Viết tiếp bài “Tấn công rừng cấm”:
Lúng túng, chồng chéo trong chỉ đạo!
TT - Lễ khánh thành hai ngôi mộ tháp lớn (sai phép) đã được chủ đầu tư công trình “Tôn tạo chùa Đồng Cổ và bảy ngôi mộ tháp” (Tuổi Trẻ ngày 4-11) tổ chức khá tưng bừng vào ngày 1-11-2009.
Con đường được làm trong vườn quốc gia Tam Đảo để đưa vật liệu vào xây công trình - Ảnh: Đỗ Lãng Quân |
Chúng tôi đã chứng kiến sự trang hoàng cờ phướn, cũng như các đoàn lao công phục vụ “đại lễ” cõng gánh nồi niêu xoong chảo dọc lối đi hơn 12km xuyên qua rừng già. “Người cai quản” vườn quốc gia (VQG) Tam Đảo - giám đốc Đỗ Đình Tiến - cũng buồn bã xác nhận điều này...
Như lời ông Đỗ Đình Tiến, thông tin về hệ thống mộ tháp, nền móng chùa Đồng Cổ mà phía chủ đầu tư đưa ra là chưa đủ bằng chứng thuyết phục. Cái gọi là tôn tạo ở khu vực chùa Đồng Cổ và các ngôi mộ tháp hiện nay, có chăng, chỉ là việc người ta có tiền, đem vào khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG, bất chấp luật pháp để xây dựng theo... ý người ta.
Khi vụ việc đang nóng bỏng, ngày 14-8-2009, giám đốc Sở VH-TT&DL Vĩnh Phúc Trần Văn Quang đã ký công văn nêu rõ: “Qua khảo sát, Sở VH-TT&DL chưa phát hiện và chưa có cơ sở khoa học để khẳng định về việc tại khu vực chùa Đồng Cổ có mộ các nhà sư. Nếu có mộ, bao nhiêu ngôi, thuộc giai đoạn lịch sử nào, hình thức mai táng ra sao?”.
Văn bản cũng nhấn mạnh: “Việc tổ chức xây mộ sư của đại đức Thích Thanh Toàn, Sở VH-TT&DL không nhận được hồ sơ về trình tự, thủ tục theo quy định, vì vậy không có cơ sở để hướng dẫn, giúp đỡ chủ đầu tư thực hiện như đối với các công trình khác đã và đang xây dựng thuộc khu di tích danh thắng Tây Thiên. Mặt khác, chùa Đồng Cổ (dù hiện nay là phế tích) nhưng nằm trong quần thể khu di tích - danh thắng Tây Thiên đã được Nhà nước xếp hạng, việc xây dựng, khôi phục phải có quy hoạch tổng thể, có dự án được các ngành các cấp thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt”.
Đúng như lời đúc kết kinh nghiệm của giám đốc VQG Tam Đảo khi trò chuyện với Tuổi Trẻ, rằng bài học đau đớn qua vụ xâm hại tài nguyên, thắng cảnh và di sản văn hóa này chính là sự lúng túng, chồng chéo trong chỉ đạo cấp phép tôn tạo các công trình của cơ quan chức năng địa phương.
Trong khi trong công văn ngày 14-8, Sở VH-TT&DL Vĩnh Phúc khẳng định chưa đủ bằng chứng về sự tồn tại, hình dáng của các ngôi mộ, khẳng định việc tác động lên hạng mục của di tích - danh thắng đã được quốc gia công nhận khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép là sai; thì trong công văn ngày 17-8, UBND tỉnh Vĩnh Phúc lại bảo các ngôi mộ cần được “xây trên vị trí cũ, quy mô không lớn”.
Vị trí cũ là vị trí nào, quy mô không lớn là bao nhiêu? Nếu đã là bảo tồn di sản văn hóa, đã được cấp phép trùng tu tôn tạo thì phải đảm bảo yếu tố nguyên gốc, đảm bảo đúng phong cách, kiến trúc, phù hợp với niên đại, bất kể các ngôi mộ ấy to hay nhỏ. Rõ ràng, khi chưa thám sát khảo cổ, chưa có bằng chứng về di tích (nếu có) thì không thể trùng tu tôn tạo, càng không thể bày tỏ quan điểm chỉ đạo xây to hay bé, xây ở vị trí nào.
Nhất trí với quan điểm kể trên, ngày 9-8-2009, chính trưởng Ban đại diện Phật giáo huyện Tam Đảo cũng đã có công văn gửi chủ đầu tư yêu cầu dừng các công trình với lý do: chưa đủ bằng chứng về việc đã từng tồn tại các ngôi mộ tháp (mộ tổ); mà ngay cả khi đã xác định được (giả thiết) các tư liệu về mộ tháp, cũng cần phải tuân thủ các quy định hiện hành của Nhà nước trước khi tác động vào hiện trường.
Dù vậy, hai ngôi mộ tháp vẫn được xây rất hoành tráng và người ta đã làm lễ khánh thành đúng ngày 1-11-2009. Qua phỏng vấn những người thi công, chủ đầu tư và lực lượng giải quyết vụ việc, chúng tôi ghi nhận: có quá nhiều dấu hiệu cho thấy nhiều công trình to đẹp hơn sắp sửa được mọc lên.
Cần sự hỗ trợ của cơ quan cấp trên Ông Trịnh Lê Nguyên - giám đốc Trung tâm Con người và thiên nhiên, thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật VN và là người đề xuất ý tưởng đi điều tra về việc “tấn công vào rừng cấm” - nói: “Nhìn nhận một cách khách quan từ thực tế và các văn bản liên quan đến vụ việc này, chúng tôi thấy bản thân các cơ quan chức năng của huyện Tam Đảo và tỉnh Vĩnh Phúc chưa hiểu rõ thẩm quyền của mình trong việc xử lý. Những quyết định “bật đèn xanh” của UBND huyện Tam Đảo và UBND tỉnh Vĩnh Phúc trên thực tế đã vượt khỏi thẩm quyền quyết định của chính họ vì VQG Tam Đảo thuộc quản lý của Chính phủ, không nằm trong giới hạn quyết định của chính quyền địa phương. VQG Tam Đảo cũng đã nỗ lực để thực thi nhiệm vụ khá quyết liệt cũng như giải trình với phía các cơ quan chức năng địa phương và báo cáo lên cơ quan quản lý cấp trên là Cục Kiểm lâm. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thấy sự hỗ trợ của cơ quan cấp trên của VQG Tam Đảo trong sự việc này. Bên tổ chức xây dựng công trình này (đại đức Thích Thanh Toàn) lẽ ra không nên quá nóng vội trong việc triển khai dự án khi chưa hoàn thành thủ tục theo trình tự pháp luật. Phật giáo là tôn giáo luôn khuyến khích con người sống hài hòa với thiên nhiên, bảo vệ những sinh linh được sinh ra trên mặt đất. VQG Tam Đảo là kho tài nguyên vô giá bảo vệ sự sống của muôn loài. Vì thế, dù là công trình phục vụ tâm linh thật sự thì cũng cần cân nhắc để không những thể hiện sự tôn trọng luật pháp mà còn đảm bảo cho những sinh linh khác có quyền được sống an hòa trong thiên nhiên”. |
ĐỖ LÃNG QUÂN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận