![]() |
Những khu phố Tàu ở Malaysia luôn nhộn nhịp du khách - Ảnh: Hoàng Tùng |
Nhìn từ nước bạn…
Malaysia có gì? Tài nguyên du lịch ư? Họ không có tới tận 5 Di sản Thế giới được UNESCO công nhận như nước ta. Thế nhưng số lượng du khách đến Malaysia vẫn đông gấp nhiều lần VN. Và điều đáng nói hơn, không chỉ du khách đến đông hơn mà lượng du khách quay lại cũng nhiều hơn, tới 40% trong khi có đến gần 90% du khách đến VN chỉ duy nhất một lần và không quay lại.
Một trong những điểm tạo nên sự khách biệt đó có lẽ nằm ở khâu quảng cáo về du lịch. Với câu slogan: “Malaysia - Truly Asia”, ngành du lịch Malaysia đã biết cách đánh bóng để mình trở thành một châu Á thu nhỏ, một châu Á đích thực. Mặc dù trên thực tế, Malaysia có thể vẫn chưa hẳn phải là Truly Asia nhưng với mật độ xuất hiện trên những kênh truyền hình quốc tế cùng với những video quảng cáo thực sự ấn tượng, du khách khó có thể không in vào trí nhớ mình câu slogan du lịch rất hay và những hình ảnh giới thiệu gợi cảm của du lịch Malaysia.
Không chỉ riêng truyền hình, ngành du lịch Malaysia đã biết tận dụng sức mạnh tối đa của các phương tiện truyền thông. Tại sân bay, những nhân viên với dòng chữ: “Tôi có thể giúp bạn được không? (May I help you) sẵn sàng đưa ra những thông tin thực sự cần thiết và bổ ích khiến du khách không hề thấy bỡ ngỡ khi đặt chân đến một vùng đất mới.
Ngoài ra còn có cả một hệ thống ấn phẩm sách báo, tranh ảnh, bản đồ giới thiệu đầy đủ, chi tiết về tất cả 13 bang của Malaysia ở các quầy thông tin du lịch. Và tất cả đều miễn phí. Tất cả đều được trả lời và giúp đỡ với một nụ cười thường trực trên môi. Nhìn lại việc quảng bá du lịch nước ta trên các kênh truyền thông quốc tế? Còn quá ít! Các quầy thông tin du lịch? Chỉ tập trung tại một vài điểm và thông tin thì còn sơ sài.
![]() |
Melaka - Thương cảng nổi tiếng của Malaysia - Ảnh: Hoàng Tùng |
Nhìn lại chính mình
Những Di sản Thế giới của nước ta như Vịnh Hạ Long, như Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Phong Nha - Kẻ Bàng nào được du khách nước ngoài biết đến vì chúng đâu xuất hiện nhiều trong các video clip quảng cáo ở các kênh truyền thông quốc tế?
Tại các địa điểm quan trọng như sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, các tờ rơi chủ yếu là của các nhà hàng, khách sạn làm để quảng cáo cho bản thân họ. Những quyển sách, tờ gấp, tờ rơi miễn phí về các điểm du lịch Bắc, Trung, Nam còn ít và sơ sài. Thông tin đến với du khách chưa được khai thác triệt để qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Sự vươn lên mạnh mẽ của ngành du lịch các nước láng giềng trong khu vực không khỏi khiến chúng ta phải tự nhìn lại ngành du lịch của nước mình để rút ra những bài học nhằm phát huy mạnh mẽ hơn tiềm năng du lịch VN. Vấn đề của ngành du lịch nước ta có lẽ nằm chính ở sự khai thác du lịch nhưng khai thác chưa hiệu quả.
Đầu tư ư? Chúng ta cũng có những dự án dành cho ngành du lịch nhằm bảo tồn các khu phố cổ, xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khu du lịch. Tuy nhiên có thể nói sự phát triển và đầu tư du lịch của nước ta còn thiếu một định hướng thống nhất với những quy hoạch khoa học và bền vững.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận