Người dân mua sắm xem nhãn thực phẩm tại một siêu thị ở Anh - Ảnh: which.co.uk
Nhãn mác thực phẩm tại EU được thiết kế nhằm cung cấp thông tin chính xác và trung thực cho người tiêu dùng, giúp họ đưa ra quyết định sáng suốt về sản phẩm khi mua. Tuy nhiên, theo Tòa án Kiểm toán châu Âu (ECA), những lỗ hổng trong các quy định của EU khiến người tiêu dùng dễ dàng bị "lạc vào mê cung" của những tuyên bố gây nhầm lẫn.
Bà Keit Pentus-Rosimannus, kiểm toán viên của ECA, cho biết thay vì mang lại sự rõ ràng, nhãn mác thực phẩm thường xuyên gây ra sự nhầm lẫn; có hàng trăm hệ thống, logo khác nhau mà người tiêu dùng phải giải mã. Bà cũng nhấn mạnh rằng các công ty có thể rất sáng tạo trong việc thiết kế bao bì, trong khi những quy định của EU chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của thị trường, khiến 450 triệu người tiêu dùng châu Âu dễ bị tiếp cận với những thông tin sai lệch, dù có thể vô ý hoặc có chủ đích.
Theo quy định, EU yêu cầu các nhà sản xuất liệt kê thành phần, chất gây dị ứng và các thông tin bắt buộc khác trên bao bì thực phẩm. Các công ty có thể thêm những thông tin về dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe. Tuy nhiên, tình hình trở nên phức tạp hơn, khi các quy định hiện tại cho phép doanh nghiệp tập trung vào các đặc điểm tích cực của sản phẩm và bỏ qua những khía cạnh khác.
Ngay cả khi các thông tin trên sai sự thật, việc kiểm tra và xử lý vi phạm vẫn yếu và gần như không có hình phạt đối với những giao dịch thực phẩm trực tuyến. Các tuyên bố về sức khỏe liên quan đến những thảo dược chưa được điều chỉnh ở cấp độ EU, điều này khiến người tiêu dùng có thể bị đánh lừa bởi những tuyên bố không có cơ sở khoa học.
Ngoài ra, hiện tại chưa có định nghĩa chính thức của EU về "thuần chay" và "chay", mặc dù đã có các chương trình chứng nhận riêng. Bên cạnh đó, các hệ thống nhãn mác dinh dưỡng mặt trước bao bì như Nutri-Score và Keyhole, nhằm giúp người tiêu dùng nhận diện những lựa chọn thực phẩm lành mạnh hơn, đang gây thêm sự nhầm lẫn.
Nutri-Score là một hệ thống nhãn mác dinh dưỡng được thiết kế để giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết giá trị dinh dưỡng của sản phẩm thực phẩm. Hệ thống này sử dụng một bảng màu và điểm số từ A đến E để chỉ ra mức độ lành mạnh của một sản phẩm.
Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Foodwatch của châu Âu đang thúc đẩy việc áp dụng Nutri-Score, đang được sử dụng tại Pháp, Đức và một số quốc gia khác, trên toàn EU. Bà Suzy Sumner, người đứng đầu văn phòng Brussels của Foodwatch, lưu ý nhãn mác thực phẩm có thể nhỏ gọn, nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn khi định hình thói quen ăn uống của hàng triệu người và qua đó, có tác động sâu rộng đến sức khỏe của người tiêu dùng châu Âu.
ECA đã kêu gọi EC thực hiện một số biện pháp, bao gồm việc khắc phục các lỗ hổng trong khung pháp lý của EU và tăng cường kiểm tra những nhãn mác và bán hàng trực tuyến của các quốc gia thành viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận