![]() |
Văn bản hướng dẫn thi hành luật: Chậm trễ và không đầy đủ
Trong buổi làm việc chiều qua (22-11), quốc hội báo cáo về tình hình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Bộ trưởng Bộ tư pháp Uông Chu Lưu báo cáo tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Chánh án Toà án Nhân dân tối cao Nguyễn Văn Hiện đọc báo cáo về tình hình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của TAND Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát NDTC Hà Mạnh Trí báo báo về tình hình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Trong phần làm việc cuối buổi chiều, Chủ tịch Quốc hội Vũ Đức Khiển cũng đọc báo cáo thẩm tra các báo cáo trên.
Báo cáo về việc chậm ban hành các VB hướng dẫn thi hành luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Vũ Đức Khiển nêu bật những điểm “bất ổn” về việc ban hành văn bản qui phạm pháp luật (từ đầu QH khóa XI đến nay) của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan tư pháp: "Bộ luật hình sự có hiệu lực từ 1-7-2000, tính đến nay đã được năm năm nhưng mới ban hành được 14/24 văn bản hướng dẫn thi hành. Bộ luật dân sự có hiệu lực từ 1-7-1996, đã gần 10 năm nhưng mới ban hành được 50 văn bản, còn 20 văn bản chưa được hướng dẫn thi hành. Trong khi đó, đến nay bộ luật này đã được sửa đổi cơ bản và được QH thông qua tại kỳ họp thứ 7”...
Việc chậm ban hành các VB này trước hết là trách nhiệm của các cơ quan đã được phân công soạn thảo do chưa chỉ đạo sát sao. Thủ tục và trình tự ban hành các văn bản quy phạm pháp luật được tiến hành đúng thủ tục, tuy nhiên còn có nhiều trường hợp chưa thực hiện đúng theo các chuẩn mực đã quy định.
|
Việc thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật thì một số chưa có tỉnh thẩm định cao. Thủ tục xem xét thông qua các VBQPPL trong một số phiên họp phải rút gọn, không bảo đảm đúng quy trình các bước. Có một số dự thảo VB đáng lẽ phải được đưa ra thảo luận và thông qua tại phiên họp của Chính phủ nhưng chỉ được gửi phiếu lấy ý kiến trực tiếp của các thành viên Chính phủ.
Còn một tồn tại nữa là trên thực tế vẫn còn tình trạng VBQPPL và VB hướng dẫn thi hành chưa thống nhất nhau về nội dung được hướng dẫn. Ví dụ: Khoản 2 điều 15, Pháp lệnh Dân quân tự vệ quy định xã đội phó là cán bộ chuyên môn nhưng NĐ 184 ngày 2-11-2004 của Chính phủ hướng dẫn thi hành pháp lệnh này thì lại quy định xã đội phó là cán bộ chuyên trách. Pháp lệnh người cao tuổi được ban hành năm 2000, trong NĐ số 30 ban hành ngày 26-3-2002 tại khoản 4 điều 6 có quy định người từ 90 tuổi trở lên nếu không có lương hưu và các khoản trợ cấp xã hội khác thì được trợ cấp xã hội hàng tháng từ ngân sách địa phương. Tại thông tư số 16 ngày 9-12-2002 lại quy định tại điểm 2, mục 2 những người từ 90 tuổi trở lên không có lương hưu, không có trợ cấp xã hội, không có thu nhập thì được hưởng trợ cấp tại cộng đồng tối thiểu bằng 45.000 đồng/tháng.
Về sự phù hợp của hình thức với nội dung của VB, vẫn còn một số trường hợp chưa tuân thủ một cách đầy đủ các nguyên tắc. Có những vấn đề đúng ra phải ban hành bằng nghị định của Chính phủ nhưng lại được quy định dưới hình thức quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Vẫn còn hiện tượng một số Bộ, Ngành dùng hình thức công văn để hướng dẫn thi hành Luật, pháp lệnh, nghị quyết...
Nguyên nhân chung nhất của những chậm trễ và bất cập trong việc ban hành các VBQPPL đó là thiếu kinh phí, các cán bộ chuyên trách còn đảm nhận nhiều chức vụ khác, lãnh đạo một số bộ, cơ quan chưa nhận thức được nên chưa đầu tư thích đáng cho công việc này, quá nhiều nội dung cần được hướng dẫn thi hành, sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan còn thiếu chặt chẽ...
Luật phải sớm được đưa vào cuộc sống
"Phải minh chứng được hiệu quả của các văn bản, có thể nhiều hay ít nhưng phải có hiệu quả trong cuộc sống. Thực tế cuộc sống mới kiểm nghiệm được các văn bản, mới kiểm tra thực hiện được các văn bản. Chúng ta có khá đầy đủ văn bản nhưng ít đi vào cuộc sống, phải chăng có những văn bản sai? VB đúng cũng không dễ dàng gì đi vào cuộc sống mà phải có sự điều hành khéo léo. Quan liêu cố tình không chấp hành đúng các văn bản, nể nang, né tránh gây mất lòng tin cho nhau", ĐB Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang) mở đầu phần thảo luận trong phiên làm việc sáng nay, 23-11.
"VB không tính về số lượng, ra nhiều hay ít mà phải giám sát để thấy rõ hiệu quả của nó trong cuộc sống", ĐB Ngoạn nói thêm. Pháp lệnh người cao tuổi, NĐ 30 ban hành ngày 26-3-2002 còn có những điều bất cập, NĐ này có những điều khoản quy định những người trên 90 tuổi mới được hưởng BHYT, các cụ cho rằng ở tuổi đó quá lớn, quy định 90 tuổi mới được hưởng trợ cấp nếu không có lương hưu, trợ cấp là quá hạn chế...
ĐB Ngoạn cũng cho biết thêm nhiều luật đúng nhưng khó vào cuộc sống vì khung đại còn quá nhiều, phải nghiên cứu lâu, triển khai chậm. Luật chay cũng khá nhiều, NĐ khó đi vào cuộc sống nếu không có chính sách đưa vào. Quốc hội cần tổ chức trực tiếp làm luật, tất nhiên là qua thẩm tra của QH.
"Để luật, NĐ mau vào cuộc sống thì phải phân công theo đúng lộ trình. Chính phủ cần phối hợp với các tổ chức đoàn thể để đưa luật đến với ND", ĐB Ngoạn nói thêm.
ĐB Nguyễn Thị Sáu (Tuyên Quang) khẳng định: "Cần bổ sung vai trò và trách nhiệm của từng thành viên trong ban soạn thảo các văn bản. Cần chế tài, xử lý việc chậm trễ trong việc ban hành các nghị định độc lập...".
Cũng đồng ý với ĐB Ngoạn về Pháp lệnh cho người cao tuổi, ĐB Sáu nói nếu quy định đủ 90 tuổi (về tháng) chỉ được hưởng trợ cấp khi không có lương hưu, không có thu nhập, không có khoảng trợ cấp là rất hạn chế. Chế độ khám chữa bệnh cho người cao tuổi "chưa sáng sủa lắm, chưa có gì cao quý". ĐB Sáu cũng đưa ra 3 vấn đề cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội: Chế độ khám chữa bệnh cho người cao tuổi có trái với NĐ (NĐ 30 - NV) không?; Thông tư 24 (hướng dẫn NĐ 120 -NV) hiện hành có hiệu lực không? Và việc khám chữa bệnh cho các cụ 90 tuổi trở lên có nên xếp chung chế độ với khám chữa bệnh cho người nghèo không?
"Xử lý những văn bản không đúng quy định bằng việc ban hành ngay những văn bản để thay thế, để sửa sai chỉ mới là biện pháp chữa cháy chứ chưa chữa trị được bệnh chủ quan gây ra cháy văn bản pháp luật", ĐB Sáu nói thêm.
Theo ĐB Mã Đình Cư (Bình Thuận), nguyên nhân quan trọng của việc còn nhiều hạn chế trong công tác hướng dẫn là do lãnh đạo một số Bộ ngành chưa đánh giá hết vấn đề, một số đánh giá còn mang tính nguyên tắc chung chung, triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn lúng túng. Việc triển khai nghị định còn chậm. ĐB Cư đưa ví dụ như QĐ số 70 ngày 31-8-2204 của Thủ tướng Chính phủ quy định tỷ lệ học phí tối thiểu là 30% đối với khối giáo dục và 45% đối với khối đào tạo dùng để tăng cường cơ sở vật chất cho cơ sở giảng dạy nhưng lại dùng để tăng lương cho CB, viên chức, giáo viên.
"Việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành chậm làm ảnh hưởng đến chất lượng VB luật, chậm đi vào cuộc sống và vô hình trung vô hiệu hóa các VB này. Đây là trách nhiệm không nhỏ của QH", ĐB Cư phát biểu. Ông cũng đề xuất giải pháp cho thời gian tới là "đề nghị cơ quan soạn thảo các dự án luật cần dưa ra những quy định cụ thể, coi nhiệm vụ giám sát VBQPPL là nhiệm vụ thường xuyên".
Theo ĐB Mạc Kim Tôn (Thái Bình), báo cáo của các cơ quan ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật là khá chu đáo, việc bổ sung phần minh họa và số liệu là rất cần thiết và hữu ích, tuy nhiên, phần lớn các văn bản ban hành chậm và quá chậm so với yêu cầu. Nhiều văn bản quy định quá lạc hậu so với thực tế, nhiều văn bản sửa đổi quá chậm, nhiều văn bản không thống nhất... khiến cơ sở lúng túng trong thực hiện.
ĐB Tôn cũng cho biết số lượng các văn bản ban hành có nội dung sai, ban hành trái thẩm quyền, trái văn bản cấp trên... còn nhiều. ĐB Tôn đề nghị Chính phủ nên giao cho Bộ tư pháp tổ chức các lớp tập huấn nội dung, phương pháp soạn thảo các văn bản hướng dẫn thi hành luật cho chất lượng; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc ban hành các văn bản thi hành luật.
ĐB Nguyễn Thanh Bình(Bắc Ninh) cũng rất băn khoăn vì tỷ lệ các văn bản hướng dẫn chậm ban hành so với quy định của pháp luật còn nhiều, ảnh hưởng trực tiếp và làm giảm hiệu quả, hiệu lực của luật trong cuộc sống. Bà đề nghị với số lượng các văn bản hướng dẫn thi hành luật cần được ban hành hiện nay là quá lớn thì Quốc hội nên coi việc ban hành các văn bản này là một phần việc của Quốc hội, không nên giao phó hoàn toàn cho Chính phủ, đồng thời tăng cường giám sát và coi đây là một nhiệm vụ của các ủy ban Quốc hội.
"Khắc phục tình trạng khung không rõ ràng thì chắc chắn sẽ khắc phục được tình trạng chậm ban hành", ĐB Lương Văn Cừ (Đắk Nông) nói. ĐB Cứ cũng cho rằng việc hoàn thành các VB hướng dẫn luật còn khá thấp: Chính phủ đạt 61%, Tư pháp 75%, Tòa án ND Tối cao 88%, Viện KSNDTC 76%. Việc chậm trễ gây ảnh hưởng lớn đến việc đưa pháp luật vào cuộc sống.
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng nên sớm khắc phục tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi và vừa vặn kim đồng hồ" trong công tác ban hành, triển khai luật. Phải xác định trách nhiệm chính thuộc về ai? Ngoài ra, cũng phải chia sẻ với Chính phủ một khối lượng công việc ngày càng lớn.
"Việc giám sát phải diễn ra thường xuyên. Phải phân công, phân nhiệm để giám sát thường xuyên", ĐB Dương Trung Quốc nhấn mạnh. "Dường như với chúng ta thông qua luật là xong, việc còn lại là dành cho các cơ quan hành pháp. Chính vì thế mới tồn tại việc ban hành Luật 10 năm mà chưa có điều chỉnh".
"Quy hoạch treo làm khổ người dân như thế nào thì các bộ luật treo (chưa được hướng dẫn) sẽ làm cho dân khổ hơn rất nhiều lần", ĐB Quốc nói thêm, "Nếu chúng ta kiên quyết hơn và ra ngay những văn bản điều chỉnh ngay từ đầu thì luật sẽ dễ dàng đi vào cuộc sống hơn. Nếu chúng ta vẫn duy trì chương trình làm luật thì phải có những biện pháp quyết liệt và tích cực".
ĐB Hoàng Văn Lợi (Bắc Giang) cho rằng cần có những đổi mới mạnh mẽ trong quy trình soạn thảo và thông qua các văn bản quy phạm pháp luật, tránh lẫn lộn giữa giải thích và hướng dẫn pháp luật.
ĐB Nguyễn Đình Lộc (TP.HCM) đặt vấn đề vì sao đến khoá XI mới được đưa ra, tuy nhiên đây là một khâu đột phá và đáng mừng. Bàn về việc giám sát thi hành luật, ĐB Lộc cho biết Hiến pháp đã quy định rõ chúng ta không chỉ ban hành luật mà còn giám sát như hình như khi luật đi vào cuộc sống thì nó thoát khỏi bàn tay của những người làm luật. "Giám sát phải trở thành nhiệm vụ thường xuyên của QH, không đơn thuần là ban hành ra luật. Chúng ta chưa làm được những quy định mà Hiến pháp đã quy định, phải làm sao để luật đi vào cuộc sống", ĐB nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng Quốc hội nên thử nghiệm xem là một luật cụ thể là làm như thế nào vì mỗi kỳ họp đều thông qua luật khung và sẽ phải chờ một loạt các văn bản hướng dẫn tiếp theo.
Trao đổi xung quanh Pháp lệnh người cao tuổi, ĐB Lộc cho rằng Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã thu nhỏ quyền của những người trên 90, và nếu có những điều khoản quy định lại thì phải báo cáo để triển khai thực hiện. ĐB cũng đặt vấn đề "một người trên 90 tuổi không có nguồn thu nhập nào thì sống như thế nào với trợ cấp 45.000 đồng/tháng? Chúng ta phải tự hào khi có những người số trên 90 tuổi. Đề nghị CP cần xem xét nâng mức trợ cấp lên ba con số, 100.000 đồng/tháng, thậm chí là 200 - 300.000đồng/tháng...".
ĐB Phan Trung Lý (Nghệ An) đặt câu hỏi không biết bao giờ chúng ta mới khắc phục tình trạng luật đã ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống vì chưa có ban hành văn bản hướng dẫn. "Luật đã ban hành là phải thi hành không phải chờ hướng dẫn", ĐB Trung Lý nói. ĐB Lý cũng đề xuất "không nên đi theo hướng xây dựng luật phải có luật khung. Luật cứ chung chung như vậy thì không có luật còn hơn. Luật phải dễ hiểu, cụ thể và dễ thực hiện. Nếu chung chung cứ chờ 5 năm, 10 năm cũng vậy. Luật phải chờ Nghị định, Nghị định phải chờ thông tư... sẽ càng phản tác dụng. Luật 1 điều mà đi vào cuộc sống còn hơn là luật nhiều điều nhưng không đi vào cuộc sống".
Ông cũng đề nghị hạn chế những trường hợp phải chờ Chính phủ và các cơ quan chuyên trách hướng dẫn.
"Chất lượng văn bản còn nhiều điểm gợi lên và có nhiều điểm để bàn. Nếu chúng ta giám sát tốt thì chắc chắn chuyện mỗi người chỉ được sở hữu một xe máy sẽ không xảy ra... Vì sao có người chỉ được ở nông thôn, có người lại được ở thành phố? Chúng ta đã hạn chế quyền của người dân", ĐB Lương Văn Cừ (Đăk Nông) tiếp tục với phần thảo luận vào buổi chiều.
Cần tăng cường giám sát thi hành luật và có giám sát mới giải quyết được vấn đề, ĐB Cừ nói. Ông cũng cho rằng cần khắc phục chất lượng các văn bản luật bằng cách khắc phục luật khung, chung. Nói về một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng văn bản luật có chất lượng chưa cao là thiếu sự phối hợp giữa các ban ngành, ĐB đặt câu hỏi: "Thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan, có thể phối hợp được nhưng vì sao?". Về vấn đề kinh phí thì theo ĐB Cừ nên có sự đầu tư thoả đáng, kinh phí quá ít để tạo ra một văn bản không hiệu quả cũng như không. 200, 300 triệu cho một văn bản hiệu quả và đi vào cuộc sống là nên bỏ ra và nên làm.
Thảo luận về ý kiến đưa Quốc hội soạn thảo luật sẽ tốt hơn, ĐB Cừ cho rằng không phải đưa cho Quốc hội thì luật sẽ tốt hơn, các tổ chức đảm trách tốt nhiệm vụ của mình thì sẽ hiệu quả ngay.
Cũng thảo luận về việc nâng cao chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật, ĐB Lê Thị Dung (An Giang) cho rằng phải nâng cao hơn nữa vai trò của các đại biểu QH, đồng thời QH phải có trách nhiệm giám sát xem luật có phù hợp không. Ngoài ra, QH cũng phải chủ chủ trì việc soạn thảo các VBQPPL, có xử lý kiểm điểm rõ ràng, đầu tư những chuyên gia giỏi, đầu tư thoả đáng cho người thực hiện. Đồng thời phải tạo điều kiện, tạo môi trường để các đại biểu QH tiếp cận và làm việc, tăng số lượng ĐB chuyên trách... Một vấn đề cũng hết sức quan trọng để đưa pháp luật đi vào cuộc sống theo ĐB Dung là tuyên truyền cho người dân vì không được tuyên truyền, dân không thông thì cũng không xong.
Cũng đồng ý với ĐB Lê Thị Dung, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho biết ngay từ đầu, chất lượng của các VBQPPL đã không thoả đáng, văn bản ban hành không có chất lượng. Để khắc phục tình trạng này thì QH phải làm tốt hơn nữa việc giám sát. Luật càng ngắn càng tốt, càng dễ hiểu càng tốt và phải có tính khả thi, có thể đi vào cuộc sống ngay khi ban hành.
Ngoài ra, theo ĐB Khánh thì mỗi ĐB Quốc hội cũng cần phát huy hơn nữa, nâng cao chất lượng các văn bản. Về vai trò giám sát của QH, ĐB Khánh khẳng định các văn bản quy phạm pháp luật cần đưa vào chương trình giám sát hằng năm để kịp thời sửa chữa.
ĐB Uông Chu Lưu (Hải Dương) bổ sung thêm ban hành những nguyên tắc cơ bản của luật nào đó phải phù hợp với những yêu cầu của thực tế. ĐB Lưu cũng trình bày ý kiến cho những giải pháp để khắc phục những bất cập đó là: Tăng cường năng lực cho các cơ quan tham mưu, tăng cường trách nhiệm của các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, các ban ngành, tổ chức thêm các phiên họp chuyên đề để thảo luận sâu sắc hơn...
ĐB Bùi Xướng (Ninh Bình) cho rằng khâu làm luật đã hiệu quả hơn, hạn chế, tránh luật khung, luật ống, nhiều luật đã đi vào cuộc sống dù chưa có thông tư hướng dẫn. Nhiều nơi còn nguyên tắc, chờ đến khi có thông tư hướng dẫn mặc dù luật đã được triển khai thực hiện. "Nếu thực hiện được thì áp dụng luôn, không cần thông tư, hướng dẫn. Pháp luật phòng chống lụt bão ra từ tháng 10 nhưng đến giờ vẫn chưa có văn bản huớng dẫn thi hành. Bộ luật Dân sự ra đã 10 năm nhưng vẫn còn 20 văn bản hướng dẫn trong khi Quốc hội đó đã có sửa đổi Bộ luật Dân sự...", ĐB Xướng phân tích. Bàn về nguyên nhân, ĐB Xướng cho rằng Qôốc hội ta dễ dãi quá, nên mạnh tay hơn trong xử lý. Ngoài ra, có luật thì cứ ban hành bao giờ ra thông tư cũng được.
ĐB Xướng cũng đưa ra một số giải pháp để khắc phục đó là tiến hàn rà soát, đánh giá lại toàn bộ và sửa sai ngay nếu có sai sót. Ông cho rằng luật, pháp lệnh khi đưa ra trình Quốc hội phải có văn bản kèm theo, nếu chưa chuẩn bị kịp thì dời lại.
Bàn về Pháp lệnh cho người cao tuổi, ông cũng đề nghị hạ số tuổi được nhận trợ cấp từ 90 xuống thành 80 đồng thời nâng mức trợ cấp lên bằng mức lượng tối thiểu vì nếu trợ chấp 45.000 đồng/tháng thì làm sao sống khi mà tiêu chuẩn của mỗi ngày có 1,5 ổ bánh mì?
Trong phiên làm việc buổi chiều, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cũng nhận xét và trình bày ý kiến về các nội dung thảo luận.
Phần làm việc cuối buổi chiều nay, Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đọc báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn từ năm 2001 đến nay. Ngày mai (24-11), Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận