04/04/2015 10:43 GMT+7

​Mập mờ nguồn gốc thực phẩm biến đổi gen

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TT - Ở VN sản phẩm thực phẩm biến đổi gen không được dán nhãn và người tiêu dùng hầu như không được biết các thông tin này. Làm sao họ lựa chọn?

Bắp GMO đang được trồng tại Xuân Lộc, Đồng Nai 

Theo các nhà khoa học, người tiêu dùng có quyền được biết và lựa chọn các loại thực phẩm khác nhau.

Tuy nhiên, ở VN sản phẩm thực phẩm biến đổi gen không được dán nhãn và người tiêu dùng hầu như không được biết các thông tin này.

Người tiêu dùng đang băn khoăn làm thế nào để phân biệt đâu là thực phẩm biến đổi gen trong thực phẩm hằng ngày, khi có thông tin VN đã nhập khẩu loại thực phẩm này từ nhiều năm nay.

Không cần kiểm tra

Sau thông tin đa số đậu nành nhập khẩu từ Mỹ về VN là đậu biến đổi gen, chị Hoàng Thu Trang (Q.1, TP.HCM) đã quyết định ngưng dùng đậu phụ từ một cửa hàng chế biến đậu phụ quen bên Q.7. Chị cũng không dùng loại sữa đậu nành chế biến thủ công được bán ven đường ở gần công ty.

“Không rõ họ có sử dụng đậu nành Mỹ hay không nhưng tôi phải tạm ngưng cho chắc ăn. Lo nhất là dầu ăn, nếu ngưng thì không biết thay thế bằng gì” - chị Trang cho biết.

Cũng như chị Trang, nhiều người tiêu dùng tỏ ra băn khoăn trước thông tin nhiều loại thực phẩm biến đổi gen từ nước ngoài đã được nhập khẩu vào VN trong một thời gian dài nhưng không được công khai nguồn gốc xuất xứ.

Trong khi đó, theo các công ty nhập khẩu thực phẩm, hàng hóa nhập về chỉ phải kiểm tra về an toàn thực phẩm, công bố chất lượng chứ chưa có kiểm tra và dán nhãn nguồn gốc biến đổi gen (nếu có).

Sơ đồ thực phẩm biến đổi gen - Dữ liệu: Tr.Mạnh - Đồ họa: V.Cường
Sơ đồ thực phẩm biến đổi gen - Dữ liệu: Tr.Mạnh - Đồ họa: V.Cường

Ông Lê Bá Lịch, chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN, cho biết năm 2014 VN nhập khẩu 3,5 triệu tấn khô dầu đậu nành, 1,5 triệu tấn hạt đậu nành và 4,8 triệu tấn bắp.

Trong đó, bắp và khô dầu đậu nành dùng để chế biến thức ăn gia súc, thức ăn thủy sản, còn đậu nành dùng để chế biến nhiều loại thực phẩm khác nhau cho người như dầu ăn, chế biến sữa đậu nành, đậu phụ, đậu phộng rang muối hay các sản phẩm chế biến khác.

“Phần lớn đậu nành nhập khẩu từ Mỹ, Argentina là đậu nành biến đổi gen, VN đã nhập khẩu hàng chục năm nay rồi” - ông Lịch cho biết. Cũng theo ông Lê Bá Lịch, trước đây Bộ NN&PTNT có đề xuất phải kiểm tra và dán nhãn đối với nguyên liệu thức ăn chăn nuôi biến đổi gen nhưng hiện vẫn chưa thực hiện.

Thừa nhận điều này, giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (đề nghị không nêu tên) tại TP.HCM cho biết các lô hàng bắp, đậu nành nhập khẩu về chỉ được kiểm tra chất lượng, cảm quan và nguy cơ dịch hại chứ không phải kiểm tra nguồn gốc biến đổi gen.

“Chúng tôi nhập bắp và khô dầu đậu nành về bán cho các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, còn hạt đậu nành bán cho các đơn vị chế biến thực phẩm nhưng cụ thể họ dùng làm gì thì không rõ” - vị giám đốc này cho biết.

Đang xây dựng dự thảo dán nhãn

Hiện có khoảng 100 quốc gia cho phép tiêu thụ thực phẩm biến đổi gen (trong khi chỉ có 29 quốc gia cho phép trồng cây biến đổi gen) nhưng kèm theo những quy định về dán nhãn và quản lý chặt chẽ.

Nhiều quốc gia quy định một sản phẩm có từ 5% thành phần trở lên có nguồn gốc biến đổi gen thì phải dán nhãn để người tiêu dùng phân biệt và lựa chọn.

Tuy nhiên tại VN, dù thực phẩm biến đổi gen được nhập khẩu từ nhiều năm qua nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa ban hành quy định dán nhãn và quản lý với loại thực phẩm này.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ NN&PTNT), cho biết cùng với quyết định cho phép các giống cây trồng biến đổi gen được khảo nghiệm và thương mại hóa tại VN, các văn bản quản lý về nguồn gốc và dán nhãn cũng được hoàn thiện.

“Đối với các loại thực phẩm biến đổi gen dùng cho con người, Bộ NN&PTNT đang xây dựng văn bản quản lý và dán nhãn” - bà Thủy nói.

Theo các nhà khoa học, tính an toàn của thực phẩm biến đổi gen vẫn còn là đề tài tranh cãi ở quy mô toàn cầu. Đây là một vấn đề nhạy cảm vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Do đó, càng minh bạch hóa về nguồn gốc xuất xứ, thành phần sản phẩm bao nhiêu thì người tiêu dùng càng có nhiều thông tin để lựa chọn.

Tại VN, nhiều công ty sản xuất thực phẩm trong nước đã chủ động công khai nguồn gốc nguyên liệu nhập khẩu và ghi rõ không biến đổi gen để giảm lo lắng cho người tiêu dùng.

Ông Ngô Văn Tụ, giám đốc điều hành Vinasoy, cho biết công ty này sử dụng 80-90% nguồn đậu nành trong nước để chế biến các sản phẩm sữa đậu nành, chỉ khoảng 10-20% đậu nành phải nhập khẩu.

“Chúng tôi chỉ nhập khẩu đậu nành từ Canada và tất cả lô hàng đậu nành nhập khẩu về đều phải có chứng nhận không biến đổi gen của nước xuất khẩu cũng như thông qua quá trình kiểm tra của VN” - ông Tụ nói.

Tương tự, ông Đỗ Thanh Tuấn, trưởng ban đối ngoại Công ty Vinamilk, cũng cho biết công ty phải lựa chọn các sản phẩm có các chứng nhận về an toàn thực phẩm và không biến đổi gen trước khi nhập khẩu về để chế biến sữa đậu nành. Khi về tới VN, các lô đậu nành này được các cơ quan chức năng của VN kiểm tra xem có phải là thực phẩm biến đổi gen hay không.

“Không chỉ sản xuất sữa đậu nành cho thị trường VN, Vinamilk còn xuất khẩu sang các thị trường khác trong đó có châu Âu, thị trường chưa chấp nhận sữa đậu nành biến đổi gen, nên chúng tôi rất thận trọng trong việc chọn nguồn đậu nành” - ông Tuấn cho biết.

Bắp biến đổi gen chỉ dùng làm thức ăn chăn nuôi

Sau bài viết “Bắp biến đổi gen: cho trồng rồi lo”, đại diện Công ty Dekalb VN cho biết hiện đơn vị này chưa bán hạt giống bắp biến đổi gen ra thị trường mà vẫn đang trong quá trình khảo nghiệm với nông dân trước khi được Bộ NN&PTNT cho phép.

Hiện giống bắp này đã được Bộ Tài nguyên - môi trường cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học.

Các giống bắp biến đổi gen trồng cho mục đích chế biến thức ăn chăn nuôi có chất lượng và hương vị khác hẳn với bắp nếp nên không dùng làm thức ăn cho người.

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên