![]() |
Minh họa: Ngô Vũ Hà My |
Tôi vẫn không quên năm 7 tuổi, cái ngày mà chiếc xích lô chở tôi và ba mẹ từ bến xe dừng trước căn hộ tầng trệt chung cư ở quận 11, má Hai mừng rỡ, hối hả chạy ra đón chúng tôi.
Mẹ tôi kể má Hai không lập gia đình, chẳng có ai thân thích nên sau giải phóng tìm lại đồng đội và nhận ba tôi làm anh trai, xem ba chị em chúng tôi như con ruột. Ba mẹ tôi đồng ý cho tôi lên làm con nuôi để bầu bạn với má và học hành cao hơn. Phải vài tuần sau tôi mới gọi má được hai tiếng “má Hai”.
Buổi sáng, má dậy sớm chuẩn bị bữa ăn sáng xong xuôi rồi mới đánh thức tôi dậy rửa mặt, ăn sáng trước khi tới trường. Buổi trưa, má qua trường rước tôi chở thẳng đến bệnh viện vì tới giờ má trực. Hai má con cùng ăn cơm chung trong cái cà mèn do bếp ăn tập thể bệnh viện phát. Chỉ hơn chén cơm và chút xíu thịt cá nhưng lúc nào má cũng dành phần nhiều cho tôi.
Ngủ trưa dậy, tôi ngồi một mình trong phòng riêng của má ôn bài. Các cô y tá, bác sĩ vô phòng kiếm má, thấy tôi luôn khen: “Con gái chị Hai siêng học quá!”.
Bình thường má cưng chiều tôi, nhưng tới chuyện học hành là má Hai thiệt nghiêm khắc. Những bài tập tôi bị điểm thấp đều khiến má giận rất lâu. Sau đó má giải tỉ mỉ cho tôi hiểu bài, bắt tôi làm đúng mới thôi. Má bảo: “Hồi xưa ba mẹ con và cả má đều thèm học lắm. Đến lúc lớn tuổi, mọi người mới biết học bao nhiêu cũng không đủ. Con còn trẻ phải cố gắng học nhiều, con nhé!”.
Má Hai dồn sức nuôi tôi ăn học. Tôi không chỉ học chữ mà còn được học tiếng tiếng Anh, nhạc và cả vẽ nữa. Những đêm trực cơ quan, má lại dẫn tôi đến bệnh viện. Tôi được ngủ trên cái giường sắt nhỏ, đắp chiếc áo blouse trắng phảng phất mùi cồn, mùi mồ hôi của má.
Thỉnh thoảng, ba lại đón xe đò lên thành phố thăm tôi, ba xách theo con gà, vài con cá hay chục quýt, chục xoài chín thơm phức. Ba hồ hởi khoe với má: “Mẹ nhỏ Hân gửi lên cho hai má con bồi dưỡng đó!”. Má Hai tất tả xách giỏ đi chợ mua rau cải về nấu canh chua, kho cá đãi hai cha con tôi. Ba tôi nhấm nháp vài giọt rượu và luôn miệng kể chuyện chiến đấu, chuyện đồng đội..., còn má Hai chỉ mỉm cười gật đầu.
Nhưng khi ba tôi về quê rồi, má lại ngồi lật mấy album hình đã vàng úa ra coi mà nước mắt lưng tròng.
Một lần khác ba lên, lúc chuẩn bị về thì bị bệnh nên đêm đó ba phải ngủ lại. Nửa đêm tôi ra phòng khách uống nước chợt thấy má Hai gục đầu trên vai ba tôi khóc. Bàn tay gầy guộc của ba vuốt nhẹ mái tóc chớm bạc của má. Khi quay lại, bắt gặp ánh mắt kinh hoàng của tôi, má Hai như khuỵu xuống.
Sáng hôm sau ba lẳng lặng đi về không lời từ biệt. Tôi cũng gom quần áo bỏ nhà đi cho lòng thanh thản. Khi tôi bước ra cửa, má bỗng gọi yếu ớt: “Hân ơi, con tính bỏ má đi thiệt sao?”. Tôi bước chậm nghe má nói tiếp: “Ngày xưa, ba con với má Hai thương nhau và cùng sống chết cả chục năm ở chiến trường. Khi chiến tranh đi qua, biết không thể sinh con nên má quyết sống một mình. Giữa má với ba con bây giờ chỉ là tình cảm của những người bạn chiến đấu thôi…”.
Mặc cho má van xin, tôi vẫn quyết không ở lại.
Cả nhà tôi chia nhau đi tìm kiếm tôi khắp nơi nhưng phải sáu tháng sau mới gặp được. Nghe mẹ tôi kể hết câu chuyện ngày xưa, tôi bàng hoàng vì vô tình đã làm má khổ đau. Tôi cố gắng chạy vội về để xin má tha tội… nhưng tất cả đã muộn màng rồi. Vết thương chiến tranh hành hạ, má trút hơi thở cuối cùng nhưng vẫn nắm chặt tay tôi, như lúc má van xin tôi hãy tin lời má nói.
Tuy má không sinh nhưng là người dưỡng dục, thương yêu tôi hết mực. Nếu tôi chịu tin lời má hoặc giữ kín chuyện đó trong tim thì có lẽ hôm nay tôi không phải dằn vặt, khổ đau. Má ơi, hãy tha thứ cho con, chỉ một lần thôi nha má!
Áo Trắngsố 3 (số 89 bộ mới) ra ngày 15/02/2011hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận