20/09/2013 21:41 GMT+7

Lục bình

TRẦN TÙNG CHINH (An Giang)
TRẦN TÙNG CHINH (An Giang)

AT - Tím câu mũi sào đưa giề lục bình đến gần rồi thò tay vớt đám cây xanh mướt to mẩy nở bông ngan ngát đưa lên xuồng, miệng tấm tắc:

4nqG6pfG.jpgPhóng to
Minh họa: Nguyễn Thanh

- Má coi nè, giề lục bình này cắt cây vạt lá, phơi nắng vài ba hôm là có ê hề nguyên liệu ngon lành tha hồ mà đan mắt na hay xương cá, hén má!

- Bày đặt hoài. Bây hổng để cho nó trôi hết đời nó, tới miệt Ngãi Tứ hay Cái Bè, người ta có cả một cái làng nghề giăng ra đón. Đi tới đó, mấy chùm lục bình non mới trổ mã hết…

- Vậy thì con xin nó vài cái bông chơi rồi thả cho nó đi tiếp là được chứ gì!

- Tranh thủ gỡ lưới thêm ít con cá rồi xáp với xuồng tía đi về nhanh con, trời sụp xuống tối thui bây giờ.

Tím ngắt vội mấy bông lục bình tím ngát, rồi thêm một bông nữa tết lại thành một bó, nói một câu chẳng ăn nhập gì với lời của má:

- Má, đẹp chưa? Hồi nào tới giờ má có thấy người ta kết lục bình làm bông cưới cho cô dâu cầm trên tay chụp hình chưa nè?

- Con nhỏ này muốn chồng rồi hén… - Má cười hiền rồi thoắt đổi giọng chùng xuống - Sao lâu nay không thấy tin tức gì của thằng Viễn hả con? - Rồi cũng má, như thấy mình lỡ lời, ngay lập tức đánh trống lảng đi - Xuồng ông già tía mày tới rồi kìa…

Chiều giăng tơ vàng trên mặt sông óng ánh những tia nắng cuối ngày buồn bã làm sắc tím trên mấy giề lục bình cũng ngả màu. Rồi chúng từ từ xuôi theo dòng trôi đi…

Ngày Viễn đi, Tím đưa anh xuống bến đò, cũng một buổi chiều giống như vầy, lục bình ai thả trôi sông cũng tím ngắt cả tầm mắt như vầy. Để coi, lần đó, Viễn đi mịt mù dài như khúc sông mải miết chảy, đến khúc quẹo rồi mất hút vậy.

Mà đâu phải Viễn đi lần đầu. Tím nhớ như in, lần thứ nhất Viễn đi là hồi anh đậu đại học. Biết là trên tỉnh cũng không phải xa xôi gì mà chưa đi đã bắt nhớ kỳ cục. Tím chèo chiếc xuồng ba lá đưa anh qua bên kia sông đón xe buýt về thị xã mà cổ cứ nghèn nghẹn không nói được câu nào. Viễn ngồi ở đầu xuồng cũng im thin thít. Anh cũng không nhìn Tím mà giống như anh đang nhìn đi đâu đó về một chân trời mới ở cuối con sông. Tím có cảm giác mình không thể giữ nổi tầm mắt xa xôi của anh. Như thể có cái gì đó mơ hồ mà mãnh liệt hút ánh mắt ấy đi thăm thẳm. Ánh mắt đó còn có vẻ háo hức tìm kiếm một cái gì mới lạ, lôi kéo khó cưỡng, hỏi sao mà nó không hun hút về phía cuối trời.

Tím không giữ lại từ Viễn một lời ước hẹn nào. Bốn năm sau, anh ra trường trở về với tấm bằng sư phạm ngay khi nhu cầu tuyển dụng giáo viên trung học của tỉnh nhà đã bão hòa. Tím nhớ mình đã mong anh về gần nhà, chỉ cần làm một anh giáo làng dạy lũ con nít tiểu học là đủ. Lúc đó, anh chỉ cần chuyên tâm vào công việc gõ đầu trẻ, để Tím bươn chải gặt lúa mướn hay đào ao nuôi cá, thả trong vườn một bầy gà, neo trong chuồng một con heo, là đủ. Cuộc sống chắc là không dư dả gì nhưng Tím thấy như vậy rất đầm ấm. Buổi tối, anh sẽ ngồi soạn giáo án hay chấm bài gì đó, Tím sẽ luẩn quẩn đâu đó, lăng xăng lấy lưới ra vá hay là lích xích ngồi bẹp bên cạnh xắt sẵn thân cây chuối hột để dành ngày mai cho heo ăn. Khi nào anh rảnh tay thì nói với Tím một câu. Câu nào cũng được. Kể cho Tím nghe về một đứa học trò nào đó nghịch ngợm trong lớp hoặc một giờ dạy mà anh tâm đắc chẳng hạn.

Nhưng không phải. Câu nói khi anh ra trường, không có chỗ chen chân vào trường cấp ba trên huyện, lại là:

- Tím à, chuyện của hai đứa chắc để từ từ. Anh muốn làm một cái gì đó đảm bảo cho cuộc sống của tụi mình sau này. Tím ủng hộ anh nghen…

Ừ thì, cứ coi như đó là một câu ước hẹn. Có bao giờ mà Tím không ủng hộ anh, thậm chí khi sự chờ đợi ở Tím có lúc héo mòn. Chỉ sợ cành lục bình cứ mải miết trôi, có khi lại tấp vào bờ bến khác…

Và cũng giống như cánh lục bình, nói xong cái câu vừa da diết vừa quyết liệt đó, thì anh ra đi… Lần này, cũng không neo lại cho Tím một câu hẹn ước nào chắc chắn. Chỉ là “chuyện hai đứa chắc để từ từ…” và “cuộc sống của tụi mình sau này…”. Cũng đành. Cứ coi như đó là ở thì tương lai, mong là nó không xa, dù có ngút tầm mắt nhưng vẫn còn có thể trông ngóng được.

Hình như lục bình cũng vậy. Chúng không bao giờ cuồn cuộn trôi đi riết róng mà chỉ lờ đờ, từ từ mà dịch chuyển từ khúc sông này qua dòng sông khác, vậy mà hành trình của chúng lại rất xa xôi diệu vợi. Mùa nước đổ, lục bình kéo nhau từng giề, từng giề mải miết theo những cuộc phiêu lãng cùng sông nước. Máu giang hồ không bao giờ để nó đứng yên ở đâu một chỗ. Lục bình thường lang thang trên các dòng sông rồi tấp vào các dải ven bờ, các cù lao nổi chơ vơ. Rồi chỉ cần một ngụm sóng dập, một đợt gió nhồi, là lục bình lại lật đật tách bờ, trôi đi…

Ở vùng quê của Tím, những người con trai như Viễn rời làng đi không ít. Nhất là mấy năm nay, lúa gạo cứ trúng mùa mà rớt giá, nông dân neo lúa lại trong bồ chờ hết đợt áp thấp nhiệt đới này đến qua cơn bão khác, đến mức lúa nảy cả mầm mà giá vẫn cứ thấp lè tè. Mấy gia đình có nuôi cá tra cũng điêu đứng khi bầy cá háu ăn đã lớn mà không thấy thương lái đến thu mua. Tiền vay ngân hàng cứ lãi mẹ đẻ lãi con, chồng chất. Bây giờ đi gặt lúa mướn cũng khó cạnh tranh cùng máy móc, xách nóp chèo ghe đi chăn vịt cũng hồi hộp vì dịch cúm gia cầm, nuôi heo thì không khéo xui rủi đeo bệnh tai xanh…

Cái ăn cứ đeo đẳng đòi hỏi bức bách. Không tới mức chạy gạo từng buổi nhưng con cá con tép, con cua con ốc ngày càng hiếm hoi mà người lặn lội đi mò đi bắt lại càng đông. Thanh niên trai tráng dứt áo rời làng đi làm kiếm cơm gần hết. Ngay cả những đứa con gái trọng trọng như Tím nóng ruột chuyện áo cơm cũng trôi dạt mưu sinh bằng nhiều cách, không đánh cuộc số phận đi làm dâu xứ người thì cũng trở thành ôshin hay công nhân lương ba cọc ba đồng nơi đất khách…

Nhiều khi, Tím cũng muốn lên thành phố tìm Viễn. Để coi anh làm cái gì, Tím phụ một tay, cũng kiếm một cái nghề nào đó, lương thiện để kiếm tiền, cũng kề vai lo cho cuộc sống sau này của hai đứa như anh nói. Nhưng nghĩ lại, tía má cũng không còn mạnh giỏi, trái gió trở trời không có Tím vào ra chăm sóc, lỡ gì hối không kịp, có tội với phật trời. Nhà có mấy công ruộng, hai chiếc xuồng ba lá, mấy cuộn lưới cũ đi giăng câu, thả lưới cũng không đến nỗi nào. Chỉ thương cái mong ước của tía má chờ ngày Tím yên bề gia thất. Ngày đó coi bộ xa lơ xa lắc. Ngẫm ra, Tím thấy Viễn nói cũng đúng. Cái thân mình còn lo chưa xong. Hai đứa xáp vô rồi biết đâu một bầy con nít rủ rê nhau ra đời, chắc là chết đói cả đám.

Mấy ngày nay, lục bình trôi về theo mùa nước đổ, tím cả một khúc sông. Nhiều khi, Tím nghĩ, sao Viễn không về đây, hai đứa sẽ vớt lục bình, tỉ mẩn cắt cây sát gốc, vạt bỏ lá, đem phơi nắng vài ba hôm cho đến lúc lục bình héo khô, hai vợ chồng sẽ ngồi cùng đan sản phẩm lục bình mà kiếm tiền. Tím mơ màng nghĩ đến những tấm thảm lục bình được đan kiểu xương cá, những khung lục bình đan hình hạt gạo. Những sản phẩm dân dã với màu nâu đất tự nhiên như màu của làng quê, màu của phù sa mùa nước đổ, lại rất mịn màng mềm mại bởi thấm trong đó những giọt mồ hôi mằn mặn của Viễn, của Tím. Bằng cách này, lục bình quê Tím sẽ có nơi có chỗ, sẽ dừng bước giang hồ phiêu lãng. Để qua đôi bàn tay khéo léo và sự chăm chỉ cần cù của con người, chúng sẽ trở thành những sản phẩm rất công phu mà tuyệt vời để từ vẻ đẹp hoang dại tự nhiên vùng quê sông nước, đường hoàng bước lên bờ, làm đẹp cho đời sống thị thành…

Ừ, đúng rồi, ngay ngày mai, Tím sẽ đi Ngãi Tứ hay Cái Bè gì cũng được, những làng nghề đan lục bình nổi tiếng, chỉ vài bữa nửa tháng thôi, để học nghề. Tía má chắc là sẽ ủng hộ. Và cả Viễn nữa, khi một ngày nào đó, mỏi mệt trên đường phiêu bạt, anh quay trở về thăm quê, thăm Tím, hẳn anh sẽ có đủ niềm tin để cùng Tím ở lại nhà, chắt chiu cho cuộc sống của hai đứa sau này. Để chuyện trăm năm sẽ không còn từ từ tính nữa mà ngay lập tức sẽ thành sự thật.

Lúc đó, chỉ một bó hoa lục bình tim tím tết lại cho cô dâu trên chiếc xuồng hoa là đủ thôi mà, Tím không thách cưới gì đâu.

Viễn ơi, hãy tin như vậy, nghen anh!

iyXrjaxl.jpgPhóng to

Áo Trắng số 17 ra ngày 15/09/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

TRẦN TÙNG CHINH (An Giang)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên