20/03/2016 09:49 GMT+7

Mã hóa án lệ hay không?

HOÀNG ĐIỆP (hoangdiep@tuoitre.com.vn)
HOÀNG ĐIỆP (hoangdiep@tuoitre.com.vn)

TT - Nhiều chuyên gia cho rằng việc mã hóa án lệ là không cần thiết bởi tất cả các bản án này đều đã được tòa xét xử công khai.

Ông Trương Hòa Bình, chánh án TAND tối cao (giữa), trao đổi với các đại biểu tham dự hội thảo - Ảnh: Tự Trung
Ông Trương Hòa Bình, chánh án TAND tối cao (giữa), trao đổi với các đại biểu tham dự hội thảo - Ảnh: Tự Trung

“Đọc các bản án mẫu này, tôi thấy hội đồng xét xử rất khổ khi lựa chọn những căn cứ để bênh vực người yếu thế, như chuyện Việt kiều gửi tiền về Việt Nam nhờ mua nhà rồi bị chiếm đoạt dẫn đến tranh chấp. Tôi nghĩ có nhiều thẩm phán tuyên các bản án xong thì không thể nào ngủ được khi tìm ra căn cứ pháp lý trong sự nhập nhằng, hỗn loạn của pháp luật

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa

Mã hóa án lệ hay không; bản án có cần được biên tập trước khi công nhận là án lệ hay không... là những vấn đề đã được tranh luận trong buổi hội thảo lấy ý kiến đối với 35 bản án, quyết định được chọn là nguồn để phát triển án lệ do TAND tối cao tổ chức ngày 19-3 tại TP.HCM.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng việc mã hóa án lệ là không cần thiết bởi tất cả các bản án này đều đã được tòa xét xử công khai. Tuy nhiên, luật sư Trương Trọng Nghĩa (đại biểu Quốc hội) lại cho rằng có nhiều lý do cần thiết để nên mã hóa án lệ.

Không nên quan tâm đến thông tin cá nhân

Theo luật sư Trương Trọng Nghĩa, bản án dù được xét xử công khai nhưng khi nêu rõ ràng tên tuổi, địa chỉ của đương sự liên quan đến bản án để phát hành thành sách thì rất có thể có tác động xấu đến các đương sự, hoặc án lệ được phát hành công khai sẽ ảnh hưởng xấu đến người thân, gia đình, con cái của những đương sự được nêu tên trong bản án.

“Kinh nghiệm của các nước là giữ nguyên tên đương sự vì án xử công khai, riêng tôi cho rằng nên mã hóa tên và địa chỉ của đương sự, bởi đây là vấn đề đã qua rồi. Việc mã hóa này không ảnh hưởng đến nhận thức của án lệ” - ông Nghĩa nói.

“Có ý kiến cho rằng thẩm phán, luật sư và hội thẩm nhân dân chỉ xem xét các nguyên tắc, đường lối xét xử, giải thích pháp luật đã được áp dụng trong án lệ chứ không nên quan tâm đến thông tin cá nhân của đương sự trong án lệ.

Tôi cho rằng cần giữ nguyên các tình tiết của vụ án, bởi các tình tiết này rất quan trọng để hiểu, đánh giá và áp dụng án lệ. Nghĩa là nên giữ nguyên văn phần trích dẫn án lệ” - ông Nghĩa góp ý thêm.

Tranh luận về ý kiến của ông Trương Trọng Nghĩa, luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn luật sư TP.HCM) khẳng định việc sử dụng tên thật của các đương sự trong án lệ là không vi phạm pháp luật, bởi vậy không cần thiết mã hóa án lệ làm gì.

Cùng quan điểm với bà Trương Thị Hòa là PGS.TS Phạm Duy Nghĩa (Trưởng khoa luật Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) và PGS.TS Đỗ Văn Đại (trưởng khoa luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM).

TS Đại kể ra sự bất tiện khi mã hóa các bản án, quyết định giám đốc thẩm, chẳng hạn: có ba người tên Nghĩa, Nhân, Nam trong một bản án, "nếu viết tắt hết thì người đọc, sinh viên, người nghiên cứu không thể nào hiểu được, rối tinh hết cả".

Vì vậy, theo ông, đã xét xử công khai thì cứ công khai tên tuổi.

Biên tập hay không biên tập bản án?

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa cho rằng phải có một đơn vị biên tập, chịu trách nhiệm xuất bản lại cho phù hợp hơn với mục đích phát triển từ án mẫu, án chọn thành án lệ.

Ông cho rằng do nhu cầu cần thiết của sinh viên, giáo viên, nhà nghiên cứu, giới luật sư, thẩm phán... đối với án lệ nên TAND tối cao hoàn toàn có thể xuất bản án lệ để bán. Do đó, cần cẩn trọng trong khâu biên tập để có được bản án hoàn chỉnh.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa thì nói rằng cần thiết phải giữ nguyên mẫu bản án chứ không thể biên tập. Bởi, căn cứ và cách giải thích pháp luật của mỗi bản án, quyết định chính là yếu tố quan trọng thể hiện trình độ của các thẩm phán, chính vì vậy nên bản án mới được lựa chọn.

Tuy nhiên, chia sẻ với ông Phạm Duy Nghĩa, ông Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng TAND tối cao nên chuẩn hóa năng lực soạn án văn của các thẩm phán.

“Bởi sản phẩm của thẩm phán là án văn. Tôi đọc các án văn ở nước ngoài thấy các án văn đó cực kỳ hay và xuất sắc. Hiện nay án văn của ta còn sơ lược, thậm chí có những câu đọc mà không hiểu thẩm phán muốn thể hiện điều gì” - ông Trương Trọng Nghĩa nói.

Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình cho rằng: Việc lựa chọn và xây dựng, áp dụng án lệ là một trong những nhiệm vụ mới, quan trọng mà Hội đồng thẩm phán TAND tối cao và chánh án TAND tối cao phải thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, trong bối cảnh đòi hỏi của người dân và xã hội đối với công tác tòa án ngày càng cao;

Những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án đang gia tăng cả về số lượng và mức độ phức tạp; nhiều quy định của pháp luật còn chưa rõ; còn có những vấn đề chưa được pháp luật quy định cụ thể.

Việc áp dụng án lệ trong các phán quyết của tòa án chính là phương thức hiệu quả để khắc phục các khiếm khuyết của pháp luật, bảo đảm việc áp dụng pháp luật thống nhất trong xét xử.

“Trong bối cảnh nước ta đang tích cực đổi mới trên nhiều lĩnh vực, hội nhập quốc tế thì việc áp dụng án lệ trong xét xử sẽ góp phần nâng cao năng lực của tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự, thương mại, đặc biệt là những tranh chấp có yếu tố nước ngoài, bảo đảm các phán quyết của tòa án công khai, minh bạch, thống nhất, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế - đây là yêu cầu cấp thiết để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, củng cố niềm tin nhằm thu hút tối đa đầu tư nước ngoài tại Việt Nam” - ông Trương Hòa Bình nói.

Chọn 10-15 bản án mẫu thành án lệ

Đó là ý kiến của ông Trương Hòa Bình - ủy viên Bộ Chính trị, chánh án TAND tối cao. Ông Bình cho rằng góp ý của các đại biểu về việc có mã hóa án lệ hay không sẽ được bàn bạc và tiếp thu.

Sắp tới sẽ có hai tập sách được phát hành, đó là cuốn sách in các quyết định giám đốc thẩm và cuốn về các án lệ. Để phát triển án lệ, mỗi quý TAND tối cao sẽ tổ chức hội nghị về án lệ một lần. Dự kiến quý 2-2016 sẽ có tập án lệ đầu tiên.

HOÀNG ĐIỆP (hoangdiep@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên