02/09/2011 07:01 GMT+7

Lớp học tự nguyện

Nhà triết họcBùi Văn Nam Sơn
Nhà triết họcBùi Văn Nam Sơn

TT - Ở lớp học đó thầy tự nguyện đi dạy, không đòi hỏi ở học viên tiền bạc hay trình độ; trò không cần phải thi tuyển đầu vào hay làm bài kiểm tra, đánh giá và cũng chẳng cần bằng cấp gì.

Đặc biệt, môn học được giảng dạy là triết học - một môn mà không ít sinh viên bình thường e dè.

lpRWeDNI.jpgPhóng to
Trong lớp học này, mỗi học viên có cách tiếp thu bài giảng riêng - Ảnh: N.Hùng

Lớp học ngoại khóa không thu học phí và dành cho mọi đối tượng này được tổ chức một tuần hai buổi: tối thứ hai, thứ sáu tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM).

Lớp học “đặc biệt”

"Tôi chỉ mang đến cho anh chị em niềm say mê, hứng thú trong việc học chứ kiến thức thì mỗi người phải tự học lấy"

Buổi tối thứ hai tuần cuối tháng tám, trời Sài Gòn mưa tầm tã, sau một ngày học tập, làm việc, các thành viên của lớp lại chuẩn bị cho buổi học. Chàng “lớp trưởng” tên Phương có mái tóc xoăn bồng bềnh, lãng tử cùng vài người xếp bàn ghế lại theo hình chữ U. Anh cho biết mình đã theo học lớp này được hơn hai năm.

18g, thầy giáo, nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn đến lớp. Vào học, thầy Nam Sơn ngồi bàn chính giữa, hơn 40 học viên đủ các lứa tuổi ngồi xoay quanh thầy. Trong buổi học ấy, thầy Nam Sơn giảng về thuyết dụng hành (Pragmatism) tiếp theo buổi học hôm trước. Giọng hào sảng, ông giảng về việc con người giải quyết quá trình hoài nghi bằng các phương pháp như cố chấp, quyền uy, tiên nghiệm và khoa học... Thỉnh thoảng thầy ngưng lại, trả lời phản biện của học viên về vấn đề mình vừa trình bày. Và cũng có khi, thầy đứng dậy, trình bày lên bảng những ví dụ minh họa sinh động bằng tiếng Anh và cả tiếng Việt.

Bên dưới, người tỉ mẩn ghi chép, người chẳng mang theo tập vở gì chỉ ngồi lặng lẽ suy ngẫm, người khác chống tay lên cằm lộ vẻ suy tư...

Bên cạnh những bài học về lý thuyết, nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn hướng dẫn học viên thực hành dịch văn bản kinh điển “Xây ở suy tư” (Bauen Wohnen Denken - Martin Heidegger). Học viên nào đã dịch sẵn ở nhà thì đọc bài dịch của mình trước lớp, các học viên khác nghe và giơ tay góp ý. Cuối cùng, thầy giáo sẽ kết luận phần dịch ấy đã chính xác chưa, nên sửa thế nào, vì sao lại sửa như thế...

Những bài học từ triết

Tranh thủ giờ giải lao, hai chị em Nguyễn Thị Mộng Thuyền và Nguyễn Thị Mộng Thẩm cho hay đã theo học tại lớp được hơn một tháng. Mộng Thuyền đã tốt nghiệp khoa quan hệ quốc tế Trường ĐH Ngoại ngữ - tin học TP.HCM được ba năm, hiện làm cho một tổ chức phi chính phủ về bảo trợ trẻ em. “Tôi học thấy hay nên rủ em gái cùng học - Mộng Thuyền bộc bạch - Những khi gặp khúc mắc trong cuộc sống, bài giảng của thầy giúp tôi tự tìm lời giải cho vấn đề hoặc giải quyết một cách nhẹ nhàng hơn...”.

Trong khi đó, học viên đầu tiên của lớp được thầy Nam Sơn tặng sách bởi “nhiều chuyện phát biểu này nọ trong giờ học”, Tôn Nữ Quỳnh Vy (sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM) cho hay bạn biết đến lớp qua thư điện tử của Câu lạc bộ Dịch giả trẻ và đăng ký học ngay. “Tôi không học chuyên ngành triết, cũng không thể ở nhà tự ôm một cuốn sách triết mà... đánh vật với nó - Vy chia sẻ - Nhưng tôi cần phải có kiến thức cơ bản để “làm quen” với triết. Lớp học này đáp ứng được điều ấy”.

Chị Võ Thị Nữ Châu, đang làm việc tại một tổ chức phi chính phủ, cho hay dù bận đi làm cả ngày nhưng tối chị vẫn cố gắng đi học. Chị Châu nhận định: “Những bài giảng của thầy không khô khan như lâu nay mình nghĩ. Cái hay trong cách dạy của thầy là phân tích từng chủ đề cụ thể bằng cách so sánh sự khác nhau của nhiều lối tư duy. Từ đó đi đến các vấn đề triết học một cách cặn kẽ”.

Một cô sinh viên ngành triết Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn cho hay bạn được thầy giáo của mình, giảng viên Trần Kỳ Đồng, giới thiệu đến lớp của thầy Nam Sơn. “Thật bất ngờ khi tôi đến lớp thì gặp thầy của mình cũng là học viên ở đây - bạn nói - Hai thầy trò cùng theo học cho đến nay. Lớp nhiều độ tuổi nhưng mọi người hòa đồng, chan hòa chứ không gò bó, tranh đua gì. Học viên với thành phần công việc đa dạng nên trao đổi, chia sẻ với mọi người rất thoải mái và học hỏi được nhiều”.

Đào tạo nguồn nhân lực dịch thuật

Về lý do mở lớp, nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn cho hay giữa năm 2008 một số người đã tìm đến nhà ông để trao đổi những kiến thức về triết học. Từ đó, mỗi tuần ông đều tổ chức lớp học tại nhà. Sau đó, lớp tại nhà “quá tải” do đông người học nên chuyển qua học tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn trong dự án “Đào tạo nguồn nhân lực dịch thuật chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn”.

TS Nguyễn Đức Lộc, phó giám đốc Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp và phát triển nhân lực Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), cho biết dự án này do Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh, NXB Tri Thức và Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn tổ chức nhằm tạo nguồn nhân lực xây dựng “Tủ sách đại học” thông qua việc dịch những bài báo, công trình nghiên cứu. Trong đó, trường sẽ hỗ trợ địa điểm và cơ sở vật chất cho việc tổ chức lớp. NXB Tri Thức, Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh sẽ mời các chuyên gia tham gia giảng dạy. Bên cạnh lớp học về triết học còn có các lớp về nhân học, văn hóa học, kinh tế học, lý luận văn học, xã hội học, luật học và chính trị học, tâm lý học.

Nhà triết họcBùi Văn Nam Sơn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên