Phóng to |
Chúng tôi tính ngày rồi rủ nhau lên núi. Tưởng là đi sớm nhưng núi đầy nhóc người. Từng toán người Kinh thuê những người dân tộc địa phương lùng sục từng góc núi. Những gốc mai bị chặt nham nhở nằm chơ vơ trên sườn núi. Đó là những gốc mai lỡ chặt nhưng không có nụ nhìn giống cây... chổi chà, hoặc những cành mai không có dáng đẹp. Chở về tốn sức, người ta bỏ lại những gốc mai không thể bán được nhiều tiền. Mai bám vào đất núi, bị chặt trốc gốc rồi chết khô trên núi chơ vơ.
Trường đi trước. Quen núi nên Trường đi phăm phăm. Đi hết hai ngọn núi vẫn không tìm thấy một gốc mai. Hầu hết mai đã có chủ. Chỉ còn lại những gốc mai nhỏ, ít nụ, dáng không đẹp. Chúng tôi ngồi nghỉ ở dốc, ngán ngẩm nhìn lại chặng đường vừa đi qua. Chân hai đứa gần như ứa máu. Núi và rừng bạt ngàn. Càng leo lên cao rẫy của người dân tộc càng thưa thớt. Chỉ thấy trên cao là trời, xung quanh là cây và đá núi. Cả hai giống hai con đười ươi, le lưỡi thở vì mệt.
- Đi - Trường bảo.
- Đi đâu nữa bây giờ? - tôi ngán ngẩm.
Trường quyết tâm tìm cho kỳ được một gốc mai đẹp. Chúng tôi leo qua sườn núi khác, rồi leo cao hơn, cao hơn nữa. Mệt và thở. Chiều đã tắt nắng. Mây bắt đầu xuống thấp. Tôi hoa mắt không biết đâu là mai, đâu là cây, đâu là củi khô. Mắt tôi hoa lên vì mệt.
Trường lắc tay, chỉ cho tôi một điều tuyệt diệu. Trước mắt chúng tôi là một gốc mai cổ thụ. Thân mai xù xì những đường vân. Nó mọc khuất trong hang nên dân chặt mai chưa tìm thấy. Đằng sau nó là một gốc mai khác, nhỏ hơn, yểu điệu hơn. Tôi có cảm giác nó là cây... mai đực, còn cây mai đằng sau là... mai cái. Chúng yêu nhau nên mọc cạnh nhau. Và cây mai to lớn chở che cây mai nhỏ.
Còn làm gì nữa? Chặt thôi.
Trường và tôi hì hụi tính toán. Đường về quá xa nhưng kệ, đã đi là phải tìm được mai cho đáng. Hai gốc mai đẹp quá. Ngoài gốc to, xù xì, trên thân còn có một dây leo mảnh khảnh. Nó bám vào hai gốc mai giống như dây tơ hồng se duyên. Thân mai lẽ ra màu xám trắng, nhưng nhờ nước, nhờ cây leo yểu điệu, nhờ cái âm ẩm của hốc núi mà thân mai có màu rêu.
Quả thật, hai gốc mai này đúng là sinh ra để yêu nhau. Chúng lặng lẽ mọc nụ trong cái mênh mông của núi rừng. Những nụ mai cũng mới đẹp làm sao. Hàng hàng nụ lớn nụ nhỏ, nụ chúm chím nây nẩy trên những cành lá nõn. Có nụ đã nở xòe năm cánh mai vàng. Tôi vò tay một bông mà nó không muốn rời cành. Làm sao rời cành được cơ chứ khi thân thể mai đầy sức sống tràn trề.
Trường đã giơ rựa lên. Nhưng không hiểu sao lại hạ xuống. Tôi cũng không muốn giục. Đưa một nhát rựa vào thân mai đã là quá sức huống chi là chặt lia lịa hàng chục nhát cho nó ngã quặp ra. Cái cảnh thân mai đẹp đẽ bị lìa khỏi gốc làm tôi thấy tàn nhẫn. Khoảnh khắc này mai mới tươi tắn, đầy sức sống làm sao. Nó đứng ở núi, hát ca, yêu đương, ca bài ca tự do cùng một gốc mai khác. Vậy mà chúng tôi lại cắm phặp cây rựa vào thân nó, cho nó di cư xuống núi, rồi chết, làm củi khô. Viễn cảnh đó thật đáng thương.
- Chặt nhé - Trường nhìn tôi.
Tôi không gật mà cũng chẳng lắc đầu. Trường giơ rựa lên. Nhanh chóng, hắn bỏ rựa xuống, ngồi thở.
- Chặt hai cây luôn nhé.
Trường lại nhổm dậy, tiếp tục cái việc buồn cười là giơ rựa lên. Rồi hắn uể oải buông rựa, nằm lăn ra dốc núi, thở nhìn trời.
- Đói quá, chặt không nổi. Hay mày chặt đi.
- Có khi nào chúng yêu nhau không?
- Cái gì yêu nhau ?
- Hai gốc mai.
Rồi tôi nói với Trường:
- Tự nhiên mình lại đi chia cắt tụi nó. Chúng là cây cối nhưng cũng có quyền yêu nhau chứ. Sao tụi mình lại tìm đến, chia cắt chúng, rồi làm cho chúng chết khô.
- Tao lạy mày - Trường than - Hồi sáng giờ đi muốn què cái cẳng rồi. Chặt lẹ đi chứ ở đó mà triết lý.
Tôi ngồi lì. Trường cũng nằm lì. Không ai muốn làm cái việc là cắm rựa vào đôi tình nhân mai ấy cả.
- Hai gốc mai này bao nhiêu tiền nhỉ?
- Vài triệu.
Trường sờ sờ tay vào những đường vân, gật đầu.
- Chưa bao giờ tao thấy hai gốc mai đẹp như vậy. Biết đâu năm nay tao và mày có được tình duyên - Trường cười hì hì.
Rồi không ai bảo ai, cả hai nhổm dậy khắc tên mình và tên người vào hai gốc mai. Trường khắc đến ba, bốn cái tên.
- Sao mày khắc nhiều vậy?
- Thì phải khắc hết tên những người mình nhớ. Tao... đa cảm mà.
Tôi khắc tên một người. Một người tôi đã quen, tin rằng đã yêu, nhưng cũng xa xăm và lạ lẫm.
Gần đó chúng tôi nghe tiếng líu ríu. Có một tổ chim sẻ nằm trong gốc mai. Thì ra gốc mai đằng sau có một bộng khá to, đủ cho một tổ chim sẻ trú chân. Chim mẹ đi vắng, trong tổ chỉ có ba con sẻ nhỏ. Chúng chưa mở mắt, kêu líu ríu. Mỏ chúng há ra, dãi nước. Khung cảnh mới tuyệt làm sao. Giữa sườn núi mênh mông, trên là trời, xung quanh cây ngút ngàn, có hai gốc mai và ba chú chim sẻ nhỏ. Một thế giới đẹp trong lòng chúng tôi mở ra, thế giới của thiên nhiên diệu kỳ!
Trường và tôi quyết định không chặt mai. Chúng tôi khắc chữ “love” vào dưới những cái tên rồi rời khỏi núi giống như hai học sinh cá biệt vừa làm một điều thiện. Trên đường xuống núi, cả hai cố không giẫm những gốc mai bị chặt nằm chết khô. Đầu óc chúng tôi cứ nghĩ về hai gốc mai đẹp mà trong đời tìm mai hiếm người được thấy.
Tết!
Những ngày giáp tết là những ngày đi chợ nhìn mai. Cả một rừng mai về phố. Mai trồng trong chậu, mai cắm trên bãi sông. Những người bán mai ăn dầm nằm dề trên phố chăm “đàn mai” của mình. Mai trồng trong chậu đẹp vẻ kiêu sa bởi quen người chăm sóc. Mai rừng, mai núi hoang sơ và kiêu bạc nằm trên bãi sông, vươn dáng khẳng gầy. Cả hai bên cùng khoe sắc vàng. Một bên mai phố tròn xoe cánh mai không suy nghĩ. Một bên mai núi nên e ấp cánh mai buồn. Sắc vàng quá hồn nhiên nên nó cứ lung linh và chói chang trong nắng xuân rực rỡ.
Trường và tôi rủ nhau đi chợ mai. Không chặt được thì mua mai về chơi đỡ. Ghiền quá! Tết năm nào cũng phải có mai. Không có mai không chịu được. Thiếu mai là thiếu tết.
Đi giữa hàng mai tự nhiên lại nhớ hai gốc mai lạ. Có một gốc mai người ta bu lại rất đông, tôi và Trường tìm đến.
- Năm triệu - người bán hét giá.
Những khách mua mai tặc lưỡi, nhưng ít kẻ bỏ đi. Có người cò kè muốn sở hữu. Tôi nhìn gốc mai và điếng người. Trên gốc có tên Trường và... năm nàng con gái. Chữ “love” vẫn còn nguyên. Trường cũng nhìn thấy sự thật tàn nhẫn đó. Hắn điếng người, đứng phỗng mặt ra.
Một thiếu nữ khá đẹp, biết chơi mai đã nhanh chóng mua gốc mai với cái giá trên trời. Gốc mai được đưa lên xe rồi khuất xa trên đường phố. Trường ngẩn nhìn theo. Không biết hắn nhìn mai hay... nhìn người đẹp.
Đó là gốc mai... đực. Còn gốc... mai cái?
Trường và tôi hối hả đi tìm gốc mai còn lại. Chúng tôi muốn nhìn gốc mai cái dù không để làm gì cả. Chúng tôi chỉ muốn nhìn thấy nó truớc khi nó thuộc về ai đó.
- Chú, còn gốc mai nào đẹp cỡ gốc mai cô gái ban nãy mua không? - tôi hỏi.
- Có một gốc. Nhưng người ta mua về cúng chùa rồi.
- Chùa nào?
- Làm sao tôi biết được? Khách nhiều, ai đâu mà nhớ?
Vậy đó? Ráng không chặt mà cuối cùng chúng cũng phải xa nhau. Gốc mai đực về theo một cô chủ xinh đẹp. Gốc mai cái lại nương tựa cửa chùa, sớm sớm chiều chiều nghe kinh Phật. Hai đứa xa nhau rồi. Không biết gốc mai cái có cầu nguyện cho gốc mai đực khi nghe tiếng chuông chùa không?
Nghĩ linh tinh tự nhiên thấy buồn buồn. Tại tụi mày yêu nhau mà tao mới để ở lại. Ai dè số nó vậy. Một kẻ về nhà đại gia, một kẻ nương tựa cửa chùa. Hoàn cảnh vậy không biết tụi mày còn yêu nhau không?
- Thôi mày đừng buồn, biết đâu tên hai đứa mày ở chùa nên sau này có khi thành đôi - Trường an ủi. Ừ ha, tôi quên. Tôi khắc tên tôi và tên nàng lên gốc mai mà giờ đây nó đang ở một ngôi chùa nào đó. Biết đâu trời Phật cho hai cái tên ấy thành đôi.
- Trường ơi, còn tổ chim sẻ?
Câu hỏi của tôi khiến cả hai đều buồn. Chim sẻ ở đâu khi hai gốc mai không còn ở bên nhau nữa ?
- Chắc chúng lớn rồi, bay đi kiếm ăn phiêu bạt giang hồ rồi - Trường nói đại.
Thôi cứ nghĩ như vậy cho bớt nhức đầu. Tết mà! Cứ vui đi.
- Tết này đi các chùa với tao nha - tôi buột miệng.
- Để làm gì?
- Thì để... tìm mai.
Ai đó nói sắc vàng là phản bội. Nhưng tôi lại thấy chúng mang nặng những nỗi niềm. Mai ơi, mai ở đâu, mai có buồn? Mai có điều gì muốn nói? Sao mai không nói mà chỉ lặng im cam chịu? Vì không nói nên mai buồn mãi? Chỉ có mai mới hiểu bí mật của kiếp loài mình? Sống ở núi mà phải về phố, để rồi nhớ mãi cố hương!
Áo TrắngXuân Tân Mão2011 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận