Phóng to |
Ông Đinh Thanh Dự, nhà nghiên cứu văn hóa Nguồn, cho biết: “Phong tục này của người dân tộc Nguồn còn được coi là ngày mà con cháu làm cơm giỗ sống các bậc cha mẹ hay người già trong gia đình”.
Phong tục đẹp
Từ giữa tháng 11 âm lịch đến ngày 30 tết, những người con, cháu đã ra ở riêng làm một mâm cỗ ngon nhất mà mỗi gia đình có thể có được để gánh tới giỗ sống ông bà, cha mẹ mình. Người Nguồn nghĩ đơn giản nhưng thật sâu sắc: những bậc sinh thành ra mình quanh năm lao động vất vả để nuôi nấng con cháu, một năm chỉ có vài ngày tết, con cháu trưởng thành phải có mâm cỗ báo hiếu công đức ấy của cha mẹ, ông bà. “Bởi nếu họ khuất núi thì làm sao còn báo hiếu được nữa” - họ lý giải.
Niềm vui của ông Thừa Ông Đinh Minh Thừa có tám người con đều đã trưởng thành, và như vậy trước Tết Tân Mão này ông sẽ có tám lần được ăn cơm báo hiếu. Ông Thừa vui bụng lắm: “Năm mô hai vợ chồng miềng cũng được ăn cơm giỗ sống miềng. Đứa ở nhà gần thì làm cơm cho miềng vô tháng 11 (âm lịch), đứa ở xa thì bưng cho miềng cơm vô tháng chạp. Sang năm Tân Mão miềng có thêm nhiều đứa cháu lập gia đình riêng, chúng lại báo hiếu nhiều nữa”. |
Ông Đinh Minh Thừa, 74 tuổi, ở xã Xuân Hóa, được con gái lớn là chị Đinh Thị Dung xin phép làm mâm cỗ giỗ sống. Ông Thừa và vợ đồng ý ngày giờ cho vợ chồng chị Dung bưng cơm. Cả nhà chị tất bật làm mâm cỗ từ khi trời vừa sáng.
Những sản vật của núi rừng do vợ chồng chị làm ra hoặc thu hái về chế biến gồm xôi, cơm, một con gà, thịt heo, cá khe, thân chuối rừng hầm với giò heo, bánh rò (như bánh chưng nhưng không có nhân), rau tớn (mọc ở ven khe suối), ốc suối... được chị gánh sang nhà cha mẹ.
Chị Dung cho biết: “Mâm cỗ bưng tới cha mẹ có càng nhiều các món ăn do mình tự làm ra càng tốt. Trong gần chục món ăn của mâm cỗ mình làm năm nay chỉ có món thịt heo là mua ở chợ, còn lại thì cá bắt dưới khe, rau hái trong vườn, gạo, nếp trên nương...”.
Bày xong mâm cỗ, vợ chồng chị Dung kính cẩn mời: “Hôm nay chúng con dâng lên cha mẹ những món ăn ngon nhất. Chúc cha mẹ sống lâu trăm tuổi cùng các con, các cháu”.
Ông bà Thừa cảm ơn các con, nói đại ý: dù quanh năm làm lụng vất vả nhưng đến ngày tết con cháu đã không quên cha mẹ, ông bà và chúc con cháu sang năm mới sức khỏe, làm ăn phát đạt, trên dưới hòa thuận.
Trước khi thưởng thức mâm cơm ngon của con cháu, ông Thừa cũng không quên khấn mời những người trong gia đình, họ tộc đã khuất về cùng dự. Gọi là mâm cơm cho cha mẹ, nhưng thường cả gia đình cùng quây quần bên nhau. Không khí hiếu thuận như tỏa ấm gian nhà nhỏ, đẩy cái lạnh giá của vùng cao núi đá ra khỏi nhà.
Truyền thuyết về lòng hiếu thảo
Tục “giỗ sống” này là riêng có của người Nguồn ở Minh Hóa. Nhưng có từ bao giờ, xuất phát từ đâu thì đến nay vẫn chưa xác định được. Ông Đinh Thanh Dự cho biết là có giả thiết cho rằng từ xa xưa, những người con cháu trong mỗi gia đình do đi làm ăn xa nên quanh năm không có điều kiện chăm sóc cha mẹ.
Đến ngày tết họ mới về được, và như vậy sẽ mang theo những món ăn ngon nhất dâng lên cha mẹ để tỏ lòng hiếu thảo và bù đắp cho các đấng sinh thành. Thấy việc làm có ý nghĩa lớn nên con cháu sống gần bố mẹ làm theo, rồi trở thành một phong tục đẹp của người Nguồn mãi đến ngày nay.
Còn có một tích khác về xuất xứ của phong tục bưng cỗ tết này. Người Nguồn ở thung lũng Hóa Sơn kể rằng: Ngày xưa dân cư ở rừng núi Minh Hóa rất nghèo nàn. Có người con trai lên rừng đặt bẫy, bắt được một con lợn lòi to.
Anh đem lợn về làng và chọn những miếng thịt ngon nhất dâng mẹ già, ăn với cơm lúa rẫy mới. Năm sau, vào dịp gần Tết Nguyên đán, nhớ lại bữa cơm ngon ấy, người mẹ già (đã bị bệnh nặng) buột miệng thở dài: “Giá mà được ăn một bữa ngon như dạo năm trước thì có nhắm mắt cũng thỏa lòng!”. Vợ anh nghe được bèn đem kể lại với chồng.
Thương mẹ, hai vợ chồng lấy thóc giống đem giã lấy gạo nấu cơm. Người chồng đi bắt cá ngoài suối, nhà chỉ có một con gà đang đẻ trứng, người vợ bắt làm thịt luôn. Lạ thay, sau bữa ăn mẹ anh dần khỏi bệnh. Năm đó, cây lúa nào trên rẫy cũng tốt tươi. Dân làng biết chuyện đều nói là nhờ con cái hiếu thảo nên trời đất phù hộ cho dân bản được mùa. Từ đó vào dịp tết đến là các gia đình trong vùng theo anh trai làng làm cơm, chọn thức ăn ngon dâng cha mẹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận