Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn,Mang cả tấm thân gầy mẹ nuôi nấng đàn con.Những ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc,Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không?
Quả thật công lao của cha mẹ vô cùng to lớn. Trong mỗi chúng ta ai cũng đều biết người phụ nữ Việt Nam có những đức tính cao quý từ xưa đến nay như: thủy chung, chịu thương chịu khó, cả đời hi sinh vì chồng vì con, kiên trì nhẫn nại vượt qua bao sóng gió của cuộc đời... Và hôm nay, tôi muốn gửi đến “Nét bút tri ân” hình ảnh má tôi như một lời cảm ơn sâu sắc của một đứa con luôn kính yêu, ngưỡng mộ, tri ân công lao to lớn của má.
Khi nói về má thì quả là một câu chuyện rất dài bởi vì má tôi đã cực khổ, lam lũ từ nhỏ, là con gái thứ tư trong gia đình nông dân có tám người. Từ nhỏ má tôi đã phải chăn trâu, làm nông quanh năm lại còn thêm đi soi cá vào ban đêm. Má phải đi cắt cỏ mướn cho những nhà nuôi ngựa trong làng với đồng lương ít ỏi phụ giúp ông bà ngoại nuôi em.
Cứ ngỡ cuộc đời của má sẽ bước sang trang mới, bớt cực nhọc và sung sướng khi má kết hôn cùng ba tôi, quê ở TP.HCM. Nhưng cuộc sống thăng trầm, má sinh chị Hai được vài tháng thì chị bệnh nặng rồi mất, đến chị Ba cũng không suôn sẻ, chị bệnh ban cua rất nặng, tuy hết lòng chạy chữa nhưng kể từ đó chị không nghe cũng không nói được.
Rồi má sinh anh Tư chỉ nuôi được vài tháng cũng qua đời. Trong khi đó ba tôi vì không muốn đi lính nên đã cắt bỏ hai đốt tay trỏ của bàn tay phải, nhưng như thế ba lại bị khép vào tội phá hoại thân thể và bị bắt đi lao công tù binh. Má tôi vừa phải chăm sóc con thơ bệnh tật vừa buôn bán mọi thứ để trang trải cuộc sống cho gia đình.
Khi chị Năm của tôi vừa biết ngồi, má nhờ bà nội chăm sóc giúp chị Ba, còn má với đôi quang gánh trên vai một đầu để chị Năm ngồi, một đầu là thúng giá đi khắp hang cùng ngõ hẹp rao bán kiếm đồng lời nhỏ nhoi. Cuộc sống vẫn không khá hơn, má chuyển sang bán cá...
Trong nhà có bảy người con, tôi là đứa làm má cực khổ nhất. Từ nhỏ đến lớn tôi thường xuyên đau yếu, bệnh tật khiến má không ăn không ngủ, đứng ngồi không yên. Những lần như thế má đã thức trắng đêm chăm sóc, hơ lửa, đắp mền ủ ấm khi tôi lạnh, chườm khăn khi tôi sốt, ngồi trụ để tôi tựa vào khi tôi khó thở, ôm tôi vào lòng hát ru khi tôi khó ngủ...
Tôi còn nhớ năm tôi 14 tuổi bị bệnh xuất huyết, bác sĩ lắc đầu bỏ cuộc, nước mắt giàn giụa má mang tôi về nhà chạy hết thầy này đến thuốc khác, đến cả thầy nước lạnh, thầy sư nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Khắp người tê buốt, đau nhức không chịu nổi và cơn tức ngực đến nghẹn thở làm tôi lịm đi.
Nhìn tôi đau đớn, má không cầm được nước mắt, má nói: “Má ước chi má bệnh thế được cho con để con không chịu đau đớn như thế này”. Tôi biết tôi đau một nhưng má đau mười, nhìn đôi mắt má xót xa, triều mến, an ủi như muốn nói: “Con cố gắng lên nha con, đừng bỏ cuộc, má luôn ở bên con”. Khi ấy tôi thấy cả một trời yêu thương trong đôi mắt ấy. Tôi đã khóc thật nhiều vì thương má, vì bất lực cho căn bệnh của mình và cũng vì hạnh phúc được là con của má.
Ở hiền thì gặp lành, may mắn thay má tôi gặp một bà thầy thuốc nam, khi nghe má kể lại chuyện của tôi, bà đã hốt thuốc không nhận tiền suốt thời gian dài. Bệnh tình của tôi tạm ổn, má dù bận rất nhiều việc nhưng hằng ngày vẫn đều đặn ba bữa sắc thuốc cho tôi uống, nhìn tôi ngày một khá hơn trong mắt má ngập tràn hạnh phúc.
Sau giải phóng gia đình tôi dời nhà về quê ngoại. Nhà đông con, cộng với kinh tế khó khăn cả gia đình chỉ mong vào chiếc xe ngựa chở khách của ba thì không đủ ăn. Má tôi nhận ruộng của hợp tác xã để làm, nhận nuôi bò thuê cho một người giàu có nhưng tiền công cũng chẳng được bao nhiêu.
Công việc hằng ngày của má bận rộn và cực nhọc, sáng quảy quang gánh lên vai, cùng với chị Năm má cắt cỏ cho bò, ngựa ăn, đi dọc bờ biền hái rau mớp, rau biền, xuống ruộng bắt cá, mò cua... kết hợp với việc chăm sóc một mảnh ruộng sâu: cuốc đất, gieo mạ, nhổ mạ, cấy lúa, nhổ cỏ, bón phân, cắt lúa, đập lúa...
Công việc quần quật từ sáng sớm đến trưa má trở về nhà lo cơm nước và chăm sóc cho chúng tôi đứa ốm đau, đứa còn nhỏ. Xong đâu đó má ăn vội cơm trưa rồi tiếp tục ra đồng cắt cỏ, làm nông... đến tối mịt mới về. Lo cơm tối cho cả nhà xong má còn phải giặt đồ, phụ ba tôi gánh nước phục vụ cho sinh hoạt trong gia đình và cho bò ngựa uống hằng ngày.
Vất vả cực nhọc đến thế nhưng má không hề than van nửa lời. Má chỉ có mong muốn là các con của má được khỏe mạnh, đủ cơm ăn áo mặc, được đến trường như bao bạn bè trang lứa là má hạnh phúc lắm rồi.
Thế nhưng mong muốn và thực tế thường ít song đôi, thửa ruộng sâu đất bạc màu, dù có cố gắng lắm năng suất vẫn thấp, cộng trừ chi phí phân bón, thuốc trừ sâu mỗi mùa thu hoạch đóng thuế cho hợp tác xã xong, lúa mang về nhà chẳng được bao nhiêu nên gia đình càng thêm túng thiếu.
Khoảng những năm 1976-1979 khắp nơi nhà nhà đều ăn độn, ăn bo bo để tạm sống qua ngày, má nấu cơm với một ít là gạo, bên dưới bên trên toàn là khoai mì và khoai lang. Má và ba cùng ông của tôi ăn khoai, phần cơm ít ỏi má chia cho chị em tôi mỗi người một chén ăn cùng với muối tiêu má rang sẵn hoặc một ít cá má bắt được. Tôi thương má lắm, cả một đời má vì chồng vì con chẳng bao giờ nghĩ cho riêng mình, hiểu được điều đó tôi cố gắng thật nhiều, chăm chỉ học tập, phụ giúp má giữ em, cắt cỏ, bắt cá từ khi lên 8.
Má tôi thường mặc những chiếc áo làm từ vải bao cát của Mỹ để tấn ở các lôcốt do chính tay má cắt và may với hai chiếc túi hai bên đựng trầu cau bằng đôi tay rám nắng, nhăn nheo, chai sần vì vất vả. Tôi còn nhớ có lần một ai đó hỏi má tôi vì sao thích mặc những chiếc áo ấy, không chút đắn đo má vui vẻ trả lời: “Nó vừa bền lại thoáng mát và tiện lợi để đựng trầu cau”.
Nhưng hơn ai hết tôi biết, tôi biết vì sao má thích mặc những chiếc áo ấy. Má đã nhường từng manh quần, tấm áo cho các con. Má đã dành hết những gì má có từ trái tim, khối óc, nghị lực, sức khỏe cho chị em tôi.
Rất thương má nhưng tôi không hiểu vì sao bên trong hình dáng nhỏ nhắn đó lại chứa đựng một sức mạnh phi thường đến vậy? Má đã nhịn ăn, nhịn mặc, gánh gồng hết những nặng nhọc thay cho các con, chăm sóc những đứa con bệnh tật trong suốt thời gian dài. Giờ tôi đã hiểu, đó chính là tình thương bao la của má dành cho các con, nghe đơn giản là thế nhưng thật vĩ đại. Đó là tấm lòng của biển.
Giờ đây sức khỏe của tôi đã tốt hơn nhiều, trong đó công lao của má không bút mực nào kể xiết. Tôi mong má sẽ sống lâu để tôi có thể đền đáp phần nào công ơn của má đã hi sinh trọn cuộc đời cho đàn con thân yêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận