11/06/2021 09:59 GMT+7

Màn ra mắt của ông Biden

TÔ HOÀNG
TÔ HOÀNG

TTO - Chuyến công du châu Âu 8 ngày (9 đến 16-6) của ông Joe Biden với một lịch trình dày đặc đã được chuẩn bị kỹ lưỡng vì nó sẽ là chỉ dấu cho chính sách đối ngoại 4 năm tới của nước Mỹ.

Màn ra mắt của ông Biden - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp gỡ các quân nhân thuộc Không quân Mỹ và thân nhân họ đang đóng tại căn cứ RAF Mildenhall ở Sufolk (Anh) vào ngày 9-6, trước Hội nghị Thượng đỉnh G7 - Ảnh: AFP

Cuối cùng sau 6 tháng nhậm chức, ông Biden cũng đã có chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị tổng thống Hoa Kỳ.

Nếu như khoảng thời gian gần 200 ngày đã qua là để tìm ra tầm nhìn mới cho chính sách đối ngoại của Mỹ, thì chuyến đi này là sự cụ thể hóa tầm nhìn đó.

Hàn gắn đồng minh

Từ hội nghị cấp cao G7, NATO, EU - Mỹ cho đến cuộc gặp Tổng thống Nga V. Putin, không khó để nhận thấy mục đích của chuyến thăm này là để hàn gắn đồng minh và "nắn gân" đối thủ.

Trước hết, đây là màn ra mắt đầu tiên của ông Biden trên sân khấu thế giới.

Lên nắm quyền sau nhiệm kỳ 4 năm sóng gió của người tiền nhiệm Donald Trump, ông Biden sẽ mất nhiều thời gian để lái con tàu Mỹ ra khỏi hướng đi của người tiền nhiệm.

Cho dù đối với các nhà lãnh đạo châu Âu kỳ cựu như Thủ tướng Đức Merkel hay Tổng thống Nga Putin, ông Biden không phải người xa lạ vì đã từng là phó tổng thống Mỹ trong 8 năm, nhưng chuyến này sẽ là cuộc tái ngộ trên cương vị mới.

Nhà Trắng đã lên kịch bản hoàn hảo cho chuyến công du để có thể truyền tải một cách mạnh mẽ nhất đường hướng đối ngoại mới của nước Mỹ.

Từ cuộc gặp của 7 nước phát triển tại Anh cho đến Hội nghị Cấp cao NATO tại Bỉ và cuối cùng là cuộc chạm trán song phương với Tổng thống Nga ở Thụy Sĩ, lịch trình chuyến thăm được sắp xếp để làm toát lên thông điệp "nước Mỹ đã trở lại".

Đây cũng là chuyến đi để củng cố quan hệ với đồng minh của Mỹ. Nhiệm kỳ 4 năm của ông Trump đã để lại nhiều đổ vỡ trong quan hệ với các đồng minh châu Âu cũng như trong NATO.

Ngay từ khi tranh cử, ông Biden đã cam kết sẽ đưa quan hệ với đồng minh trở lại vị trí vốn có của nó. Chuyến đi đầu tiên với điểm đến là các nước đồng minh châu Âu thân thiết nhất là để hiện thực hóa cam kết đó.

Nhưng dù các nhà lãnh đạo châu Âu đã thở phào nhẹ nhõm sau bầu cử Mỹ cuối năm ngoái, những vết sẹo trong quan hệ dưới thời cựu tổng thống Trump không dễ dàng hàn gắn.

Một chuyến đi có lẽ chưa đủ để thuyết phục các đồng minh là "nước Mỹ đã trở lại" nếu không kèm theo những hành động cụ thể.

Những nghi ngại về đường hướng đối ngoại của Mỹ vẫn không dễ mất đi, và ông Biden phải làm rõ liệu "chính sách đối ngoại cho tầng lớp trung lưu" của ông có khác gì so với "chính sách nước Mỹ trên hết" của người tiền nhiệm Donald Trump.

Và dù các lãnh đạo châu Âu có thể dang tay chào đón ông Biden, họ cũng không dễ quên chuyện mối quan hệ đồng minh được xây dựng trong 75 năm đã dễ dàng đổ vỡ ra sao với sự thay đổi tổng thống Mỹ từng diễn ra 5 năm trước.

Cũng không có gì bảo đảm điều đó không lặp lại lần nữa với một tổng thống có thể sẽ theo "chủ nghĩa Trump" trong thời kỳ hậu Biden.

"Nắn gân" đối thủ

Có lẽ chặng dừng chân kịch tính nhất trong chuyến đi lần này của ông Biden sẽ là cuộc gặp với người đồng cấp Nga tại Geneva (Thụy Sĩ).

Không chỉ là lần gặp lại giữa hai người vốn không xa lạ, mà còn là cuộc chạm trán đầu tiên giữa hai nguyên thủ dày dạn kinh nghiệm chính trường.

Khác với cựu tổng thống Trump, ông Biden sẽ không dễ dàng thỏa hiệp với Nga. Và ở chiều ngược lại, như thường lệ, Tổng thống Putin cũng không phải người sẵn sàng xuống nước.

Cuộc gặp lần này không dễ dàng nhưng cần thiết, cả hai nước đều cần đến nhau nhưng có quá nhiều vấn đề phải giải quyết.

Ngay trước chuyến thăm, ông Biden đã nhắn gửi thông điệp đến ông Putin là nước Mỹ muốn có "mối quan hệ ổn định và dự báo được". Nhưng Washington cũng sẽ thẳng thắn đề cập đến những vấn đề như Nga can thiệp vào Ukraine, bắt giữ nhân vật bất đồng chính kiến Navalny, các vụ tấn công mạng vào hệ thống hạ tầng của Mỹ...

Với một chính quyền mới của Mỹ cho thấy sẽ không chấp nhận những hành động của Nga như trước, và một chính quyền Nga dường như không sẵn sàng thay đổi, khả năng cải thiện quan hệ song phương sau cuộc gặp này có lẽ là điều xa xỉ.

Nhưng một cuộc gặp mặt đối mặt giữa hai nguyên thủ sẽ giúp hai bên hiểu rõ các mối quan tâm của nhau.

Và cuối cùng, cho dù chuyến đi lần này chỉ diễn ra ở châu Âu nhưng cả thế giới sẽ nhìn vào để tìm hiểu chính sách đối ngoại mới của Mỹ sẽ như thế nào.

Như phát biểu của ông Biden trên đường băng trước khi bước lên Không lực 1, mục tiêu của chuyến đi là "củng cố đồng minh, cho Nga và Trung Quốc thấy mối quan hệ khăng khít giữa Mỹ và châu Âu".

Với mục đích hàn gắn đồng minh và "nắn gân" đối thủ, chuyến đi này rõ ràng không đơn thuần là một chuyến thăm châu Âu thông thường mà nó còn phát đi nhiều thông điệp hơn thế.

Vì sao ông Biden bỏ lệnh cấm ứng dụng WeChat ở Mỹ? Vì sao ông Biden bỏ lệnh cấm ứng dụng WeChat ở Mỹ?

TTO - Chính quyền ông Biden ngày 9-6 thông báo đảo ngược lệnh cấm ứng dụng Trung Quốc như TikTok và WeChat từ thời ông Trump để tiến hành phân tích về rủi ro bảo mật.

TÔ HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Biden công du châu Âu