Phóng to |
Dự báo mây phóng xạ tiến đến gần Quảng Ninh - Ảnh: Châu Anh |
Tính đến ngày 8-4, các trạm quan trắc của Tổ chức Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) tại khu vực Đông Nam Á đã phát hiện thêm một số đồng vị phóng xạ hạt nhân từ Nhà máy điện nguyên tử Fukushima 1 (Nhật Bản). Dự báo của CTBTO cũng cho thấy trong vài ngày tới, một đám mây lớn với nồng độ phóng xạ cao gấp khoảng 100 lần so với mức đã phát hiện sẽ bao trùm lãnh thổ Việt Nam.
Tuy nhiên, TS Trịnh Văn Giáp - viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật hạt nhân thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam - khẳng định khi đám mây này di chuyển đến, dù có mưa xuống thì nồng độ phóng xạ cũng không ảnh hưởng sức khỏe người dân.
Theo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, trong trường hợp xấu nhất, đám mây phóng xạ bao phủ lên lãnh thổ Việt Nam (trong ngày 10-4), mức phóng xạ sẽ tăng thêm lớn nhất là 100 lần so với mức đã phát hiện được.
Khi đó, nồng độ phóng xạ quan trắc được cũng sẽ chỉ ở mức vài ngàn micro Bq/m3, vẫn thấp hơn hàng ngàn lần giá trị giới hạn quy định theo tiêu chuẩn Việt Nam.
TS Giáp cho rằng về nguyên tắc, khi có mưa thì bụi phóng xạ sẽ theo nước mưa xuống đất. Tuy nhiên, hàm lượng phóng xạ trong không khí đã rất nhỏ nên khi theo mưa xuống đất, giá trị của phóng xạ cũng nhỏ và không thể có chuyện cô đặc khi nước mưa chảy theo hệ thống cống rãnh ra sông hồ.
Phóng to |
Theo ông Giáp, các đồng vị phóng xạ từ Nhà máy điện nguyên tử Fukushima 1 hiện nay phát tán ra môi trường gồm hai loại. Loại thứ nhất mà các trạm quan trắc trên thế giới đều phát hiện được là đồng vị phóng xạ phân hạch thoát ra từ nhiên liệu hạt nhân do thanh nhiên liệu bị nóng chảy. Những đồng vị phóng xạ này nguy hiểm đối với con người khi đến ngưỡng cho phép. Loại đồng vị phóng xạ thứ hai thoát ra do phản ứng hạt nhân kích hoạt một số vật liệu trong lò phản ứng tạo ra. Đồng vị phóng xạ này bao giờ hàm lượng cũng nhỏ hơn rất nhiều so với đồng vị từ các thanh nhiên liệu.
Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã phân tích một số mẫu nước biển của Việt Nam nhưng chưa phát hiện các đồng vị phóng xạ có nguồn gốc từ sự cố Fukushima 1. Việc phân tích này cũng sẽ được tiến hành thường xuyên do nghi ngại những dòng hải lưu có thể đẩy các luồng nước phóng xạ đi xa hơn.
Bên cạnh đó, đề phòng trường hợp thủy hải sản nhập khẩu từ Nhật Bản có thể nhiễm phóng xạ, Chính phủ đã chỉ đạo kiểm tra hàng nhập khẩu từ Nhật vào Việt Nam. Khi có phát hiện dị thường sẽ có xử lý ngay, thông báo và khuyến cáo đối với người dân.
Đợt dư chấn 7,4 độ Richter hôm 7-4 làm tràn nước nhiễm xạ trong các bồn chứa thanh nhiên liệu đã qua sử dụng ở Nhà máy điện hạt nhân Onagawa tại tỉnh Miyagi (Nhật Bản) và ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy khác. Hãng tin Kyodo News cho biết một lượng nhỏ nước nhiễm xạ ở cả ba lò phản ứng của Nhà máy Onagawa đã tràn ra ngoài. Nhà máy này đã ngừng hoạt động kể từ thảm họa động đất - sóng thần tháng trước. Hệ thống cung cấp điện từ bên ngoài của nhà máy cũng ngừng hoạt động, buộc nhà máy phải chạy bằng nguồn điện khẩn cấp. Nguồn điện của các nhà máy điện hạt nhân Higashidori và một nhà máy xử lý nhiên liệu hạt nhân ở tỉnh Aomori cũng vậy. Các kỹ sư đã phải ngừng hoạt động các lò phản ứng của Nhà máy Higashidori và kiểm tra hư hại. Tuy nhiên, không có sự cố gì bất thường xảy ra ở Nhà máy Fukushima Daiichi. Đài truyền hình NHK cho biết hôm 8-4, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) tiếp tục xả thêm 300 tấn nước nhiễm xạ mức độ thấp từ Nhà máy Fukushima Daiichi ra biển. TEPCO cũng tiếp tục bơm khí nitrogen vào thùng chứa lò phản ứng số 1 để ngăn chặn nguy cơ khí hydro tích tụ và gây nổ. Nguồn tin từ Tokyo cho biết chính quyền Nhật đang xem xét điều chỉnh các quy định chống nguy cơ phóng xạ, theo đó, Tokyo sẽ nới rộng phạm vi di tản tính từ Nhà máy Fukushima Daiichi (hiện tại là bán kính 20km tính từ nhà máy). Theo báo New York Times, hiện một nhóm hơn 10 kỹ sư của Hãng Toshiba - hãng đã hỗ trợ xây dựng bốn lò phản ứng ở Nhà máy Fukushima Daiichi, cùng một nhóm chuyên gia Mỹ đang chuẩn bị cho hoạt động tháo dỡ các lò phản ứng và làm sạch môi trường quanh nhà máy. Một số quốc gia trong khu vực châu Á đang tỏ ra ngày càng quan ngại với nguy cơ nhiễm phóng xạ xuất phát từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở Nhật. Theo Hãng tin Yonhap, người dân Hàn Quốc rất lo lắng khi những cơn mưa lớn bắt đầu đổ xuống khắp đất nước trong một hai ngày qua. Ít nhất 126 trường học ở tỉnh Gyeonggi, gần thủ đô Seoul đã đóng cửa do lo ngại nguy cơ nhiễm xạ từ nước mưa. Thêm 43 trường khác cắt ngắn giờ học. Người dân khi ra đường bịt kín mặt bằng khẩu trang. Chính quyền Hàn Quốc khẳng định lượng phóng xạ trong nước mưa rất thấp, không ảnh hưởng sức khỏe con người. Tuy nhiên, Seoul cũng cho biết lượng phóng xạ trong không khí đã tăng lên sáu lần trong ba ngày qua. Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc khuyến cáo người dân Hàn Quốc nên hạn chế ra đường trong dịp cuối tuần này. Trong khi đó, Tân Hoa xã đưa tin phóng xạ mức độ thấp tiếp tục lan khắp Trung Quốc. Nhà chức trách phát hiện đồng vị phóng xạ I-131 cùng Cs-137 và Cs-134 ở hầu hết các tỉnh thành. Phóng xạ cũng có mặt trong rau bina ở Bắc Kinh, Thiên Tân và Hà Nam, trong rau diếp ở Giang Tô và củ cải ở Quảng Đông. Ủy ban điều phối khẩn cấp hạt nhân quốc gia Trung Quốc khẳng định lượng phóng xạ rất nhỏ, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nỗi e ngại phóng xạ vẫn khiến hoạt động tiêu thụ rau ở các tỉnh trên chậm lại. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận