Phóng to |
Những ngôi nhà "chạy dự án" thường thấy ở phường Phước Thới, TP Cần Thơ - Ảnh: Tấn Thái |
Không ngăn chặn nổi
Ông Võ Văn Đạt - phó trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Ô Môn, TP Cần Thơ - nói: “Khoảng tháng 12- 2005, khi chúng tôi công khai qui hoạch Nhà máy nhiệt điện Ô Môn (phường Phước Thới, quận Ô Môn) thì rất nhiều ngôi nhà trái phép mọc lên. Mặc dù trước khi công khai qui hoạch chúng tôi căn dặn người dân rất kỹ là không được xây dựng nhà đối phó chờ giải tỏa.
Nhưng người dân vẫn không nghe, họ đua nhau xây dựng trong khi lực lượng quản lý đô thị của chúng tôi quá mỏng không thể ngăn chặn nổi. Họ xây dựng ban ngày lẫn ban đêm và bất kể thứ bảy hay chủ nhật”.
Theo ông Đạt, tình trạng xây dựng nhà trái phép không chỉ diễn ra hết sức nghiêm trọng ở quận Ô Môn mà còn ở một số nơi khác thuộc TP Cần Thơ. “Theo chỉ đạo của UBND TP, những căn nhà xây dựng mang tính chất đối phó với các dự án sau ngày 1-7-2004 thì không được bồi thường. Vì nhiều người dân không thông chủ trương này nên đã lâm cảnh nợ nần chồng chất”- ông Đạt nói.
Ông Huỳnh Văn Thuận - chánh thanh tra Sở Xây dựng Cần Thơ - cho biết hiện nay trên địa bàn TP chưa có số lượng thống kê những ngôi nhà xây dựng không phép hoặc trái phép. Nhưng số liệu báo cáo đánh giá hiện trạng quản lý nhà đất tại TP Cần Thơ công bố mới đây cho thấy: tổng số 5.939 nhà của 10 phường thuộc bốn quận nội ô TP Cần Thơ xây dựng trong hai năm 2004 và 2005 có đến 4.074 nhà xây dựng không phép (tỉ lệ 69%).
Ông Nguyễn Thanh Sơn - phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ - cho biết: "Trước đây một số dự án có tình trạng hỗ trợ người dân đối với những căn nhà xây dựng không phép (vì việc công khai qui hoạch không minh bạch). Hiện nay việc này làm rất rõ ràng, vì vậy khi dự án được công khai qui hoạch ra dân mà họ vẫn cố tình xây dựng nhà không phép thì chúng tôi cương quyết không bồi thường. Mặc dù làm như vậy có hơi “đau” (vì không ít người xây nhà chạy dự án là tiền vay bạc hỏi) nhưng thà “đau” lúc đầu còn hơn để tình trạng tái diễn phức tạp". |
Cải cách “tập quán”
Tình trạng xây dựng nhà không phép hoặc sai phép diễn ra hết sức nghiêm trọng nhưng ngành hữu quan không ngăn chặn ngay từ đầu, đến khi “gạo nấu thành cơm” rồi mới xử lý. Chẳng hạn ở Phước Thới tình trạng xây dựng nhà diễn ra tràn lan nhưng ngành hữu quan nơi đây chỉ có lập biên bản, thống kê... rồi thôi.
Nay khi dự án tiến hành thu hồi đất thì những người có trách nhiệm ở chính quyền địa phương mới ra quyết định xử phạt hành chính buộc người dân tháo dỡ. “Nếu ngăn chặn ngay từ đầu thì sẽ không làm thiệt hại cho người dân và cả Nhà nước”- một cán bộ lãnh đạo nhìn nhận.
Ông Nguyễn Huy Đức - chuyên viên Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng và Hội Kiến trúc sư Việt Nam) - nhận định: “Tình trạng xây dựng không phép hoặc sai phép, trên địa bàn TP Cần Thơ rất phức tạp”.
Theo ông Đức, nguyên nhân là do ý thức của nhiều người dân còn hạn chế, còn quen sống với tập quán nông dân “đất ta - ta cứ xây”. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người có lý do bức xúc về nhà ở, trong khi đó điều kiện để được cấp phép không đủ (nhà xây dựng trong khu qui hoạch) nên họ cứ xây.
Mặt khác, tiền nộp về hợp thức hóa, quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất quá cao... khiến họ không có khả năng thanh toán. Lực lượng chính quyền cơ sở còn mỏng, nhận thức về công tác xây dựng của chính quyền cơ sở nhiều nơi còn hạn chế. Cơ chế xử phạt đối với những trường hợp vi phạm còn nhẹ, thủ tục xây dựng còn rườm rà nên đã tạo tâm lý cho người dân “thà chịu phạt để được tồn tại còn hơn là đi xin phép xây dựng”.
“Đây là một “tập quán” cần “cải cách” ngay. Điều này có lợi cho cả hai - người dân và nhà nước”, ông Đức nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận