22/01/2014 13:08 GMT+7

Luật đất đai 2013 không cần nhiều văn bản hướng dẫn

D.N.HÀ thực hiện
D.N.HÀ thực hiện

TTO - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Mạnh Hiển trao đổi với Tuổi Trẻ Online về kế hoạch triển khai Luật đất đai 2013 và xây dựng các nghị định hướng dẫn.

Dân tham gia xây dựng quy hoạch, phương án bồi thườngĐể dân không sợ dự án “treo” và quy hoạch “treo”Chi trả tiền bồi thường kịp thời cho dân

81Vt9v8K.jpgPhóng to
Theo Luật đất đai 2013, hi vọng tình trạng thu hồi đất tràn lan ở các địa phương sẽ không còn tái diễn -Ảnh: V.N.A.

Ông cho biết ngay sau khi Luật đất đai 2013 được ban hành, Bộ Tài nguyên - môi trường (TNMT) đã bắt tay vào triển khai luật và lấy ý kiến xây dựng dự thảo các nghị định hướng dẫn thi hành.

* Thưa thứ trưởng, theo Luật đất đai 2013, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất có điểm gì mới?

- Quyền và nghĩa vụ của người dân trong Luật đất đai mới cụ thể hơn, rõ ràng hơn và dân có lợi hơn. Thứ nhất là người dân được quyền đóng góp ý kiến để xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, góp ý vào chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư liên quan đến phần đất mình đang sử dụng. Thứ hai là người dân được giám sát công tác quản lý nhà nước về đất đai.

* Luật đất đai mới có giải quyết được vướng mắc cơ bản của Luật đất đai hiện hành như vấn đề khiếu nại, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng?

7FDoqiP2.jpgPhóng to
Thứ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Mạnh Hiển - Ảnh: D.N.Hà
- Một trong những mục tiêu quan trọng của Luật đất đai 2013 là giải quyết được những vướng mắc của những quy định hiện hành về đất đai, đồng thời bổ sung những nội dung mới để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong 5-10 năm tới.

Bên cạnh việc sớm xây dựng, ban hành những văn bản dưới luật để luật sớm được thực thi, nếu cả cơ quan nhà nước và người sử dụng đất ý thức và thực hiện tốt Luật đất đai thì sẽ hạn chế được khiếu kiện.

Gần như những vướng mắc tập hợp trong 10 năm thi hành Luật đất đai 2003 vừa qua đã được xử lý trong luật mới. Ví dụ, thời gian qua Nhà nước thu hồi đất tràn lan thì luật mới quy định rõ dự án nào Nhà nước được thu hồi. Thứ 2 là quy định điều kiện cụ thể để nhà đầu tư thực hiện dự án: phải có năng lực tài chính, phải ký quỹ và không có vi phạm pháp luật về đất đai trên cả nước.

Như vậy sẽ hạn chế tình trạng xin dự án để ôm đất, xí phần hoặc mua bán dự án. Khi Nhà nước thu hồi đất, việc bồi thường cho dân phải công khai minh bạch, kịp thời và đúng quy định. Nếu đã có phương án bồi thường mà Nhà nước thực hiện chậm thì Nhà nước phải bồi thường thêm cho dân bằng tiền phạt chậm nộp thuế.

Trường hợp người dân chây ì thì tiền bồi thường sẽ nộp vào kho bạc chứ không phải nộp vào ngân hàng để được tính lãi suất nữa. Như vậy, những quy định về chấp hành những quyết định thu hồi đất cũng sòng phẳng, công bằng giữa Nhà nước và người dân.

* Làm sao để hạn chế tình trạng luật có hiệu lực còn chờ nghị định hướng dẫn thi hành như những luật trước đây?

- Rút kinh nghiệm từ những lần trước, lần này, Bộ TNMT bắt tay vào triển khai luật và xây dựng nghị định sớm hơn. Ngay sau khi Chủ tịch nước ký lệnh ban hành khoảng một tuần, bộ đã tổ chức các hội nghị triển khai luật ở các khu vực kết hợp với lấy ý kiến đóng góp các dự thảo nghị định trên toàn quốc.

Không chỉ lấy ý kiến qua hội nghị mà lấy ý kiến bằng văn bản cụ thể. Hiện đã có dự thảo các nghị định và đang tập trung thảo luận các vấn đề mà bộ thấy rằng cần phải có ý kiến của các địa phương để đảm bảo tính thực thi của quy định.

Phải phối hợp giữa trung ương và địa phương, giữa các bộ ngành với nhau để giải quyết những vấn đề cụ thể trong luật nhằm đưa ra những giải pháp có tính khả thi cao nhất. Bộ TNMT và các địa phương cũng đang rất nỗ lực, quyết liệt để hoàn thiện các nghị định hướng dẫn.

* Những luật trước, hệ thống văn bản dưới luật rất nhiều. Lần này thì sao?

- Dự tính những văn bản hướng dẫn Luật đất đai 2013 sẽ ít hơn so với các luật trước đây vì Luật đất đai mới dày gấp đôi, nhiều điều khoản hơn. Những vấn đề cơ bản đã được đưa vào luật. Phần hướng dẫn cũng không nhiều. Một số điểm đã giao cho địa phương quyết định cho phù hợp với tập quán, thực tế từng vùng, miền.

Bộ quyết tâm để đến 1-7-2014, khi Luật đất đai 2013 có hiệu lực thì hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành đã hoàn chỉnh, các địa phương có thể bắt tay vào thực thi ngay.

* Cảm ơn ông!

D.N.HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên