02/04/2008 07:45 GMT+7

Máy bay Pacific Airlines: "Chết đứng" vì không được bơm xăng!

LÊ NAM
LÊ NAM

TT - Sáng 1-4, hàng trăm hành khách chuyến bay BL 790 từ TP.HCM đi Hà Nội của Hãng hàng không Pacific Airlines (PA) dự kiến khởi hành lúc 6g30 phải ngồi chờ đến hơn 9g vì máy bay... không có xăng. Ngoài chiếc máy bay này, các máy bay còn lại của PA nằm ở sân bay Tân Sơn Nhất cũng không được tiếp nhiên liệu.

21lKoXOZ.jpgPhóng to
TT - Sáng 1-4, hàng trăm hành khách chuyến bay BL 790 từ TP.HCM đi Hà Nội của Hãng hàng không Pacific Airlines (PA) dự kiến khởi hành lúc 6g30 phải ngồi chờ đến hơn 9g vì máy bay... không có xăng. Ngoài chiếc máy bay này, các máy bay còn lại của PA nằm ở sân bay Tân Sơn Nhất cũng không được tiếp nhiên liệu.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Theo qui trình bình thường, chuyến bay khởi hành lúc 6g30 thì khoảng 5g50 Công ty Xăng dầu hàng không (Vinapco) đã phải bơm xăng cho các máy bay. Nhưng sáng 1-4, đến 8g10 xe chuyên dụng của Vinapco mới bơm xăng cho máy bay mang số hiệu BL 790. Sự chậm trễ của chuyến bay này kéo theo hàng chục chuyến bay khác của PA khởi hành trong ngày 1-4 bị chậm trung bình 2-3 giờ.

Hành khách lãnh đủ!

Đến 8g, tại sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều hành khách đã không giữ được bình tĩnh, lớn tiếng đòi trả vé, chửi bới om sòm. Không khí tại nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất càng lúc càng căng thẳng. Bốn chuyến bay (hai chuyến đi Hà Nội, một đi Huế, một đi Đà Nẵng) của PA gần như xuất phát cùng một lúc mang theo 600 hành khách đành phải hoãn vô thời hạn vì không được tiếp nhiên liệu. Nhiều người trong số đó đành phải trễ cuộc họp, bàn công việc làm ăn, thậm chí về thăm người thân đang bệnh.

Mỗi ngày PA có 30 chuyến bay đi và về do năm máy bay thực hiện, bốn chuyến bay này bị hoãn, bốn máy bay nằm ở sân bay vì không được bơm xăng đã làm tất cả chuyến bay đều phải hoãn trung bình 2-3 giờ so với kế hoạch. Đại diện PA cho biết đã triển khai việc thông báo qua điện thoại cho tất cả hành khách có chuyến bay ngày 1-4 về việc thay đổi lịch bay, song song đó yêu cầu nhân viên tăng cường phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi cho hành khách. "Nếu bị hoãn chuyến lâu chúng tôi cố gắng phục vụ tất cả hành khách ở mọi sân bay có đường bay của PA trong ngày 1-4, thậm chí phải bay sau 12 giờ đêm".

Vì đâu nên chuyện?

Theo website của công ty, Vinapco là công ty thành viên của Tổng công ty Hàng không VN độc quyền cung cấp nhiên liệu bay cho bốn hãng hàng không nội địa và 27 hãng hàng không quốc tế trên địa bàn các cảng hàng không (sân bay).

Trong công văn gửi PA sáng 31-3 do tổng giám đốc Vinapco Trần Hữu Phúc ký có yêu cầu PA xác nhận việc tăng mức phí nạp nhiên liệu từ 593.000 đồng/tấn lên 750.000 đồng/tấn trước ngày 31-3, nếu hết ngày 31-3 Vinapco không nhận được văn bản trả lời sẽ ngưng cung cấp nhiên liệu cho PA. Trước đó mười ngày, Vinapco đã có hai công văn thông báo việc tăng phí nạp nhiên liệu cho các chuyến bay của PA nhưng PA không đồng ý, hai bên đã có cuộc gặp để giải quyết vấn đề này nhưng không đi đến kết luận cuối cùng.

Điều đáng nói là trong đợt tăng phí nạp nhiên liệu lần này, Vinapco không hề thông báo hay yêu cầu tăng mức phí nạp nhiên liệu cho các máy bay của Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA). Ngay sáng 1-4, tổng giám đốc PA đã phải gửi công văn hỏa tốc cho Thủ tướng Chính phủ, Cục Hàng không VN, Bộ GTVT, Bộ Tài chính... yêu cầu can thiệp. Sau đó Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng yêu cầu Vinapco phải tiếp tục cung cấp nhiên liệu cho PA. Đến 8g10, những chiếc xe chuyên dùng của Vinapco lăn bánh, bơm xăng cho bốn máy bay của PA. Nhưng cũng trong buổi sáng 1-4, Vinapco gửi công văn thông báo cho PA với nội dung vì có sự can thiệp của Chính phủ nên Vinapco sẽ cung cấp nhiên liệu cho PA trong hai ngày 1 và 2-4.

Chỉ áp dụng riêng với PA!

brPJg7Ho.jpgPhóng to

Mặc dù có sự can thiệp của Chính phủ, nhưng Vinapco cho biết cũng chỉ cung cấp nhiên liệu cho Pacific Airlines trong hai ngày 1 và 2-4 - Ảnh: L.N.

Theo hợp đồng ký kết giữa hai bên vào cuối tháng 12-2007, phí nạp nhiên liệu trong năm 2008 đã xác định là 593.000 đồng/tấn (giá của năm 2007 là 565.000 đồng/tấn). Nhưng chỉ trong vòng ba tháng sau khi ký hợp đồng, Vinapco đã đơn phương đề nghị tăng giá lên 750.000 đồng/tấn. Tính sơ bộ chênh lệch mức phí này trong năm 2008 mà PA phải trả cho Vinapco sẽ hơn 1 triệu USD. Nhưng Vinapco chỉ áp mức phí này cho PA, trong khi hai hãng hàng không nội địa là VNA và Công ty Bay dịch vụ miền Nam (Vasco) - một công ty thành viên của Tổng công ty Hàng không VN - không hề bị áp mức phí này.

Trong công văn phản hồi về việc tăng phí nạp nhiên liệu cho máy bay của PA mà không tăng phí cho các máy bay của VNA, Vinapco cho rằng vì VNA có nhiều máy bay lớn, thực hiện chuyến bay dài xuyên lục địa nên mỗi lần nạp xăng dầu lên đến cả trăm tấn. Trong khi đó, máy bay của PA chỉ nạp khoảng 8-10 tấn, chính vì vậy chi phí hao mòn xe, nhiên liệu, chi phí nhân công tính trên cùng đơn vị (tấn) đương nhiên là khác nhau! Hằng năm, lượng nhiên liệu mà công ty cung cấp cho VNA gấp 10 lần PA nên chi phí quản lý tính trên một đơn vị đo khi bán hàng cho VNA thấp hơn PA. Vì thế theo Vinapco, họ có quyền được áp mức phí nạp nhiên liệu khác nhau. Trong khi đó, chúng tôi được biết trong hợp đồng ký kết giữa Vinapco với các hãng hàng không, đơn vị tính phí phục vụ xăng dầu là tấn chứ không phân biệt theo loại máy bay và số lượng xăng dầu nạp cho mỗi chuyến bay.

Phó giám đốc Vinapco Nguyễn Văn Thành cho biết Vinapco không chỉ áp dụng việc tăng phí nạp nhiên liệu cho PA mà cũng sẽ thông báo cho VNA, nhưng "sớm muộn gì thì VNA cũng sẽ đồng ý thôi vì chúng tôi là một công ty trực thuộc của VNA" - ông Thành khẳng định. Trả lời câu hỏi liệu có phải Vinapco áp dụng lợi thế độc quyền xử ép PA và sau hai ngày 1 và 2-4 mức phí sẽ tính toán thế nào, ông Thành cho biết sau hai ngày mức phí nạp nhiên liệu này sẽ được tính toán lại. Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết đây là một hình thức lợi dụng vị thế độc quyền đối xử không công bằng.

Vinapco kêu lỗ

Hôm qua 1-4, giám đốc Vinapco Trần Hữu Phúc đã có công văn gửi bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trình bày về việc điều chỉnh chi phí cung ứng với PA. Theo Vinapco, việc cung ứng nhiên liệu cho các hãng hàng không nội địa được áp dụng theo nguyên tắc tính chi phí cung ứng, không tính lợi nhuận và thực hiện trên cơ sở hợp đồng song phương. Trong suốt thời gian qua, Vinapco đã chịu lỗ trong việc cung ứng nhiên liệu bay cho các hãng hàng không trong nước do giá nhiên liệu tăng cao.

Để giải quyết vấn đề này, từ ngày 12 đến 25-3 Vinapco đã có ba công văn và mời đại diện của PA đến làm việc để hai bên tính toán chi phí thực tế nhằm thống nhất quyền lợi các bên. Tại biên bản làm việc ngày 24-3, đại diện của PA đã thừa nhận việc tăng chi phí là hợp lý nhưng yêu cầu phải áp cùng một giá với VNA. Ngày 21-3, Vinapco đã có văn bản gửi VNA điều chỉnh phí cung ứng từ ngày 1-4 là 779.000 đồng/tấn và tổng giám đốc VNA đã trình hội đồng quản trị vấn đề này.

Vinapco cho rằng việc thực hiện hợp đồng kinh tế song phương là không lệ thuộc vào bên thứ ba. Vì vậy, Vinapco có quyền bàn bạc và giải trình chi tiết các chi phí hợp lý để yêu cầu đối tác hợp đồng phải thực hiện, trong trường hợp phía đối tác không chấp nhận thì Vinapco phải tạm thời ngừng cung ứng nhiên liệu cho đến khi đạt được thỏa thuận.

Chấp hành chỉ thị của bộ trưởng Bộ GTVT và tổng giám đốc VNA, Vinapco đã nối lại việc cung ứng nhiên liệu cho PA trong ngày 1-4. Tuy nhiên, việc điều chỉnh phí cung ứng là hợp lý và bắt buộc phải thực hiện áp dụng từ 1-4!

LÊ NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên