08/06/2013 05:14 GMT+7

Lửng lơ việc bảo vệ người tố giác tội phạm

BÁ TRUNG
BÁ TRUNG

TT - Vụ ông Đinh Văn Chính (thôn Đục Khê, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) bị đốt nhà ba lần và bị dọa giết hàng chục lần không phải là trường hợp duy nhất do tố cáo hành vi vi phạm pháp luật mà bị hành hung. Hơn ba năm trước từng xảy ra vụ Ngô Quang Chướng, giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh nhà Hoàng Hải ở huyện Hóc Môn (TP.HCM), khai tại tòa là thuê giang hồ “đánh dằn mặt” một phó giám đốc đã gửi đơn thưa các sai phạm của ông ta.

Do bị giang hồ đe dọa lấy mạng, vị phó giám đốc ấy đã đến công an địa phương trình báo nhưng cuối cùng vẫn bị giết chết oan ức. Hay trong vụ “hiệp sĩ” Nguyễn Tăng Tiên bị chém vì việc anh phát hiện một tay anh chị đem bán xe gắn máy trộm cắp dù trước đó anh đã có đơn đề nghị công an địa phương bảo vệ...

Luật: có nhiều...

Đã có rất nhiều băn khoăn, lo ngại đằng sau những câu chuyện đắng lòng này. Những người dân như đã kể trên trước hết là những công dân có quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. Hơn thế nữa họ đã đứng lên tố cáo, tố giác tội phạm để giúp các cơ quan chức năng làm tốt công tác bảo vệ pháp luật, phòng chống tội phạm, vậy sao họ không được pháp luật bảo hộ? Giãi bày trên báo chí, các cơ quan công an có liên quan đều khẳng định mình đã làm đúng quy trình tiếp nhận, xử lý tin tố giác tội phạm. Thế nhưng các thông tin SOS chắc chắn phải được đối xử khác các thông tin bình thường, vậy công an đã “đi” hay “chạy”? Cứ cho là họ không làm sai nhưng hậu quả mà những người dân phải gánh thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai đây?

Đáng lưu ý là việc bảo vệ người tố giác các sai phạm đã được luật hóa từ lâu. Bộ luật tố tụng hình sự quy định: “Người bị hại, người làm chứng... cũng như người thân thích của họ mà bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, tài sản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ theo quy định của pháp luật” (điều 6). Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự nêu: “Trong phạm vi trách nhiệm của mình, cơ quan điều tra... phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố giác tội phạm” (khoản 3 điều 7).

Luật tố cáo cũng quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm... áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín, việc làm, bí mật cho người tố cáo” (khoản 1 điều 5)... Nghe “hùng hồn” vậy nhưng xem kỹ lại thì đó chỉ là những quy định chung chung, mang tính nguyên tắc.

Ngoài một số luật khung, chỉ mới có một số văn bản dưới luật dành cho hai loại án là án ma túy, án xâm phạm an ninh quốc gia và mới nhất là một nghị định về việc bảo vệ người tố cáo. Do thiếu luật như vậy nên các ban chuyên án chỉ lên kế hoạch bảo vệ người tố giác tội phạm trong từng vụ việc cụ thể chứ không thành quy trình, thủ tục rõ ràng. Ví dụ hiếm hoi cho việc này là vụ án Dương Văn Khánh, tức Khánh “trắng” - một nhân vật cầm đầu băng đảng xã hội đen khét tiếng Hà Nội trong những năm cuối của thế kỷ 20. Người tố giác tội phạm vụ Khánh “trắng” bị đe dọa và đã thoát chết nhờ ban chuyên án đã tổ chức lực lượng và có phương án bảo vệ kịp thời.

Nhưng không cụ thể

Theo ông Lê Quý Dương - thứ trưởng Bộ Công an, bộ đã xây dựng dự thảo thông tư liên tịch về bảo vệ người làm chứng, người bị hại trong tố tụng hình sự (và còn thêm quy chế bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng, do đây là loại tội phạm liên quan đến người có chức vụ, quyền hạn nên mức độ trả thù thường tàn khốc hơn). Theo đó, việc bảo vệ người bị hại, nhân chứng là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó công an là lực lượng nòng cốt. Ngân sách của cơ quan tố tụng, nhất là công an, sẽ được dự toán riêng kinh phí hằng năm cho hoạt động bảo vệ nhân chứng, người bị hại trong các vụ án hình sự. Nếu các dự thảo này thành chính thức thì nhiều trường hợp bị đe dọa giết người ắt tránh được hiểm họa có thể nhìn thấy trước.

Tuy nhiên, dù được “ấp ủ” mấy năm nay nhưng đến giờ các dự thảo đó vẫn còn là dự tính. Riêng nghị định 76/2012 của Chính phủ tuy nêu được các biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người tố cáo và người thân thích của người tố cáo (như bố trí lực lượng, phương tiện, công cụ tại nơi cần thiết; tạm thời di chuyển người được bảo vệ đến nơi an toàn...) nhưng không thể áp dụng đại trà cho mọi trường hợp bị đe dọa hoặc bị xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng.

Được biết, trong dự thảo quy chế bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng, Bộ Công an còn muốn ràng buộc trách nhiệm cao hơn ở những người có thẩm quyền trong việc bảo vệ người tố cáo theo hướng người được bảo vệ có quyền được bồi thường nếu bị thiệt hại trong quá trình được áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc thiệt hại do đã yêu cầu mà không được bảo vệ kịp thời. Có lẽ đây cũng nên là quy định bắt buộc trong quy chế bảo vệ mọi đối tượng (cả người tố giác lẫn người bị hại, nhân chứng) trong tố tụng hình sự mà thực tiễn cho thấy cần phải sớm có.

BÁ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên