03/06/2009 03:35 GMT+7

Mất vỏ bình gas, tại ai?

LÊ NGUYÊN MINH
LÊ NGUYÊN MINH

TT - Kể từ đầu tháng 6, tiền thế chân vỏ bình gas sẽ tăng từ 50.000-100.000 đồng. Đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay bởi các công ty kinh doanh gas cho rằng làm như thế để giảm thiểu thất thoát vỏ bình.

1KYfa4gG.jpgPhóng to
Thị trường gas phát triển chưa lành mạnh khi giá thường biến động và các công ty gas luôn lo... mất vỏ bình gas - Ảnh: N.C.T.

Theo các công ty kinh doanh gas, chi phí đầu tư thực tế của doanh nghiệp cho vỏ bình gas là 350.000-400.000 đồng/bình, trong khi mức giá thế chân vỏ bình gas dao động từ 170.000- 200.000 đồng/bình 12kg đã kéo dài trong một thời gian khá lâu. Việc giá thế chân thấp hơn so với giá trị thật của bình gas đã dẫn đến tình trạng mua bán vỏ bình bất hợp pháp, thậm chí “xuất khẩu” qua Campuchia. Theo Hiệp hội Gas, lượng vỏ bình gas trôi nổi, mất mát chiếm đến 40% trên tổng số bình gas trên thị trường.

Ông Lê Phúc Đại - tổng giám đốc Công ty cổ phần năng lượng Đại Việt (Vina Gas) - cho biết: “Rải rác từ cửa khẩu Mộc Bài đến Phnom Penh, có rất nhiều bình gas của các thương hiệu VN bày bán tại đây. Có bình còn giữ thương hiệu VN nhưng đa số đều được sơn sửa lại thành thương hiệu của Campuchia”. Trong khi đó, ở trong nước tình trạng bình gas bị “mất tích” diễn ra ngày càng trầm trọng hơn. Thủ đoạn biến bình gas “của người” thành “của mình” tinh vi hơn nhiều.

Vì vậy, không chỉ tăng tiền thế chân, các công ty kinh doanh gas kiến nghị Nhà nước can thiệp, ngăn cản việc bán vỏ bình gas qua Campuchia, sớm có quy định khẳng định quyền sở hữu bình gas thuộc về các công ty kinh doanh và thống nhất mức giá thế chân bình gas trên toàn thị trường.

Các công ty gas tuyên bố việc tăng tiền thế chân bình gas sẽ được công bố cho người tiêu dùng biết và không làm ảnh hưởng đến giá gas. Tuy nhiên, một khi các đại lý, nhà phân phối phải bỏ ra nhiều tiền hơn cho việc đặt cọc vỏ bình, nghĩa là chi phí của họ tăng lên thì rõ ràng giá thành đội lên. Mọi thứ lại đổ lên đầu người tiêu dùng!

Câu chuyện mất bình gas, gas giả ở trong nước là không mới nhưng tình hình ngày càng trầm trọng hơn, một phần cũng do các công ty gas. Họ là nạn nhân nhưng cũng đã góp phần tạo đất sống cho nạn trộm bình gas. Bởi vì hoạt động phân phối gas hiện nay vẫn theo kiểu mua đứt bán đoạn, các đại lý không gắn bó mật thiết với công ty, từ đó đã tạo ra những kẽ hở để gas lậu, gas giả hoành hành dẫn đến chuyện chiếm đoạt bình gas để làm gas lậu. Nếu các công ty gas tổ chức tốt hệ thống đại lý theo đúng nghĩa, phục vụ người tiêu dùng tốt hơn thì gas giả khó có đất sống.

LÊ NGUYÊN MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên