Ở nơi dạy sáu ngoại ngữ miễn phí suốt nhiều năm
Nép mình bên bờ Tham Lương (quận Gò Vấp, TP.HCM), ngôi nhà hai tầng ấy là chùa Lá - nơi hàng trăm học viên từ khắp TP.HCM với đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề hào hứng đến học ngoại ngữ miễn phí. Niềm vui hiện rõ trong ánh mắt từng người.
Một cách hành thiện mới
Tiếng anh Cường, quản lý lớp học, gọi lớn "Tới lớp tiếng Anh vào học rồi các em ơi, nhanh chân cho các bạn tiếp theo nữa" báo hiệu một ca học mới bắt đầu.
Gọi là lớp học nhưng thật ra là những căn phòng được chùa trưng dụng, xin tài trợ dụng cụ, bàn ghế rồi tổ chức dạy. Đến đây, học viên sẽ được chọn học một trong sáu thứ tiếng. Từ thông dụng như Anh, Trung, Nhật, Hàn, Pháp cho đến ngoại ngữ hiếm như Đức. Các học viên sẽ được học hoàn toàn miễn phí, thậm chí còn có thầy cô bản xứ đến dạy.
Người tâm nguyện đứng ra vận động nhân, vật lực và duy trì hoạt động của lớp học suốt 14 năm qua là thầy Thích Nhuận Tâm (trụ trì chùa Lá). "Là người từng học ngoại ngữ và ứng dụng rất nhiều trong cuộc sống, tôi hiểu rõ tầm quan trọng của nó. Nhưng tôi hiếm thấy có ngôi chùa nào dạy miễn phí ngoại ngữ cả. Thay vì nuôi trẻ mồ côi, cơ nhỡ cũng rất tốt như cách hành thiện cũ, tôi quyết định mở thêm lớp dạy miễn phí sáu ngôn ngữ", thầy Thích Nhuận Tâm nhớ lại.
Trên gương mặt người trụ trì hiện rõ niềm tự hào khi lớp học của ông phát triển không ngừng. "Ban đầu chỉ có vài ba lớp, hiện tại đã lên tới 80 lớp với hàng ngàn học viên đăng ký mỗi tháng", thầy Nhuận Tâm rạng rỡ nói.
Số lượng học viên đến lớp ngày một đông là bảo chứng cho sự hiệu quả dạy ngoại ngữ nơi đây mang lại. Song nó cũng phát sinh nhiều vấn đề khiến thầy Thích Nhuận Tâm trăn trở.
Số lượng học viên tại đây luôn quá tải so với cơ sở vật chất của chùa. Ban quản lý lớp phải điều chỉnh các ca học xuyên suốt mỗi ngày từ thứ hai đến chủ nhật, các lớp hoạt động hết công suất từ 7h sáng đến hơn 22h mới có thể đáp ứng.
Nhiều lúc không đủ phòng học, thầy Thích Nhuận Tâm phải nhường cả khu chánh điện để giúp học viên có nơi học tập. Là cửa Phật yên bình, các học viên đến đây đều ý thức được mình cần phải nghiêm túc học tập. "Tôi cùng các thầy cô rất nghiêm túc trong kỷ cương lớp học. Em nào không tập trung, nghỉ quá nhiều tôi sẽ mời ra khỏi lớp", thầy Nhuận Tâm nói.
Tâm người tu sĩ
Nếu đánh giá một mô hình thiện nguyện của chùa đang phát triển mạnh thì đồng nghĩa với khó khăn đi kèm cũng không ít. Vấn đề lớn nhất vẫn là chi phí và trang thiết bị học tập cho học viên.
Diện tích nhỏ nên hình ảnh các học viên đến sớm phải ngồi nheo nhóc trước hành lang, ngoài nhà xe để chờ đến ca học đã trở nên quen thuộc. Ấy thế mà trong mắt các em vẫn sáng bừng sự khao khát học.
Để duy trì lớp, thầy Thích Nhuận Tâm đã làm rất nhiều cách như thuyết giảng, viết thư pháp, bán đá phong thủy, bán vòng phong thủy… "Sao thầy không đi vận động tài trợ mà phải đích thân làm những việc này?", tôi hỏi. "Gian nan lắm!", ông nói. Duyên khởi, thầy Nhuận Tâm đã đi nhiều nơi kêu gọi tài trợ và cũng nếm trải đủ mọi đắng cay ngọt bùi với lớp học.
"Mở các cô nhi viện, giúp đỡ người khuyết tật thì dễ kêu gọi tài trợ. Còn riêng với văn hóa giáo dục thì khó lắm!", thầy Nhuận Tâm tâm sự. Thầy trụ trì chùa Lá cho rằng nhiều người chỉ thực sự động lòng trắc ẩn khi thấy các hoàn cảnh khó khăn, khiếm khuyết.
Ngay như khâu tìm giáo viên để dạy cũng muôn vàn trắc trở. Song cũng nhiều thầy cô có trình độ thạc sĩ, du học nước ngoài về đã động lòng trước sự nhiệt thành của ông mà đồng ý đến hỗ trợ. Với cái tâm của mình, ông không chỉ mời được các thầy cô trong nước mà còn thuyết phục được nhiều giáo viên bản xứ yêu thích thiện nguyện đến lớp.
Ở chùa Lá, các học viên không chỉ học ngoại ngữ mà còn được học về văn hóa và lịch sử dân tộc. Bên cạnh các giờ học do giáo viên đứng lớp, thầy Nhuận Tâm luôn quan tâm, kiểm tra chất lượng các tiết học. Đặc biệt, thầy luôn dành thời gian để chia sẻ với các học viên về nghệ thuật thư pháp, nét đẹp tôn giáo, dân tộc cùng những kỹ năng sống mà ông đã đúc kết hàng chục năm qua.
Ý nghĩa của sự miễn phí
Nhích từng chút một lên chiếc cầu thang chỉ vừa khít người đi, tôi vào lớp học tiếng Trung của chùa Lá, người đứng lớp là thầy Trương Hồng Lăng (giảng viên Trường cao đẳng Quốc tế TP.HCM) đang hăng say truyền đạt kiến thức cho hơn 30 học viên.
Căn phòng ọp ẹp chỉ được trang bị vài cái quạt cũ, thầy và trò mồ hôi nhễ nhại nhưng sự học thì luôn sáng bừng lớp nhỏ. Thầy Lăng xuống tận bàn, nắn từng nét chữ cho học viên, lặp đi lặp lại các lỗi phát âm. "Động lực nào khiến thầy có thể tận tâm với một lớp học miễn phí như vậy?". "Tôi động lòng", thầy Lăng lý giải ngắn gọn.
Người thầy có bảng thành tích học tập đồ sộ ở nước ngoài cảm mến sự hiếu học của những học viên. Dù nhà chùa có quy định giờ học rõ ràng nhưng chẳng may ai đến muộn, đích thân thầy Lăng sẽ là người xin cho các bạn lên học.
"Tôi nói với sư trụ trì mình không cảm thấy khó chịu gì hết, đến sớm hay muộn gì cũng được, miễn các bạn chịu học. Vì tôi biết các bạn còn vất vả công việc ngoài kia mới tìm tới lớp học miễn phí như thế này", thầy Lăng xúc động nói.
Và mọi sự học đều được trân trọng - đó là cách ông Phạm Văn Bầu (64 tuổi), học viên lớn tuổi nhất trong lớp thầy Lăng, khẳng định. Ông cho biết thầy cô giáo ở chùa đều dạy bằng cái tâm. "Trước tôi cũng nghi ngại chất lượng lớp học miễn phí, nhưng học tại chùa Lá, tôi đã hiểu được ý nghĩa của sự miễn phí lớn lao và ấm áp đến nhường nào", ông Bầu nói.
Biết chùa Lá khi còn sống ở Úc, cô Đỗ Thị Thiên Trang, giáo viên dạy tiếng Anh tại chùa, dù là người Công giáo nhưng chẳng chút đắn đo khi quyết định đến đây truyền đạt kiến thức.
Được đánh giá là giáo viên nghiêm khắc nhất chùa, bước vào lớp của cô Trang trong giờ học kỹ năng nghe không hề thấy một học viên nào làm việc riêng. Tất cả chăm chú, làm theo hướng dẫn mà cô giáo đã chuẩn bị rất chỉn chu trong giáo án của mình.
Cái bàn nhỏ xíu chen chúc bốn người, nhiều người ngồi lên hẳn bậc cầu thang vì thiếu chỗ. Mồ hôi vẫn cứ rơi, nhưng mắt họ chưa bao giờ rời khỏi bảng. Sự học cứ thế diễn tiến trong ngôi chùa yên bình và đầy ắp tình thương yêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận