* Thừa Thiên - Huế: Hơn 130.000 học sinh vẫn chưa đến trường
![]() |
Người dân Ma Nê cũng còn lúa nhưng không thể xay được vì ngập lũ nên bị thiếu đói - Ảnh Thái Lộc |
Tính đến chiều qua 14-11, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có ba người chết, một người mất tích và ba người bị thương do lũ.
Ngày 14-11, chúng tôi đến vùng rốn lũ Ma Nê. Từ trung tâm xã, con đò máy đưa chúng tôi băng qua một biển nước mênh mông cuồn cuộn chảy. Đây là khu vực cuối dòng sông Ô Lâu đoạn nhập vào phá Tam Giang nên nước dâng rất cao, ruộng đồng ngập sâu hơn 2m.
Thôn Ma Nê có 47 hộ dân, 237 khẩu với 18 hộ nghèo, trong đó có 2 hộ là người già vừa tàn tật vừa neo đơn. Tất cả nhà cửa đều đang ngập sâu trong nước lũ đến hơn 1,5m. Ông Trần Văn Bác thôn trưởng, cho biết: "Tình trạng ngập lụt bắt đầu từ cơn lũ đầu tiên hôm 16 - 10 và cứ ngâm mãi cho đến nay".
![]() |
![]() |
Nước ngập sâu, trường tiểu học Ma Nê trở thành nơi trú ngụ của 47 hộ dân từ một tháng nay. Ảnh: Thái Lộc | Từ một tháng nay, những em nhỏ vùng rốn lũ Ma Nê, Phong Chương, Phong Điền, Thừa Thiên - Huế không thể đến trường được. Ảnh: Thái Lộc |
![]() |
Cho dù được ngành y tế huyện cấp hóa chất và hướng dẫn cách làm nước sạch nhưng người dân vẫn hoang mang trước dịch bệnh - Ảnh Thái Lộc |
Bà Võ Thị Bi than thở : "Nhà cửa tạm bợ, phên ván mục, sườn nhà rệu rã, dễ đổ lắm nếu tiếp tục ngâm nước!". Từ một tháng nay, toàn bộ 47 hộ dân sống tập trung tại trường tiểu học Ma Nê, công trình kiên cố duy nhất trong thôn. Tất cả các hộ đều đã cạn kiệt nguồn lương thực và chất đốt dự trữ.
"Toàn xã Phong Chương có 1644 hộ với 7763 khẩu thì đã có đến 35% dân số đang thiếu đói, cho dù chính quyền đã hỗ trợ một phần. Có 165 hộ đang ngập rất sâu và thiệt hại cần cứu trợ khẩn cấp. Đặc biệt, 1427 học sinh các cấp phải nghỉ học từ cả tháng nay vì hệ thống trường học đều bị ngập sâu trong nước!" - ông Lê Viết Dân, phó chủ tịch UBND xã Phong Chương. |
Thiếu ăn đã đành, hơn 60 học sinh trong thôn đều phải nghỉ học từ một tháng nay, Trường THCS Phong Chương ngập hơn nửa mét trong nước. Trường tiểu học cao ráo nhất cũng không thể tiếp tực năm học vì thầy giáo không đến được.
Nhưng nghiêm trọng nhất là thôn Ma Nê không còn một giọt nước sạch nào. Manê là thôn duy nhất trong xã chưa được đầu tư hệ thống nước vì nằm quá xa các cụm dân cư khác.
Ngày thường, tất cả đều dựa vào nước sông Ô Lâu. Lũ đến, người ta phải lấy chính… nước lũ để ăn uống và sinh hoạt. Ông thôn trưởng Nguyễn Văn Bác lo lắng "Ngành y tế cung cấp đầy đủ hóa chất xử lý, nhưng bao nhiêu con người đang phải sinh hoạt trực tiếp trên nước lũ, lại đang có dịch tiêu chảy cấp nên không ai dám chắc dịch bệnh không đến đây". .
--------------------------
Mực nước trên các sông Hương và sông Bồ đã xuống còn trên mức báo động II, nhưng trên sông Ô Lâu nước vẫn giữ mức rất cao, trên mức báo động III 0,14m. Hàng loạt các xã ven sông Ô Lâu thuộc huyện Hải Lăng, cực nam của tỉnh Quảng Trị và huyện Phong Điền, cực bắc tỉnh Thừa Thiên - Huế đang chìm rất sâu trong nước, có nơi gần 2m.
Hàng nghìn hộ dân ở những xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương, Điền Hương (Phong Điền) bị cô lập hoàn toàn do nước lũ. Nhiều xã vùng trũng và ven đầm phá thuộc các huyện Hương Thủy, Phú Vang, Hương Trà và Quảng Điền vẫn ngập rất sâu.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế cho biết vẫn còn khoảng 50% số trường trên toàn tỉnh với hơn 130.000 học sinh vẫn đang nghỉ học vì nước còn ngập sâu. Cũng trong ngày qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã đến thăm bà con vùng đang ngập lũ của huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận