đời. Trong những ngày gấu mẹ cố gắng lấy lại bản năng tự nhiên - sinh con ấy - chị Nhã hầu như không dám rời nó nửa bước. Chỉ đến khi thấy ba mẹ con gấu an toàn, chị mới thấy "khoẻ ra", mừng đến rơi nước mắt.

Trở lại trang trại Vườn Xoài vào những ngày cuối tháng 10 mới đây, tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy số lượng gấu ở đây ngày càng được nhân lên. Hai gấu con đầu tiên được sinh ra tại môi trường này, giờ đã nặng vài trăm ký. Còn lại, hơn 30 "đứa em" - con của 6 gấu mẹ khác - có con nay nặng gần một tạ, những con trung bình được vài chục ký, và cả những con còn đang "ẵm ngửa".

Khi say sưa nói với tôi về lũ gấu, chị Nhã cho biết, chính đàn gấu mà chị nuôi từ nhỏ đó đã gắn bó cuộc đời của chị với vùng đất cát Tân Cang. Rồi chị kể, xuất phát từ tình yêu thiên nhiên, và rất mê không khí đồng quê, tháng 3-2002, từ TP.HCM chị tìm đến xã Phước Tân để mua đất lập trang trại với mục đích ban đầu là nuôi heo, đồng thời để có nơi đi lại thư giãn. Cơ may, và cũng là "cơ duyên", chị Nhã mua được 10 hécta đất vườn có đến một nửa trồng xoài. Ngay sau đó, chị đầu tư nuôi heo, với đàn nái nhập ngoại ban đầu là 250 con. Dạo ấy, mỗi ngày cùng với số công nhân, chị Nhã quần quật với đàn heo từ sáng cho tới tối mịt, mới tự lái xe về lại TP.HCM.

Tình cờ một lần, có người gạ bán cho chị hai con gấu, mỗi con chỉ nặng chừng vài ký; một lành lặn, một cụt một chân trước do bị bẫy. Nhìn thấy hai gấu con sớm "mồ côi" và phải cách biệt rừng, chị Nhã cảm thương, liền mua. Những ngày đầu, chị trực tiếp cho gấu ăn và lo cho chúng chỗ ngủ. Được ăn uống đầy đủ, gấu lớn rất nhanh. Thế là sau đó, những kẻ phá rừng hễ bắt được gấu là đem đến Vườn Xoài, kể cả gấu lớn hoặc những con đang còn "ẵm ngửa". Nhắc đến điểm này, chị Nhã cười hiền hậu nói: "Có người bảo tôi là "tiếp tay" với "lâm tặc". Nhưng nếu mình không "cứu hộ", chắc gì số gấu này đã qua được hoạn nạn. Thế là tôi cứ liều mua. Tổng cộng là 20 con. Dĩ nhiên là phải đăng ký với kiểm lâm!".

Thay vì nhốt gấu vào "cũi" sắt như nhiều người nuôi gấu lấy mật đã làm, chị Nhã xây cho đàn gấu 6 "biệt thự" rộng, trong đó có chuồng để gấu ngủ, có hồ nước để chúng tắm. Trong những ngôi nhà ấy, chị Nhã cho thả chung 3 hoặc 4 con, cả đực lẫn cái. Để thường xuyên theo dõi sức khoẻ của gấu, chị Nhã đã nhận 2 bác sĩ và 4 y sĩ thú y vào làm việc. Tiếp cận lũ gấu hàng ngày, chị Nhã luôn mong có ngày nào đó loài thú hoang dã này tìm lại được chức năng sinh tồn của chúng. Chợt một ngày nọ, chị Nhã thấy một cặp gấu "ân ái", thế là niềm hy vọng về gấu sinh sản nảy sinh trong đầu chị.

Song đợi mãi mà bụng gấu cái cứ "ỳ" ra, chị Nhã nhủ thầm, hay là nó thiếu một không gian gần gũi với thiên nhiên hơn? Với câu hỏi cứ đeo đẳng trong đầu đó, cuối năm 2003, chị Nhã quyết định mở rộng trang trại lên gần 23 hécta và đầu tư, xây dựng cho gấu một nơi ở có khung cảnh thoáng đãng, rộng mát. Gần 500 triệu đồng cho một khu vực bán hoang dã dành cho gấu rộng 0,5 hécta được hình thành. "Nhà mới" của 20 con gấu phần lớn ở ngoài trời, có cây cỏ; có hào sâu, rộng, chạy dài nửa chu vi khuôn viên. Toàn bộ địa điểm này được bao bọc bởi bức tường cao. Và tại đây sau nửa năm, hai gấu con đầu tiên chào đời trong sự nâng niu của chủ trang trại - "mẹ gấu".

Mai này, có một khu dưỡng lão...

2YcAQKWB.jpgPhóng to
Hồ bơi ở trang trại Vườn Xoài
Để đến được các điểm nuôi thú nằm cách xa nhau hàng cây số, chị Nhã đã đầu tư xây dựng hơn 10 km đường nội bộ, mà phần lớn là bêtông, hoặc nhựa nóng. Sự tâm huyết của một người phụ nữ năng nổ trong chuyện làm giàu đã khiến trang trại liên tục thay đổi cả về chiều sâu lẫn hình thức hoạt động. Chất "lửa" nhiệt huyết và thêm một chút "địa lợi - nhân hoà" đã giúp chị Nhã khá thành công trong công việc.

Nếu như ngày đầu khi đến với ấp Tân Cang, chị Nhã chỉ có một dự án là nuôi heo, thì sau này chị đã mở rộng sản xuất bằng việc chăn nuôi cá sấu xuất khẩu; tiếp đến là hàng trăm con đà điểu giống cho trứng ấp nở bằng máy; rồi hàng ngàn cây kiểng và hàng chục ngàn cây phong lan... và cả trại nuôi khỉ đuôi dài để xuất khẩu.

Ở mọi lĩnh vực, chị Nhã đã không ngừng học tập để "biến" những điều chưa biết thành hiện thực có lãi. Song, chưa dừng lại ở đó, vốn yêu thích cỏ, cây, hoa, lá, nên ý tưởng xây dựng một khu vực sinh thái phục vụ các cụ có nhu cầu lại nảy sinh trong chị. Bắt tay thực hiện niềm khát vọng đó thành sự thật, đầu năm 2005, chị Nhã lại mua thêm 3 hécta đất - cách chỗ cũ chừng 3 km - để chuyển đàn heo hàng ngàn con về đấy (để tránh gây ô nhiễm môi trường). Và theo kế hoạch, ngoài khu vực nuôi gấu, đà điểu, cá sấu, khỉ ở phía sau trang trại, chị Nhã dành gần 20 hécta để xây dựng khu dưỡng lão cao cấp, với tổng kinh phí dự kiến từ 15 đến 20 tỉ đồng.

Theo thiết kế, trong khu dưỡng lão còn có khu thể thao với các loại hình: Hồ bơi, sân tennis, sân cầu lông, bóng bàn, vật lý trị liệu; có các câu lạc bộ: Cờ vua, cờ tướng, thơ, hội hoạ, nhạc... Riêng hai nhà gỗ xây dựng theo dạng cổ, một sẽ thành nhà ăn; một thành nhà trưng bày và phòng đọc sách, thư viện... Về nơi ở của các cụ, trang trại sẽ xây dựng 100 phòng ở với đầy đủ tiện nghi; một trạm xá gồm những trang thiết bị y tế hiện đại và cả đông y. Làm việc ở trạm xá dự kiến có khoảng 30 cán bộ ngành y tế, gồm cả bác sĩ, y sĩ, hộ lý và thầy thuốc nam...

Khi chúng tôi đến thăm "mẹ gấu", đã có 60 phòng trong dự án đang được xây dựng. Nói về kế hoạch sắp tới, "mẹ gấu" Dương Thị Nhã khá tự tin. Chị nói: "Theo quy luật, đến một ngày nào đó người ta sẽ già và trở nên khó tính, đôi lúc trở thành trẻ con. Vào lứa tuổi "thất thập" thì chắc chắn sẽ có nhiều người trở nên đơn độc, vì con cái không có thời gian chăm sóc cha mẹ. Bên cạnh đó, những trường hợp "ngán ngẩm" cuộc sống náo nhiệt ở đô thị, muốn tìm đến một nơi yên tĩnh để thư giãn... thì trang trại Vườn Xoài sẽ đáp ứng mọi yêu cầu của các cụ, kể cả việc điều trị bệnh thường xuyên hoặc lâu dài...".

Nhớ lại thời kỳ "đi mở đất" ở Tân Cang, chị Nhã thổ lộ: "Dạo ấy, tôi chẳng nghĩ trang trại sẽ phát triển như ngày hôm nay. Song, càng làm việc, tôi càng thấy hứng thú và yêu mảnh đất này hơn. Tôi nay đã ngoài 50, tức đã vào tuổi "xế chiều", chỉ muốn để lại nơi đây một dấu ấn về quá trình tự thân lập nghiệp...".

Lạ ở chỗ, chị Nhã đến Tân Cang mở trang trại chỉ có một mình. Thế nhưng, sự đơn độc đó đã không làm chị dừng bước trước những biến động của kinh tế thị trường; đặc biệt trong chuyện làm ăn, không phải lúc nào cũng "thuận buồm xuôi gió". Đáng kể, từ trang trại của mình, chị Nhã đã tạo công ăn việc làm cho 180 lao động - tính đến thời điểm này.

Theo TẤN THĂNG - Lao động
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên