Nhiều ý kiến của các chuyên gia pháp lý cho rằng nếu mô hình này được áp dụng ở Việt Nam thì tỉ lệ án oan, sai sẽ giảm đáng kể.
Chế độ luật sư trực ban chính là chế độ luật sư “thường trực” tại văn phòng đoàn luật sư nhằm đáp ứng yêu cầu cần có người bào chữa của người mới bị tạm giữ, tạm giam.
Mô hình từ Nhật Bản
Ở Nhật Bản, vào những năm 1950-1970 thực tế có nhiều vụ án oan sai do bị ép cung hoặc ngụy tạo chứng cứ vì người bị bắt không có luật sư giúp đỡ họ về pháp lý cũng như giám sát hoạt động của cảnh sát.
Bắt đầu từ những năm 1990, nhu cầu có luật sư cho người bị bắt, tạm giữ, tạm giam bắt đầu được chú trọng. Lúc này, việc chỉ định luật sư cho người bị bắt là một nhu cầu cần thiết, sau đó hình thành chế độ luật sư trực ban như ngày nay.
Chế độ luật sư trực ban ở Nhật Bản hoạt động rất bài bản, minh bạch và hiệu quả. Mỗi đoàn luật sư đều giới thiệu và thông báo danh sách luật sư trực ban trên trang web của đoàn luật sư để mọi người biết, người bị bắt có thể chọn lựa, yêu cầu luật sư trực ban bảo vệ cho mình.
Sở cảnh sát, viện công tố, viện kiểm sát, tòa án hoặc gia đình người bị bắt sẽ liên lạc với đoàn luật sư qua điện thoại, email, fax... để cử luật sư trực ban đến trại theo yêu cầu của người bị bắt hoặc bị can. Luật sư trực ban có nhiệm vụ đến trại giam để gặp người bị bắt.
Luật sư trực ban có quyền vào trại giam bất kể lúc nào, kể cả ngoài giờ hành chính (trước 9g sáng hoặc sau 17g chiều) để gặp người bị bắt, bị can.
Khi bị can đang bị hỏi cung mà luật sư trực ban đến thì việc hỏi cung phải dừng lại để người bị bắt, bị can gặp luật sư. Khi gặp người bị bắt hoặc bị can, luật sư trực ban sẽ nêu vấn đề với bị can và yêu cầu bị can có đồng ý để mình bào chữa hay không?
Trong thời hạn ba ngày, sau khi gặp người bị bắt, bị can, luật sư trực ban phải báo cáo với đoàn luật sư.
Nếu người bị bắt hoặc bị can không nhờ luật sư trực ban tiếp tục bào chữa cho mình thì luật sư trực ban cũng được đoàn luật sư trả thù lao về việc đã gặp mặt người bị bắt hoặc bị can.
Tránh oan sai
Ở Việt Nam tuy chưa có chế độ luật sư trực ban nhưng đoàn luật sư nào cũng có văn phòng, hằng ngày văn phòng cũng có cán bộ trực để tiếp nhận các công văn, giấy tờ và các thông tin, trong đó có công văn của cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu đoàn cử luật sư bào chữa cho bị can, bị cáo là người chưa thành niên hoặc có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần.
Theo nhiều chuyên gia pháp lý, việc áp dụng mô hình “chế độ luật sư trực ban” của Nhật Bản vào quá trình tố tụng ở Việt Nam là điều cần thiết và nên làm.
Chỉ cần mỗi đoàn luật sư phân công luật sư thành viên của đoàn đến văn phòng trực hằng ngày, lịch trực ban và gửi đến công an và trại tạm giữ tạm giam để trại biết và thông báo cho người bị bắt, bị can, bị cáo bị tam giam biết có luật sư trực ban để người bị tạm giữ, tạm giam yêu cầu.
Tuy nhiên, để áp dụng chế độ luật sư trực ban thì cần sự đồng thuận của các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm tạo điều kiện để luật sư trực ban hoạt động.
Trước mắt, nên làm thí điểm ở các TP lớn như TP.HCM, Hà Nội và một số địa phương có số lượng án hình sự nhiều. Rồi sau đó tổng kết rút kinh nghiệm và nhân rộng trên phạm vi cả nước.
Hi vọng rằng chế độ luật sư trực ban sẽ sớm có ở Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu cần có người bào chữa, luật sư ngay từ khi người phạm tội mới bị bắt tạm giữ, tạm giam, tránh để xảy ra án oan.
Chế độ luật sư trực ban ở Nhật được thực hiện ngay cả khi người bị bắt, bị can không yêu cầu có luật sư.
Trong trường hợp này, trung tâm bào chữa hình sự có thể cử luật sư trực ban đến trại giam, nhất là người bị bắt, bị can là người chưa thành niên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận