“Bức tử” tại Cannes
Phóng toThảm đỏ LHP Cannes chào đón đoàn làm phimMật mã Da Vinci được Liên hoan phim Cannes lần thứ 59 trân trọng chọn chiếu khai mạc 17-5, đã góp phần rình rang cho bộ phim, lẫn liên hoan được diễn ra tại khu nghỉ mát xinh đẹp nước Pháp.
Đông đảo khán giả và báo giới vây kín thảm đỏ để chào đón đoàn làm phim, trong đó mọi tập trung đổ dồn vào hai ngôi sao chính Tom Hanks và Audrey Tautou. Những diễn viên tên tuổi trên khắp thế giới cũng thu hút công chúng khi cùng đến xem ra mắt: Samuel L Jackson, Juliette Binoche, Sidney Poitier, hoa hậu thế giới - ngôi sao điện ảnh Ấn Aishwarya Rai …
Trái ngược với những háo hức bên ngoài, phòng chiếu phim hoàn toàn im ắng, vì sự bực dọc không thể trút vào đâu, vì cách dàn dựng phim khiến nhiều người phải thất vọng. Khán phòng rạp chiếu ở đoạn gây cấn nhất, sự im lặng thưởng thức của khán giả đã được thay bằng những tràng cười ồ.
Và khi danh sách những người thực hiện phim từ từ cuốn lên màn ảnh, chẳng có tràng pháo tay nào, thay vào là tiếng huýt sáo tỏ vẻ chê bai. Mọi người thật sự tức tối vì những gì thổi phồng - phim đầu tư lớn 125 triệu USD, được đi du lịch trên màn ảnh, êkíp thực hiện xịn, một siêu phẩm “bom tấn”… - đã không đáp ứng như mong đợi.
Phóng to |
Tom Hanks và Audrey Tautou trong phim |
Có lẽ vì không muốn khuấy động dư luận phản đối, tác giả (Akiva Goldsman) đã phải nhượng bộ, vì thế thua ngay từ khâu chuyển thể kịch bản. Nhiều mẫu thoại kém gây cấn và rất “hiền” để tránh tính đả phá, chống đối giáo hội Công giáo, không như văn phong “đầy khói súng” của Dan Brown, cách riêng khi đề cập tới thiên tính Chúa Giêsu, vai trò bà Maria Mađalêna, về tu hội Opus Dei….
Ngay khi phim kết thúc, nhà phê bình phim người Ý Tullio Kezich đã viết bài trên tờ Corriere della Sera: “LHP Cannes đã lầm to khi chọn Mật mã Da Vinci trình chiếu khai mạc. Bản án tử Mật mã Da Vinci đã được tuyên ngay tại Cannes. Không phải vô lý mà Pháp được gọi là quốc gia của những kẻ bị treo cổ”.
Giới phê bình “dập” tơi bời
Trước tiên là sự thất vọng của báo chí Pháp. Nhà phê bình Philippe Azoury của tờ Liberation viết rằng: “Một cuốn phim được mong mỏi chờ đợi từ khi Chúa Giêsu sinh ra cho đến nay, thế nhưng chỉ là một phim hạng xoàng”.
Phóng to |
Jean Reno, tài tử gạo cội của Pháp góp mặt trong Mật mã Da Vinci |
Tờ Hollywood Reporter giật tít cho bài giới thiệu phim: “Mật mã Da Vinci - câu hỏi không lời đáp”. Cây bút phê bình Kirk Honeycutt bất bình: “Chẳng có một sự thu hút và đồng cảm giữa nhân vật nam và nữ chính”.
Trong khi đó, diễn xuất của Tom Hanks (thủ vai giáo sư nghệ thuật biểu trưng tôn giáo Robert Langdon) được xem là “rời rạc, thậm chí đơ như gỗ” - Honeycutt viết. “Diễn như người mộng du” là nhận xét của Richard Corliss của tạp chí Time dành cho diễn viên được yêu thích nhất nước Mỹ. Cây bút này cũng khó chịu với cách dàn dựng của đạo diễn Ron Howard, bắt các nhân vật “vì bổn phận hơn là tình yêu” trong quá trình “giải mã” mật mã Da Vinci.
Chưa hết, nhận xét của Peter Brunette trên nhật báo Boston Globe khá chua chát, “Tom Hanks giống như một âm binh, vô hồn” và rồi tóm kết “cuốn phim quá dở và hồ đồ như cuốn sách”.
Trong số các lời khen, tờ Time cố ý khích lệ những người thực hiện phim bất chấp những phản đối từ những khẳng định đầy tranh cãi hơn của cuốn sách. Time viết: “Đằng sau những cuộc đuổi bắt và đụng độ, chén thánh và áo vải tóc, bộ phim đã bác bỏ thiên tính của Chúa Giêsu… Và xa hơn nữa, phim thách thức những mâu thuẫn vốn gắn chặt nơi những tín đồ”.
Những lệnh cấm, phản đối, tẩy chay
Bộ phim mặc dù chưa diễn tả hết khía cạnh tranh cãi của tiểu thuyết, song phần nào đã nêu bật cốt truyện chính: Maria Mađalêna và Chúa Giêsu từng kết hôn, có một người con và một tổ chức liên hệ với Giáo hội đầy thế lực đã giấu nhẹm bí mật này qua 20 thế kỉ.
Phóng to |
Chính thống giáo Nga chống Mật mã Da Vinci |
Tại Ấn, chính phủ phải hoãn tạm thời bộ phim thay vì chiếu cùng ngày 19-5 vì 200 lời than phiền gởi tới Bộ truyền thông, sau khi phim đã vượt qua vòng kiểm duyệt. Trước đó, các giáo sĩ Hồi giáo hứa sẽ ủng hộ hết mình các Kitô hữu biểu tình chống cuốn phim.
Tài Hàn Quốc, Hội những người Kitô giáo tuyên bố sẽ “biểu tình trong trật tự”, nhưng nhất quyết sẽ tẩy chay bộ phim vì xúc phạm đến Chúa Giêsu, vì những sự thật bị bôi tro trét trấu. Tại xứ chùa tháp Thái Lan, hội đồng duyệt phim phải cắt 10 phút cuối sau khi lãnh đạo giáo hội Thái kêu ca rằng nội dung phim là phỉ báng.
Bất chấp những phản đối gay gắt, đất nước đa số là Công giáo Philippine đã cho Mật mã Da Vinci giấy thông hành, sau khi bật khuyến cáo “phim người lớn”, dù không gắn chữ “x” nào vì phim không có cảnh khiêu dâm”.
Trong khi đó, mức độ phim tại Singapore là NC 16, tức không cho trẻ em 16 tuổi xem. Hội đồng phim biện luận rằng “chỉ những khán giả trưởng thành mới đủ nhận thức để phân biệt giữa sự thực và điều hư cấu”.
Phân trần của tác giả
Với những lời “đao to búa lớn” từ giới phê bình, với những tranh cãi bức xúc tại nhiều nước, có thể nói Mật mã Da Vinci không quảng cáo cũng đã rầm rộ. (Trước đó, hãng Sony BMG - phụ trách phát hành phim - tỏ ra lúng túng, không biết phải “đánh bóng” phim ra sao vì hầu như mọi người đều biết đến Mật mã Da Vinci chuyển thể từ tiểu thuyết best-seller 65 triệu cuốn - thống kê mới nhất của CNN).
Phóng to |
Ron Howard tại Cannes 16-5-2005 |
Đạo diễn Jon Howard tuyên bố khá khôi hài đầy ý đồ “dụ khị” khán giả: “Nghe có vẻ vụ lợi, nhưng thật ra phản ứng trước một phim thì lần thứ hai lúc nào cũng tốt hơn lần đầu”.
Tuy nhiên, Howard cũng nói rằng: “Dĩ nhiên, thật nản lòng và thất vọng vì những chỉ trích của báo chí quả lỗ mãng”. Ông biện luận cho cách làm phim của mình: “Tôi không phải người luôn chìu lòng được mọi người. Tôi nghĩ cuốn phim là điều phi thường và tôi thuộc dạng người thích liều lĩnh”.
Tác giả của Apollo 13 và A Beautiful Mind tiếng tăm lẫy lừng đúc kết: “Nếu bạn không sẵn lòng với những cơ hội, cách riêng trong nghề nghiệp, để rồi cứ lẩn quẩn với câu hỏi “tôi sẽ làm gì đây”, thì bạn sẽ chẳng làm được gì. Tôi biết mình từng thành công về mặt thương mại, nhưng tôi không phải là người thích điều an toàn, để đảm bảo thành công doanh thu cho cuốn phim”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận