Nhà thi đấu Việt Trì trống vắng khán giả trong trận đấu giữa hai đội Bến Tre và Long An ở vòng 1 Giải bóng chuyền VĐQG 2015 - Ảnh: Nam Khánh |
Đó là câu chuyện của phần lớn VĐV dù bóng chuyền VN đang có 24 CLB (12 nam, 12 nữ) tham gia Giải vô địch quốc gia.
Số lượng CLB quá nhiều, thế nhưng phần lớn CLB đều ở tình trạng khó khăn về kinh tế. Dù đang chơi ở Giải vô địch quốc gia nhưng lương của nhiều VĐV chỉ khoảng 1-2 triệu đồng/tháng. Chưa hết, họ thường xuyên đối mặt với mối lo CLB bị giải thể vì thiếu kinh phí hoạt động.
Tuyển thủ quốc gia Lê Quang Khánh (CLB Long An), VĐV từng ba lần tham dự SEA Games, cho biết lương của anh chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng. Với số tiền này anh không đủ tiền trang trải chi phí cá nhân chứ chưa nói tới việc nuôi đứa con sắp sửa chào đời.
“VĐV chúng tôi chỉ ước mơ có đủ tiền để nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình. Là đàn ông đã 28 tuổi, chuẩn bị có con đầu lòng nhưng thu nhập như vậy tôi không biết làm sao nuôi nổi con. Làm nghề gì cũng mong sống được bằng nghề đó, nếu không đủ tiền sống thì tôi phải bươn chải công việc khác để mưu sinh” - Quang Khánh tâm sự.
Nỗi buồn của Khánh cũng là nỗi buồn chung của hàng trăm VĐV khác. Thậm chí các VĐV của CLB bóng chuyền Bến Tre mỗi tháng chỉ được nhận lương khoảng 1,3 triệu đồng/người. Kinh phí hàng năm tỉnh Bến Tre chi cho CLB bóng chuyền thi đấu ở Giải vô địch quốc gia cũng chỉ hơn 1 tỉ đồng. Khi lương không đủ sống, VĐV không thể nghĩ tới việc nỗ lực phấn đấu vì màu cờ sắc áo CLB hay đội tuyển.
HLV Thái Thanh Tùng của đội PVD Thái Bình, người từng là HLV trưởng đội tuyển nữ VN, nói: “Hầu hết các CLB đều rất khó khăn, nhất là với những đội bóng tỉnh, tài trợ ít như Thái Bình, Hải Dương. Tôi là HLV trưởng và là phó giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh mà lương tháng chỉ có 5,2 triệu đồng, các VĐV của tôi cũng chỉ 2-3 triệu đồng/tháng, chưa đủ sống. Khi tiền không có, VĐV không thể toàn tâm toàn ý cống hiến cho CLB được. CLB thiếu tiền, thiếu đào tạo trẻ thì đội tuyển lấy đâu ra người mà phát triển. Có thuê chuyên gia xuất sắc mà chúng ta không có VĐV tài năng thì cũng bó tay. Vì thế, việc làm sao để kiếm được tiền cho bóng chuyền, làm sao cho VĐV có thu nhập đủ sống để yên tâm cống hiến là thách thức nhất với bóng chuyền VN. Dù ai lên làm lãnh đạo VFV sắp tới nhưng nếu các anh không xuống các CLB, xuống các địa phương để tìm hiểu, chia sẻ với CLB thì cũng không thể làm được”.
Một HLV có tiếng của bóng chuyền VN cho rằng cũng giống như sự thoái trào của bóng đá khi hàng loạt CLB giải tán, xin rút khỏi V-League, hạng nhất, những năm qua nhiều CLB bóng chuyền cũng phải giải thể như: CLB Tập đoàn Dầu khí VN, VietsovPetro, XLDK Thái Bình Bương, Bia Sài Gòn - TBD, Cao su Bình Phước... Ở giải bóng chuyền hạng A, nhiều CLB cố tình đánh để thua vì không muốn thăng hạng do không có tiền. Các giải trẻ thì các đội bóng mua quân, mượn quân theo kiểu thời vụ vì có tiền đâu mà đầu tư tuyển chọn, đào tạo.
“Khi mà các CLB chúng tôi đang rất yếu và có thể “chết” bất cứ lúc nào vì đói thì đừng mong thành tích đội tuyển có thể đuổi theo Thái Lan” - HLV này chia sẻ.
Tân chủ tịch VFV Lê Văn Thành Theo điều lệ, nhiệm kỳ V kéo dài từ tháng 12-2008 đến tháng 12-2012. Thế nhưng phải đến ngày 6-12-2015, VFV mới có thể tổ chức đại hội vì có ứng viên đồng ý ra ứng cử chủ tịch khóa VI là ông Lê Văn Thành, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty CP Động Lực. Trước đó hàng chục doanh nhân được mời đều nhất quyết từ chối không ra làm chủ tịch VFV. Trong số đó có hai ứng viên nổi bật là ông Nguyễn Đức Hưởng, phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Liên Việt và ông Lê Quốc Phong, tổng giám đốc Công ty CP phân bón Bình Điền. Trong phiên họp trù bị chiều 5-12, đại hội đã bầu xong nhân sự của nhiệm kỳ VI. Ông Lê Văn Thành là ứng viên duy nhất và đương nhiên trúng cử chức danh chủ tịch VFV nhiệm kỳ VI 2015-2019. Tổng thư ký VFV là tiến sĩ Lê Chí Trường, trưởng phòng hành chính Trường đại học TDTT Bắc Ninh, trọng tài quốc tế môn bóng chuyền. Ông Trần Đức Phấn sẽ tham gia VFV với vai trò phó chủ tịch. Không chỉ làm phó chủ tịch VFV khóa V từ 2008- 2015, tân chủ tịch VFV Lê Văn Thành còn tham gia LĐBĐVN (VFF). Năm 2005, ông Thành là người thua ông Lê Hùng Dũng trong cuộc đua vào chức danh phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF nhiệm kỳ V giai đoạn 2005-2009. Dù vậy, trong ba nhiệm kỳ từ năm 2005 đến nay, ông Lê Văn Thành đều trúng cử vào ban chấp hành VFF. |
Mỗi năm VFV thu khoảng 10 tỉ đồng Theo báo cáo tài chính của nhiệm kỳ IV, tất cả nguồn thu của VFV chỉ 3 tỉ đồng/năm. Ở nhiệm kỳ V, với sự hỗ trợ rất lớn của chủ tịch Lê Minh Hồng, mỗi năm VFV thu được từ 10-11 tỉ đồng, gấp ba lần nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, nguồn thu này vẫn còn rất thấp so với vị thế của một liên đoàn lớn như bóng chuyền. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận