03/11/2005 12:21 GMT+7

Luật Cạnh tranh: Thực thi mới là..."thách thức"

Theo Sài Gòn Tiếp thị
Theo Sài Gòn Tiếp thị

Cuối cùng thì cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh vẫn thuộc về Bộ Thương mại. Đến nay, cơ quan này mới có được 18 nhân viên nhưng phải vừa soạn thảo luật, văn bản hướng dẫn luật, vừa điều tra tất cả các vụ việc cạnh tranh, xử lý, xử phạt các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

aTCeq856.jpgPhóng to

Các nhà cung cấp dịch vụ di động đang lao vào cuộc cạnh tranh quyết liệt, nhưng vẫn còn đó dấu hiệu của độc quyền. Ảnh: A. Q.

Cuối cùng thì cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh vẫn thuộc về Bộ Thương mại. Đến nay, cơ quan này mới có được 18 nhân viên nhưng phải vừa soạn thảo luật, văn bản hướng dẫn luật, vừa điều tra tất cả các vụ việc cạnh tranh, xử lý, xử phạt các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Chính bà Đinh Thị Mỹ Loan, cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh thừa nhận: Thực thi mới là... "thách thức".

Siêu quyền lực, nhưng...

Theo tiến sĩ Lê Nết, Đại học Luật TP.HCM, vấn đề không chỉ nằm ở cơ cấu tổ chức mà còn ở... chuyên môn, nghiệp vụ. Luật Cạnh tranh điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp gây hậu quả trên thị trường. Làm thế nào để ra được một quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh -đó là câu hỏi pháp lý lẫn kinh tế, đòi hỏi người tiến hành phải biết các vấn đề về thị trường liên quan, khả năng cản trở cạnh tranh...

Mặc dù luật đã có định nghĩa nhưng xác định nó như thế nào trong thực tế không đơn giản. Chỉ có các chuyên gia kinh tế mới làm được nhưng cũng không phải dễ và khá phức tạp.

Ngoài yếu tố chuyên môn, còn phải xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ về doanh nghiệp để lấy đó làm căn cứ. Tiếc rằng, một hệ thống như vậy vẫn chưa xây dựng được. Cho nên, Luật Cạnh tranh, muốn phát huy được hiệu quả phải hoạt động đồng bộ với Luật Doanh nghiệp, Luật Thống kê.

Có nên kỳ vọng?

Cục Quản lý cạnh tranh chỉ tiến hành điều tra một vụ việc cạnh tranh khi có đơn khiếu nại cho rằng quyền, lợi ích bị vi phạm hoặc khi mình phát hiện có dấu hiệu vi phạm như có biến động bất thường về giá, cấu trúc thị trường, khả năng cạnh tranh bị hạn chế, vị trí thống lĩnh bắt đầu bị lạm dụng.

Bà Loan cho biết từ khi Luật Cạnh tranh có hiệu lực, chỉ duy nhất Viettel đến tố cáo VNPT lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, gây khó khăn cho mình trong việc kết nối vào đường trục quốc gia. Nhưng thời điểm đó chưa có văn bản hướng dẫn luật, chỉ với thông tin của Viettel và báo chí (mà không có hồ sơ) thì cũng chưa có cơ sở pháp lý để kết luận.

Trên thực tế, vụ việc đã được giải quyết bằng con đường hành chính, Bộ Bưu chính viễn thông không giải quyết được, Chính phủ phải đứng ra phân xử. Việc Viettel chọn con đường này không chỉ vì Luật Cạnh tranh chưa có văn bản hướng dẫn mà chủ yếu vì các công ty nhà nước đã quen với việc con cái trong nhà bất đồng thường đóng cửa nhờ cha mẹ phân xử. Điều này tạo tiền đề không tốt cho việc đưa luật vào cuộc sống.

Tiến sĩ Lê Nết cho rằng trước mắt Cục Quản lý cạnh tranh chỉ có thể giải quyết những vụ việc đơn giản liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh- chẳng qua là những quy tắc ứng xử giữa các doanh nghiệp với nhau được nâng lên thành luật. Còn đối với các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường thì nên tập trung lực lượng tiến hành điều tra những vụ "mẫu", có thể bằng kinh phí từ ngân sách.

Hiện nay, nên tập trung vào ngành ô tô và dược phẩm do giá thành mà người tiêu dùng đang gánh chịu ở mức cao, hai thị trường này tương đối dễ xác minh do Nhà nước quản lý khá chặt chẽ. Nếu cơ quan quản lý cạnh tranh không tự mình đứng ra làm thì sẽ khó có ai đó đứng ra yêu cầu. Các doanh nghiệp trong ngành sẽ vì quyền lợi của chính mình mà... im lặng hưởng lợi, còn người tiêu dùng thì không thể đủ thông tin, tiền bạc, thời gian để đâm đơn, theo đuổi vụ kiện.

Câu hỏi đặt ra là liệu Nhà nước có chịu dùng tiền của mình để tiến hành điều tra những doanh nghiệp Nhà nước thuộc sở hữu của mình như các Tổng công ty Điện lực, Cấp nước - vốn đang có rất nhiều "vấn đề" đối với người tiêu dùng? Nếu nhà nước không làm thì các hiệp hội, ví dụ như Hội của người tiêu dùng, cần đứng ra, cùng với báo chí tạo sức ép để công tác điều tra được tiến hành.

Chờ đợi ở... người tiêu dùng!

Tại hội thảo về "Nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về chính sách và Luật Cạnh tranh", đại diện Cục Quản lý cạnh tranh, bà Loan kêu gọi người tiêu dùng hãy chủ động hơn nữa trong việc bảo vệ quyền lợi của mình để góp phần thúc đẩy thi hành Luật Cạnh tranh. Ông Đỗ Gia Phan, phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam rất ủng hộ nhưng cho rằng, ngoài việc nâng cao nhận thức, cần có một cơ chế trao quyền cho người tiêu dùng. Theo ông, Cục Quản lý cạnh tranh nên đề nghị Nhà nước cấp một khoản kinh phí để phát triển các hội người tiêu dùng, sử dụng trực tiếp cho việc khiếu nại của hội.

Theo giới chuyên môn, vấn đề lớn nhất hiện nay là pháp luật chưa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách triệt để, thể hiện ở chỗ các quy định để bảo vệ chưa đầy đủ, thủ tục phức tạp, khó chứng minh thiệt hại và giá trị được bồi thường không cao. Trong khi đó, thời gian, chi phí cho một vụ kiện không nhỏ, người tiêu dùng có tâm lý "được vạ thì má đã sưng" nên không "đáo tụng đình".

Theo Sài Gòn Tiếp thị
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên