10/01/2013 05:11 GMT+7

Mái ấm Long Hoa - tình yêu và sự chở che

HUỲNH THỊ THU THẢO (CĐ PT-TH, TP.HCM)
HUỲNH THỊ THU THẢO (CĐ PT-TH, TP.HCM)

AT - “Chỉ khi trở lại nơi đây mình mới có cảm giác được trở về nhà thật sự”, sinh viên Trần Quốc Thái tâm sự.

3oBDpC96.jpgPhóng to
Buổi cơm trưa của các em tại Trường Nuôi dạy trẻ mồ côi Long Hoa

“Đại gia đình” Long Hoa

Chùa Long Hoa tọa lạc tại số 1250/41 (số cũ 60/7) Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM. Được thành lập năm 1902, đến năm 1995 một phần khuôn viên của chùa được xây dựng thành Trường Nuôi dạy trẻ mồ côi. Hiện nay, trường do thầy trụ trì Thích Viên Giác làm hiệu trưởng. Nuôi dạy hơn 100 em nam, 40 em từ 5 đến 14 tuổi, còn lại là từ 14 tuổi trở lên trong đó có 10 anh đang là sinh viên của các trường đại học và cao đẳng trên địa bàn thành phố.

Không chỉ nhận nuôi dưỡng những em có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ không có khả năng chăm sóc, trường còn tạo điều kiện để các em được học văn hóa ở các trường như bao bạn đồng trang lứa khác. Ngoài ra, tại đây còn có một thư viện do Singapore tài trợ để phục vụ cho việc học tập của các em.

Mục tiêu chính là giáo dục văn hóa và đạo đức; giáo dục nghề nghiệp; chăm lo đời sống và chăm sóc sức khỏe.

Trường có các cô (các em ở đây gọi thân thương là má) tự nguyện chăm sóc từ việc nấu ăn, giặt giũ đến tắm rửa. Các chi phí sinh hoạt phần lớn là đóng góp của các P hật tử và nhà hảo tâm, hiện chưa có nguồn tài trợ chính thức.

Còn cha, có mẹ nhưng vẫn là trẻ mồ côi

Không phải tất cả các em tại trường đều là trẻ mồ côi, nhưng số phận không cho họ cơ hội được bên nhau.

“Nó bị khùng đó, đừng có chơi với nó”. Đây là câu nói ở cửa miệng nhiều người khi nói về Phúc - một em bé có mẹ, có ngoại, nhưng chẳng ai muốn nhận nó. Qua lời kể của thầy Hạnh - thầy quản lý tại trường, Phúc được ngoại đem đến đây và bảo rằng “nó bị khùng”, mẹ nó “chửa hoang” và nhờ thầy nuôi dưỡng giúp vì nhà không lo nổi. Ôm em vào lòng mà nghe nồng cái mùi khét nắng, thấy tủi cho thân hình khẳng khiu đầy vết sẹo, ánh mắt ngờ nghệch, nụ cười nửa tỉnh nửa ngây kia không ai tin Phúc đã 6 tuổi.

Dường như không riêng gì Phúc, các em nhỏ khác cũng có trên người những vết sẹo dài trên tay, chân, trên mặt. Đó là vết tích của những quá khứ bên mẹ cha, hay những cái té ngã trong lúc vui chơi, thế nên một đứa trẻ mồ côi lại cần nhiều hơn những bàn tay để chăm sóc, để chở che.

Em Nguyễn Trường Giang - đang là học sinh lớp 11 (quê Đồng Tháp) do ba mẹ khó khăn nên em được gửi vào trường. Đã qua rồi cái thời mặc cảm quá khứ, em tâm sự, không hiểu sao hồi đó đi học mấy đứa trong trường thường hay kiếm chuyện với mình, “cái gì xấu cũng có mình”. Chắc không ngoài em đâu mà còn nhiều đứa trẻ khác, tại trường và bên ngoài xã hội cũng đang gánh chịu tiếng gọi là “đứa mồ côi, không ai dạy bảo” và sự xa lánh, nó sẽ như những vết dao khứa vào tâm hồn trẻ thơ.Nhưng không vì thế mà Giang mặc cảm với bạn bè, với mọi người xung quanh. Để đáp lại tình yêu thương của thầy, má và các anh, Giang luôn là học sinh giỏi ở trường qua nhiều năm học.

Khi tâm sự với chúng tôi về những chuỗi ngày lớn lên tại chùa, anh Trần Quốc Thái hiện là sinh viên năm 4 Trường ĐH Văn Hiến chia sẻ: “Được gửi vào đây lúc 8 tuổi, gắn bó hơn 10 năm tại trường, mỗi năm mình chỉ về thăm quê một lần vào dịp hè, nhưng chỉ khi trở lại nơi đây mình mới có cảm giác được trở về nhà thật sự”. Nụ cười trong sáng, tự tin của anh như truyền cho chúng tôi sự lạc quan, yêu đời và cả sự cảm phục.

Chuyến xe của tình yêu thương

Chúng tôi muốn nói đến những chuyến xe vẫn hằng ngày đưa đón các em đến trường. Lặng lẽ nhưng đầy tình yêu.

Tiền trợ giúp của những nhà hảo tâm, tiền do kinh doanh nước khoáng của chùa gom góp để mua được một chiếc xe tải nhỏ cũ kỹ. Hằng ngày, chiếc xe vừa chở các em đến trường, vừa giao nước, hay đi nhận những hàng người ta cho. Người gắn bó với những chuyến xe ấy là anh Nguyễn Văn Khánh, 29 tuổi.

Chàng trai này có dáng người cao to, nước da đen nhẻm, có nụ cười hiền khô và rất hay gãi đầu lúng túng khi trò chuyện với chúng tôi. Và những thiếu thốn về vật chất thường không cho người ta sự lạc quan, nghèo khó cứ đeo mang không cho sự êm ấm. Mỗi con người đều khao khát có một hạnh phúc riêng, nhưng điều đó với anh dường như là rất khó. “Anh và chị đã từng yêu nhau bốn năm, nhưng gia đình người ta bắt cưới. Anh hổng có tiền nên thôi... Giờ người ta lấy chồng rồi, thỉnh thoảng cũng vô tình gặp, chỉ cười thôi mà chẳng biết nói gì” - anh tâm sự. Rồi tình yêu thương của anh bây giờ dành hết cho những đứa trẻ ở đây.

Khi chúng tôi hỏi các em: “Nếu được cha mẹ nhận về nuôi lại thì em có về không?”, câu trả lời là những cái lắc đầu và những nụ cười của các em. Chúng tôi hiểu, nơi đây đã trở thành mái nhà thân thương, gắn bó của các em, các anh, những người dù đã hay chưa ý thức được cuộc đời và hướng đi của mình.

Những con người, những số phận tưởng chừng như mãi trôi dạt, mãi lênh đênh trong dòng đời không điểm tựa, và giờ, dưới mái nhà Long Hoa như đã tìm thấy cho mình một chốn bình an. Và chúng tôi tin vào một ngày không xa, khi trở lại, sẽ có thêm nhiều trái tim biết yêu thương, chia sẻ và đồng cảm cùng các em.

KkcpOIlM.jpgPhóng to

Áo Trắng số 23 ra ngày 15/12/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

HUỲNH THỊ THU THẢO (CĐ PT-TH, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Mái ấm Long Hoa