![]() |
Công việc thường ngày của một ông cai trường - Ảnh: K.X. |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Bất cứ đài truyền hình nào giờ đây cũng sử dụng hình của anh chàng ấy để làm đài hiệu khi nói về thảm bại của bóng đá VN mới đây. Anh chàng ấy không xa lạ với người hâm mộ bóng đá thủ đô, nhưng cả nước không phải ai cũng biết, dù ai khi thấy hình ấy cũng hỏi: tay nào mà yêu bóng đá đến thế?
Làng thể thao và những người yêu bóng đá ở Hà Nội ai cũng biết anh, họ gọi anh bằng cái tên đầy yêu thương: anh Mạnh "béo". Mỗi khi tuyển VN ra sân, anh luôn xuất hiện dưới những bộ cánh sặc sỡ, khuấy động cả khán đài. Bóng đá VN không phải lần đầu nhận thất bại, nhưng khác với những thất bại trước, Mạnh "béo" không chỉ lủi thủi ra về như thường lệ, mà lần đầu tiên người ta thấy anh khóc ròng trên SVĐ tại Nakhon Ratchasima.
Anh không khóc vì tiếc công tích cóp, lặn lội sang Thái để cổ vũ nhưng đội nhà lại thua. Anh khóc vì cách thua không thể chấp nhận được của U-23. Và nước mắt ròng ròng của người đàn ông trông dáng thô mộc ấy đã trở thành một sự kiện, lột tả được đầy đủ nhất về nỗi đau của những người yêu bóng đá VN.
"Nghiện" bóng đá từ bãi An Dương
![]() |
Chuẩn bị đồ nghề trước giờ “ra trận”- Ảnh: K.X. |
Sinh ra và lớn lên tại bãi An Dương - bờ sông Hồng, nay là phường Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội. Mạnh "béo" - tên đầy đủ là Đỗ Văn Mạnh - đã lớn lên giữa những mùa nước lên xuống của con sông Hồng đỏ nặng phù sa. Cả gia đình anh sống trên bãi An Dương. Ngày ngày cậu bé Mạnh hiền lành, chân đất đó lại rong ruổi trên bãi và đá bóng từ trưa đến tối cùng bạn bè trong xóm.
Mê bóng từ nhỏ, lớn lên giữa cái hoang sơ và thân thiện của Hà Nội những năm 1960-1970, anh Mạnh ngày nay sắp bước sang tuổi ngũ tuần. Dù chẳng giỏi mấy về bóng đá, nhưng niềm say mê chơi và xem bóng đá đã ngấm sâu vào anh, biến anh trở thành một người nghiện bóng đá đến quên hết mọi thứ.
Năm 1980, anh Mạnh tham gia bộ đội và đóng quân ở biên giới Lạng Sơn. Sau ba năm, anh trở về Hà Nội và sinh sống bằng nghề lái xe công nông. Những năm 1980, có một xe công nông đầu dọc mà lái là oai ra phết ở bãi An Dương. Và nghề đầu tiên khiến anh Mạnh có thể kiếm ra tiền đó là nghề chở cát và vật liệu xây dựng cho cư dân trong bãi. Từ chở cát đến ximăng, gạch ngói, giàn giáo... anh đều nhận tuốt. Và anh trở thành một trong những fan club của đội bóng CLB Thể Công cũng từ đó. Gần 20 năm qua, anh Mạnh là chủ nhiệm hội CĐV Thể Công và sống chết với tình yêu đội bóng quân đội.
Học vấn chỉ hết phổ thông, sau khi bỏ nghề chở cát vì xe công nông bị cấm tiệt, anh chẳng biết làm gì khác ngoài việc xin làm bảo vệ tại một trường tiểu học gần nhà - Trường tiểu học An Dương. Với thân hình mập mạp và có vẻ dữ tướng, người ta nhận anh vì hi vọng nhiều người phải... sợ! Nhưng, "trông mặt mà bắt hình dong" với trường hợp Mạnh "béo" là trật lất. Bởi anh hiền như một hòn đất bãi An Dương.
Hậu phương và chiếc mũ yêu thương
![]() |
Anh Mạnh “béo” với chiếc mũ tình yêu của vợ đã khóc ròng khi U-23 VN bị loại ở bán kết. Tấm ảnh này đã trở thành biểu tượng buồn của môn bóng đá VN tại SEA Games 24 - Ảnh: Quang Minh |
Đi qua đường Thanh Niên xuống phố An Dương hỏi thăm, ai cũng biết anh Mạnh "béo" hiền lành, yêu trẻ con và mê bóng đá. Xuất hiện và ra mở cổng cho tôi là một người đàn ông đầu húi cua, đó là anh Mạnh "béo". Anh và chị Như Hoa - vợ anh - đang cùng ngồi theo dõi chương trình thời sự trong căn phòng nhỏ chừng 10m2 - phòng dành cho bảo vệ tại Trường tiểu học An Dương.
Tuy không rộng rãi như ở nhà, nhưng là "thế giới" riêng của anh Mạnh. Đây là nơi anh tụ họp bạn bè, nơi xuất phát những cuộc diễu hành của hàng trăm người đến sân vận động tiếp lửa cho các tuyển thủ VN. Căn phòng nhỏ, ngăn nắp và đầy những "đồ nghề" của một CĐV thứ thiệt. Nào trống, thanh la, loa kèn, những kỷ vật của mỗi giải đấu... đều được treo trang trọng.
Anh Mạnh "béo" nổi lên như CĐV nhiệt tình nhất và trở thành thủ lĩnh cả một hội yêu bóng đá. Nhưng có ai biết rằng để có thể vào sân xem đội nhà thi đấu thời gian đó, anh Mạnh phải dậy từ 3g sáng để chầu chực mua vé. Anh gãi đầu bảo: "Bao giờ mình cũng mua một đôi và nhượng lại một chiếc, vừa đủ để mình vào sân không tốn tiền". Mức lương bảo vệ không đủ để chi trả cho cuộc sống hai vợ chồng và một đứa con trai, nên nghĩ cũng thông cảm cho Mạnh "béo" vì không thế thì không thể thỏa được cơn ghiền bóng đá!
Chị Như Hoa - làm phục vụ trong Trường tiểu học An Dương - là một phụ nữ bình dị vốn chẳng biết đến bóng bánh là gì. Thấy chồng mê và quên cả việc để xem bóng đá, mới đầu chị cũng khó chịu và bực tức. Nhưng khi hiểu ra chuyện của chồng làm cũng góp phần động viên các cầu thủ, thì tình yêu trong chị lại lớn hơn bất cứ khi nào.
Để diện cho chồng khi ra sân cổ động, chị đã thức đúng một tháng để khâu mũ cho chồng. Chị xuống Hàng Bạc, Hàng Mã mua những sợi dù đỏ, hạt kim tuyến màu vàng và hàng trăm chiếc móc chìa khóa hình quả bóng nhiều màu sắc để tết mũ. Chiếc mũ đỏ mà mọi người nhìn thấy anh Mạnh vẫn đội trên đầu mỗi khi đi cổ vũ bóng đá là tình yêu của vợ anh.
"Những đêm dài Hoa thức khâu mũ, tôi ngồi bên cạnh phụ giúp vợ. Nhìn cô ấy cặm cụi làm việc mà tôi muốn phát khóc. Chỉ vì chiều chồng nghiện bóng đá mà cô ấy sau cả ngày làm việc, đêm lại phải đan mũ. Chiếc mũ màu đỏ được tết bằng chỉ dù với nhiều hạt kim tuyến nhấp nhánh. Trên đầu mũ là hình ngôi sao của lá cờ Tổ quốc, được đính bằng những móc chìa khóa tròn hình quả bóng. Không khi nào đi cổ vũ tôi rời chiếc mũ. Nó là tình yêu bóng đá, là tình yêu thương của vợ tôi. Với tôi, Tổ quốc và niềm đam mê bóng đá luôn ở trên đầu. Ra sân, tôi gào thét và khuấy động mọi người cổ vũ cho đội tuyển, có chiếc mũ yêu thương của vợ trên đầu, tôi thấy như được tiếp thêm sức mạnh" - anh Mạnh nói.
Có dịp đi nước ngoài xem đội VN đá bóng, một ông Tây mê trả anh cái mũ đến cả vài trăm đôla nhưng anh nhất định không chịu bán. Đây đã là chiếc mũ thứ hai chị Hoa tết cho anh vì cái cũ đã bạc màu. Đồng nghĩa với đó, chị đã phải thức thêm một tháng nữa để làm công việc của một người vợ chiều chồng. Cũng từ lúc nào, tình yêu Tổ quốc và bóng đá lớn dần lên trong chị.
Nỗi đau của một tình yêu lớn
Còn nhớ dịp Tiger Cup 1998, khi VN lọt vào đến trận chung kết, sau nhiều trận cổ vũ anh Mạnh bị ốm. Trận chung kết với Singapore, chị Hoa đóng cửa bắt anh phải ở nhà vì anh vẫn mê man trong cơn sốt. Anh khóc vì vừa thương vừa giận vợ khóa cửa không cho anh đi. Ngoài cửa là hàng trăm CĐV người lớn có, trẻ con có khua chiêng trống và đòi chị Hoa thả anh Mạnh ra. Và cuối cùng tình yêu bóng đá đã chiến thắng.
Sau lần ấy, khi nào chị Hoa cũng phải chuẩn bị ngâm sẵn mơ muối, chanh muối quanh năm để giúp cổ họng của anh không đứt tiếng!
Do ngày càng nổi tiếng, giờ đây Mạnh "béo" đã được vào sân không mất tiền nhờ lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá VN ưu tiên. Và trong đời, anh đã ba lần được đi nước ngoài, được gào thét, được thể hiện niềm tự hào dân tộc tại AFF Cup ở Singapore năm 2006, tứ kết Asian Cup 2007 và SEA Games 24 tại Thái Lan vừa rồi. Di chuyển và ở thì bạn bè giúp, vì ai cũng bảo "thiếu Mạnh béo là mất khí thế"! Còn chuyện ăn? Dễ mà! Chuyến đi Thái vừa rồi, hành trang của nhóm Mạnh "béo" gồm năm người là mười thùng mì tôm, hai cân ruốc, 20 hộp thịt, 50 băngrôn, quần áo đồng phục, trống, chiêng, loa, cờ...
Những buổi chiều đầy nắng ở Nakhon, người ta thấy trên khán đài rợp màu đỏ và khẩu hiệu, những CĐV nhiệt tình... đó chính là công sức của anh Mạnh và những người bạn cùng hội CĐV VN. Lá cờ Tổ quốc khổng lồ được căng trên khán đài với biết bao niềm hi vọng. Trên sân là tiếng gào thét và cổ vũ không ngừng đến khàn đặc cả cổ... vậy nhưng VN vẫn thất bại. Anh Mạnh khóc - lần đầu tiên trong đời anh khóc trước mọi người.
Anh tâm sự: "Trong đời tôi chưa có ngày nào đau đớn hơn buổi chiều hôm ấy. Cảm giác niềm tin, tình yêu và sự hi vọng bị tiêu diệt... đau đớn quá. Chúng ta có thể thua, nhưng xin đừng thua nhục nhã và bệ rạc như vậy". Sau buổi chiều đó, anh Mạnh đổ bệnh và phải nằm lì ở khách sạn hai ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận