30/04/2012 03:35 GMT+7

Má hồng giữ nước

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TT - Tối 28-4, vở cải lương lịch sử Má hồng soi kiếm bạc (tác giả: NSND Thanh Tòng, đạo diễn: NSƯT Kim Tử Long) do Trung tâm truyền hình cáp HTVC phối hợp với nghệ sĩ Kim Tử Long thực hiện đã chính thức ra mắt tại rạp Thủ Đô, TP.HCM.

cH1N3rNp.jpgPhóng to
NSƯT Kim Tử Long (vai Đinh Vạn Ứng) và Quế Trân (vai Triệu Thị Trinh) trong vở Má hồng soi kiếm bạc - Ảnh: Anh Khoa

Vở diễn về nữ tướng anh hùng Triệu Thị Trinh đã đem lại một “phong vị” đặc biệt cho khán giả cải lương trong những ngày cả nước đang chào mừng 37 năm ngày thống nhất đất nước.

Với bản dựng khác bản dựng cũ khoảng 50%, đạo diễn Kim Tử Long cho biết anh đưa nhiều tình tiết mềm mại, nhẹ nhàng vào vở để tránh sự cứng nhắc, giúp người xem dễ cảm với một vở diễn lịch sử, khiến “hình ảnh nữ tướng Triệu Thị Trinh không chỉ oai phong, lẫm liệt mà còn rất nữ tính, trữ tình”. Có lẽ vậy mà trong đêm ra mắt, Má hồng soi kiếm bạc khá dễ xem với nhiều khán giả.

Có những khoảnh khắc khiến người xem dâng trào niềm xúc động như đoạn Triệu Thị Trinh phải gác lại tình riêng để về hỏi tội Triệu Quốc Đạt (vì lầm tưởng anh mình theo giặc), cảnh luyến lưu với Đinh Vạn Ứng (nhân vật hư cấu - là người rất yêu Triệu Thị Trinh) vì “khi trời Nam không còn bóng giặc thì chuyện riêng mình mới dám mộng dám mơ”, hay khi thủ lĩnh Núi Nưa cưỡi voi dữ cùng nghĩa binh rùng rùng tiến lên phía trước trong tiếng thét khẳng định chủ quyền: “Cờ chính nghĩa vươn cao, ta nói với chúng rằng Đại Việt sẽ trường tồn vĩnh cửu!”...

Ngồi thật im trong phút lắng đọng đầy cảm xúc, anh Quốc Nam - nhà ở quận 6 - chia sẻ: “Coi vở này tự nhiên thấy niềm tự hào dân tộc “chảy rần rần”, thấy mình thêm yêu nước mình”.

Tuy nhiên, cũng có những khán giả không hài lòng với cách xưng hô “anh”, “em”, “chị dâu”, “cô Ba”, hay như nhân vật Triệu Quốc Đạt chưa thuyết phục được người xem ở đường dây xây dựng nhân vật. Về điều này, NSƯT Trần Minh Ngọc cho rằng: “Nếu làm vở diễn từ chuyện của Trung Quốc thì có thể dùng huynh, muội, đại tẩu... nhưng nếu làm cho khán giả VN thì cũng nên thay đổi cho phù hợp với người Việt. Quan trọng là khán giả hiểu được mối quan hệ giữa các nhân vật. Trong thời điểm hiện nay, theo tôi, Má hồng soi kiếm bạc là vở diễn lịch sử xem được, các nghệ sĩ đều có thái độ làm nghệ thuật nghiêm túc, cách dàn dựng vở sạch sẽ và cảnh trí khá đẹp mắt”.

Má hồng soi kiếm bạc được NSND Thanh Tòng viết vào năm 1976. Đây là tác phẩm cải lương tuồng cổ đầu tiên ông viết dựa trên lịch sử VN sau một thời gian viết các vở diễn từ tích Trung Hoa. Nghệ sĩ Thanh Tòng tâm sự: “Sau ngày giải phóng, sân khấu có vở Tiếng trống Mê Linh, tôi nhận thấy lịch sử dựng nước và giữ nước VN còn rất nhiều hình ảnh đẹp của các trang nữ lưu, vì thế tôi đã bắt tay viết Má hồng soi kiếm bạc như một cách muốn nối tiếp lịch sử giữ nước và yêu nước của dân tộc.

Thời gian đó tôi bị tai nạn nằm liệt giường gần cả năm. Nỗ lực viết vở diễn cũng là nỗ lực để tôi vượt qua nghiệt ngã của số phận. Nhưng lạ lùng thay, hình ảnh sáng ngời của nữ tướng họ Triệu, cái chữ nhẫn mà anh em Triệu Quốc Đạt - Triệu Thị Trinh luôn ghi khắc trong công cuộc chống đuổi quân Ngô xâm lược càng tiếp thêm cho tôi nhiều nghị lực...”.

Bản dựng mới lần này của Má hồng soi kiếm bạc có sự tham gia của các nghệ sĩ: Kim Tử Long, Quế Trân, Hữu Quốc, Trinh Trinh, Đào Vũ Thanh, Ngân Tuấn, Thy Phương, Tuấn Phương... Vở sẽ diễn thêm một đêm vào tối 12-5 tại Nhà hát TP.HCM để ghi hình và phát sóng (chia làm hai tập) trên kênh Thuần Việt.

Trung tâm truyền hình cáp TP.HCM - HTVC từ giữa năm 2010 đã xây dựng chương trình cải lương phát trên kênh Thuần Việt với tiêu chí lựa chọn những vở diễn kinh điển nổi tiếng, được đầu tư tốt, đem đến cho khán giả những khoảnh khắc đẹp của sân khấu cải lương. Tính đến nay chương trình đã dàn dựng được các vở Tần nương thất, Bên cầu dệt lụa, Trúng độc đắc và nay là Má hồng soi kiếm bạc. Trong đó, có vở được đánh giá cao như Tần nương thất, nhưng cũng có vở được người quan tâm “lượm” kha khá sạn như Bên cầu dệt lụa. Nhưng so với mặt bằng chung của sân khấu cải lương thời gian qua, những vở diễn trên ít nhiều đều có dấu ấn riêng.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên