31/08/2009 08:03 GMT+7

Lý Sơn - nơi đầu sóng ngọn gió - Kỳ 2: Vì nước quên thân

QUÝ CẦU - KIM EM
QUÝ CẦU - KIM EM

TT - Chỉ rộng 10km2 với dân số chừng hai vạn người, song huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có đến gần 100 di tích. Trong đó có nhiều di tích lịch sử về đội Hoàng Sa một thời giong buồm ra khơi giữ gìn chủ quyền biển đảo cho quốc gia. Câu ca "Hoàng Sa trời nước mênh mông. Người đi thì có mà không thấy về. Hoàng Sa mây nước bốn bề. Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa" như nhắc nhở hậu thế ghi nhớ công ơn của những chiến sĩ vì nước quên thân.

Lý Sơn - nơi đầu sóng ngọn gió - Kỳ 2: Vì nước quên thân

1a8PqJ70.jpgPhóng to
Tượng đài đội Hoàng Sa - Bắc Hải vừa xây dựng xong trước Bảo tàng Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn - Ảnh: Kim Em

Những hùng binh Hoàng Sa

Trong Đại Nam thực lục chính biên của Quốc sử quán triều Nguyễn có ghi: “Tháng giêng năm Ất Hợi (1815), sai bọn Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra đảo Hoàng Sa xem xét đo đạc thủy trình...”. Mới đây, vào tháng 3-2009, ông Đặng Lên ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải đã cung cấp cho ngành văn hóa - thông tin tỉnh Quảng Ngãi bản gốc về sắc chỉ của vua Minh Mạng vào ngày 15-4 năm Minh Mạng thứ 15, tức năm Ất Mùi 1835, ghi rõ: “Giao cho ông Võ Văn Hùng ở Lý Sơn chọn những người bơi giỏi và khỏe mạnh để gia nhập đội thuyền, giao cho ông Đặng Văn Siểm (thuộc dòng họ đang giữ sắc chỉ) làm nhiệm vụ dẫn đường và giao cho ông Võ Văn Công phụ trách hậu cần”.

Sắc chỉ này thêm một lần làm sáng tỏ chuyện người dân Lý Sơn được triều đình nhà Nguyễn giao nhiệm vụ trông coi Hoàng Sa. Trong Việt sử thông giám khảo lược, đến năm 1876 quân Pháp xâm lược uy hiếp vùng biển VN nên hải quân VN mới bị ngưng trệ, đội Hoàng Sa bị bãi bỏ. Như vậy trải qua hơn bốn thế kỷ, đội Hoàng Sa được hình thành và giữ trọng trách lớn lao trong việc bảo vệ chủ quyền của đảo Hoàng Sa.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Quảng Ngãi, cho biết từ khi triều Nguyễn thành lập đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải, hằng năm đến ngày 16-3 tại Lý Sơn đều tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Khi đội Hoàng Sa bị giải thể, lễ này vẫn cứ diễn ra nhưng không còn mang ý nghĩa thế mạng nữa mà chỉ còn là lễ tế lính Hoàng Sa. Song ở địa phương vẫn còn gọi theo tên cũ là khao lề thế lính chứ không gọi là khao lề tế lính.

Ông Nguyễn Từ, 78 tuổi - người trông nom Âm Linh tự, nơi thờ những chiến binh Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn - kể: “Từ nhỏ tôi đã được ông nội và cha kể chuyện về những trai tráng ở trên đảo được ra coi ngó Hoàng Sa theo lệnh vua. Mỗi lần ra khơi theo chiếu vua ban, lính Hoàng Sa được mang theo sáu tháng lương thực, nước uống, một chiếc chiếu, một đòn tre cùng một thẻ bài nêu rõ danh tính quê quán. Họ ra khơi bằng ghe bầu, lại chèo bằng tay nên rất hay bị bão biển nhấn chìm hoặc cá lớn ăn mất xác. Hai câu ca Mãn mùa tu hú kêu thanh. Cá chuồn đã vãn sao anh chưa về đến nay vẫn là lời ru buồn truyền kiếp trên đảo Lý Sơn”.

Chính vì ra khơi gặp nhiều rủi ro bất trắc nên để những người lính Hoàng Sa lên đường đi làm nhiệm vụ yên lòng, cư dân đất đảo tổ chức lễ khao lề thế lính. Những chiếc ghe bầu giả, đáy ghe làm bằng thân cây chuối, thân bằng tre có giấy điều dán kín. Trong khoang lái có bốn hình nhân làm bằng giấy điều hoặc bằng rơm. Trên thuyền có đặt linh vị của người lính Hoàng Sa.

Trong lễ khao lề, pháp sư khấn vái bà Thủy Long gửi linh hồn người chết về cho tổ tiên và linh hồn người sống vào hình nhân thế mạng cho thuyền giả trôi ra biển để họ yên tâm lên đường làm nhiệm vụ. Đội Hoàng Sa đi làm nhiệm vụ bao giờ cũng cần có hiệu lệnh để liên lạc với nhau. Ở vùng biển khơi người ta lấy con ốc u làm hiệu lệnh liên lạc và cũng là lời chào nhau khi đội Hoàng Sa xuống ghe từ biệt đất liền đi làm nhiệm vụ trên đảo, chính vì vậy nên trong lễ khao lề thế lính Hoàng Sa giữa dàn kèn trống bao giờ cũng có người thổi ốc u. Ông Nguyễn Tín - ở thôn Đông, xã An Hải, người thổi ốc u ở Âm Linh tự - nói: “Dòng họ mình có ông Phạm Quang Tám từng tham gia đội Hoàng Sa. Biết đâu trước biển khơi sóng gió, tiên tổ của mình đã chào từ biệt đồng đội, từ biệt biển trời Tổ quốc bằng tiếng ốc u”.

Ông Nguyễn Từ cho hay ở Âm Linh tự, xuân thu nhị kỳ đều có tế lễ. Đó là cúng rằm tháng giêng, đến 16-3 tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, trung thu 15-8, 26-10 tổ chức lễ Hoàng Nguyện - lễ tạ của ngư dân làm ăn trong năm. Dịp tết thì 24 tháng chạp lo lên phướn, trong ba ngày tết tổ chức lễ cúng bái từng ngày.

hhwujP44.jpgPhóng to
Ông Phạm Thoại Tuyền - hậu duệ đời thứ tư của suất đội trưởng Phạm Hữu Nhật - thắp nhang trước ngôi mộ gió của ông Phạm Hữu Nhật trong ngày lễ khao lề thế lính Hoàng Sa - Ảnh: Minh Thu

Hình nhân và những ngôi mộ gió

Đi dọc trên đảo Lý Sơn có những ngôi mộ gió được làm theo kiểu u hồn đắp nấm, đó là mộ của cai đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật, Phạm Quang Ảnh. Người hiện nay vẫn âm thầm làm công việc làm phúc là nặn những hình nhân bằng

đất sét là ông Võ Văn Toại, tuổi đã ngoài thất thập với mái tóc trắng phau màu thời gian mà dân trên đảo gọi một cách kính cẩn là ông thầy cúng. Mấy chục năm nay, ngày ngày ông Toại lặng lẽ lên núi Giếng Tiền đào đất về nặn hình nhân, như để phần nào làm vơi đi nỗi đau mất người thân của cư dân trên đảo.

Ông Toại kể rằng việc nặn tượng thay hình người chết rất công phu. Ông phải lên đỉnh núi Giếng Tiền, là miệng núi lửa đã tắt từ hàng triệu năm trước, để lấy đất sét, số lượng đất sét phải đủ để đắp một hình nhân có kích thước như người thật. Cũng chính vì lý do dùng đất sét nặn hình người chết mà từ xưa đến nay người dân đảo Lý Sơn không bao giờ dùng đất sét làm nhà. Tượng nặn xong thì được mặc quần áo, đồ liệm giống như người thật, linh vị đặt trên mặt, khiêng đặt vào quan tài rồi làm lễ triệu vớt linh hồn, cúng cô hồn

trên biển xong mới tổ chức lễ nhập cốt. Một cỗ thuyền mô hình với những mâm lễ được thả xuống biển cúng linh hồn cùng các vị thần ngự ngoài biển khơi. Cúng chiêu hồn xong, người ta tin rằng linh hồn người chết mất xác đã trở về nhập vào hình nhân để an nghỉ, phù hộ cho những người thân còn sống. Quan tài được đặt xuống huyệt và lấp đất, đắp mồ. Ngày giỗ, người thân ra mộ thắp hương, lễ thanh minh cũng đi tảo mộ như những ngôi mộ khác. Theo ông Toại, tục đắp mộ gió của người dân trên đảo có cách đây hơn 200 năm. Những ngôi mộ gió đầu tiên trên đảo là mộ của cai đội Phạm Quang Ảnh cùng với 24 lính của hải đội Hoàng Sa.

Gia phả của họ Phạm ở Lý Sơn ghi rằng ngày ấy cai đội Phạm Quang Ảnh cùng 70 suất lính với năm chiến thuyền làm nhiệm vụ canh giữ vùng biển và đo đạc thủy trình, tìm kiếm, khai thác những sản vật quý cung tiến triều đình. Rồi một lần cai đội Phạm Quang Ảnh cùng hải đội của mình gặp bão biển và không trở về. Vua Gia Long thân chinh ra tận Lý Sơn làm lễ chiêu hồn cho các tử sĩ. Trong đoàn tùy tùng phục vụ lễ chiêu hồn có một thầy phong thủy nổi tiếng nhất thời bấy giờ, thầy phong thủy sai dân chúng lên núi Giếng Tiền lấy đất sét về nhào nặn cho nhuyễn, rồi tự tay ông nặn đất thành hình 25 người đã chết. Ông cứ nặn đến khi nào những người thân thấy giống người chết mới thôi.

Nặn xong 25 tượng đất của hải đội, ông lập đàn cúng chiêu hồn ròng rã suốt đêm, gọi linh hồn các tử sĩ nhập vào tượng đất, rồi đem an táng như người chết bình thường, cũng quần dài, áo the, khăn xếp, cũng quan quách đầy đủ. Cai đội Phạm Quang Ảnh được chôn đầu tiên, sau đó là 24 lính, xếp thành một hàng gồm 25 ngôi mộ. Thời gian và gió mưa đã làm các ngôi mộ bị hư hại nên cư dân trên đảo đã đắp 25 ngôi mộ riêng biệt thành một ngôi mộ lớn, dài hơn chục mét như hiện nay.

________________________

Người dân Lý Sơn từ lúc mới cất tiếng khóc chào đời đã nghe tiếng sóng biển trong lời ru của mẹ. Lớn lên họ bơi lội trong sóng nước và trở thành những Yết Kiêu, giong thuyền quăng lưới ra khơi xa, đến khi nhắm mắt xuôi tay đầu cũng quay về hướng biển.

Kỳ sau: Sống chết cùng với biển

QUÝ CẦU - KIM EM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên