![]() |
Chương Tử Di, gương mặt quen thuộc trong những bộ phim cổ trang Trung Quốc (cảnh trong phim Thập diện mai phục) |
Công thức “cổ trang + võ thuật”
Có lẽ đúng như nhận định của ôngVương Trung Lỗi, tổng giám đốc Công ty điện ảnh Hoa Nghị Huynh Đệ, cổ trang + võ thuật là công thức làm phim hiệu quả nhất tại Trung Quốc.
Qua những tác phẩm thực hiện theo công thức này do những đạo diễn tên tuổi như Lý An, Trương Nghệ Mưu, Từ Khắc… dàn dựng, khán giả Âu Mỹ được tiếp xúc với một thế giới đầy màu sắc thần bí của thời phong kiến Trung Hoa hoặc những bang phái võ lâm với những mối ân oán nhiều thế hệ.
Thêm vào đó, họ còn được tìm hiểu về dòng võ thuật truyền thống của người Trung Hoa mà người ta quen gọi là kungfu. Hiểu hay không, không quan trọng, vấn đề là khi xem những tác phẩm này, công chúng phương Tây như được ăn một món hương mới vị lạ nên rất thích thú.
Tuy nhiên, sự hạn hẹp về đề tài cũng như sự nghèo nàn về ý tưởng đôi lúc khiến các nhà làm phim Trung Quốc phải đi vay mượn của người khác để “xào nấu” lại.
Điển hình là hai bộ phim đang được chú ý: Tiệc đêm của đạo diễn Phùng Tiểu Cương và Cung nữ báo thù (tức Hoàng kim giáp) của Trương Nghệ Mưu. Nếu Tiệc đêm thực hiện trên cái sườn của vở kịch phương Tây Hamlet thì Cung nữ báo thù đưa bối cảnh danh tác Lôi vũ của Tào Ngu vào hậu cung.
Vì thực hiện theo đúng công thức cổ trang + võ thuật nên các nhà sản xuất không quên lồng vào đó những cảnh đấu võ, khinh công rất đẹp mắt và cũng rất... siêu thực.
Cũng cần phải có ngôi sao
Đã tính đến ăn khách thì không thể quên yếu tố diễn viên. Bộ phim Vô cực bị thị trường Bắc Mỹ “trả hàng” chính vì diễn viên chưa đủ sức thu hút. Những cái tên Jang Dong Gun, Trương Bá Chi, Tạ Đình Phong... chỉ loanh quanh ở châu Á nên sự hiện diện của họ không tạo được ép phê với khán giả phương Tây.
Bộ phim Thất kiếm của đạo diễn Hong Kong cũng vậy, ngoài một câu chuyện bị rút ngắn đến mức khán giả xem mà chẳng hiểu gì (dự kiến ban đầu là hai tập), tên tuổi của các “sao” như Dương Thái Ni, Lê Minh, Chân Tử Đan, Lục Nghị... chưa thể thuyết phục tính nhanh nhạy của các nhà phát hành phim Âu Mỹ nên việc “xuất ngoại” của Thất kiếm gặp khó khăn.
Hiện tại những gương mặt đủ sức bảo chứng doanh thu cho phim Trung Quốc trên thị trường Âu Mỹ không nhiều nên việc Chương Tử Di liên tục xuất hiện là điều dễ hiểu. Hoặc như đạo diễn Trương Nghệ Mưu phải gạt bỏ “tình riêng” để mời cho được Củng Lợi trở về tham gia bộ phim Cung nữ báo thù cùng Châu Nhuận Phát.
Tuy nhiên, vốn là một đạo diễn thông minh, Trương Nghệ Mưu cũng không quên tranh thủ tìm kiếm cho phim mình những nhân tố mới, mà cụ thể là trong Cung nữ báo thù ông quyết định giao vai cung nữ (trong kịch là Lỗ Tứ Phượng) cho Lý Mạn - một cô sinh viên Học viện Hí kịch Thượng Hải chưa bao giờ đóng phim.
Bên cạnh đối tượng khán giả phương Tây, phim cổ trang Trung Quốc còn một thị trường khác tuy khá dễ tính nhưng tiềm năng lớn là châu Á. Chính vì vậy, phần lớn những diễn viên, ca sĩ đang được mến mộ hiện nay đều được kéo vào phim.
Đạo diễn Trương Nghệ Mưu từng thừa nhận việc ông mời bằng được Châu Kiệt Luân tham gia bộ phim Cung nữ báo thù, dù chỉ là... vai phụ, là ông tính đến giá trị thị trường của chàng ca sĩ đình đám này.
Hoặc như đạo diễn Phùng Tiểu Cương, sau khi mời được Chương Tử Di tham gia Tiệc đêm thì Gaga - công ty phát hành phim lớn nhất Nhật Bản - đã đồng ý mua bản quyền tác phẩm này với giá ngất ngưởng: 5 triệu USD.
Có thể nói chưa bao giờ điện ảnh Trung Quốc lại tỏ ra mặn mà với phim cổ trang như hiện nay. Với những điều kiện thuộc về thế mạnh của mình, họ không chỉ vực dậy nền điện ảnh đang ngủ say mà còn khiến mọi người phải quan tâm. Song, “cơn lốc” này liệu có như dòng phim võ hiệp trên màn ảnh nhỏ rồi cũng đến lúc bão hòa, cạn nguồn ý tưởng? Đó cũng là điều mà giới phê bình điện ảnh Trung Quốc đang lo ngại. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận