16/08/2011 07:58 GMT+7

Lớp học chật chội

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển

TT - Sĩ số học sinh (HS)/lớp quá cao không chỉ làm khổ HS mà ngay cả giáo viên cũng “mướt mồ hôi”... Năm học mới 2011-2012, tình trạng này không chỉ diễn ra ở nội thành mà đã lan rộng ra các quận, huyện vùng ven.

ZcN3zDIs.jpgPhóng to
Một lớp học của Trường tiểu học Xuân Thới Thượng (Hóc Môn, TP.HCM) do tận dụng mặt bằng căngtin nên lối đi rất hẹp - Ảnh: Như Hùng
qVqgCG9r.jpgPhóng to
Học sinh lớp 1/1 Trường tiểu học Lê Văn Sĩ, TP.HCM kiểm tra dụng cụ học tập trong ngày tựu trường. Năm nay, trường tăng thêm hai lớp 1 với sĩ số bình quân 40 học sinh/lớp - Ảnh: NHƯ HÙNG

Ở Trường tiểu học Xuân Thới Thượng (Hóc Môn, TP.HCM) có lớp sĩ số tăng đến 53 HS, diện tích lớp học tuy vẫn đạt 6x8m nhưng do HS đông nên các bàn đầu tiên được kê sát bục giảng, HS sẽ rất mỏi khi phải ngước lên cao.

Ông Nguyễn Hồng Hòa, phó hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Số HS vào lớp đúng tuyến trên địa bàn là 241 em, tuy nhiên hiện nay trường đã nhận đến 400 em. Hiện một phần cơ sở vật chất của trường đang được nâng cấp giai đoạn một, nên không thể tổ chức bán trú cho khối lớp 1 mà chỉ duy trì hoạt động bán trú ở những lớp trên. Hiện sĩ số trung bình ở lớp 1 là 45 em/lớp, ở lớp 5 có lớp lên đến 53 em/lớp do nhiều HS chuyển tới”.

Thở đã mệt, nói gì đến học

Tương tự, tại Trường tiểu học Nam Thành Công, quận Đống Đa, Hà Nội năm học này có mười lớp 1 thì tám lớp có sĩ số từ 58-62 HS/lớp. Chị Nga, một phụ huynh có con học lớp 1I, cho biết: “Các cháu còn quá nhỏ, lần đầu đến trường nhưng lại phải học ở lớp có đến 62 HS. Cô giáo chỉ lo dạy đã mệt, làm sao quan tâm được hết từng cháu. Tôi thấy lo quá!”. Ông Hoan, có cháu học lớp 1M trường này, cũng cho biết: “Nhiều cháu bé trong ngày tựu trường còn sợ sệt, khóc mếu. Có cháu ăn sáng còn ói ra vì quá căng thẳng. Vậy mà lớp có đến 62 HS. Trời nóng bức mà hơn 60 đứa trẻ tập trung trong một lớp học, chỉ thở đã mệt nói gì đến học!”.

Nhiều trường tiểu học khác trên địa bàn Hà Nội như Kim Liên, Cát Linh, Trung Tự, Kim Đồng, Hoàng Diệu, Lê Văn Tám... tình trạng chung cũng là quá tải với sĩ số trên 50 HS/lớp, có trường trên 60 HS/lớp.

Một phụ huynh có con học lớp 3 Trường tiểu học Kim Đồng cho biết sĩ số lớp năm trước là 52 HS, năm nay bổ sung thêm một số HS mới nên càng quá tải. Trong buổi tựu trường, một số phụ huynh chờ đón con ở Trường tiểu học Kim Liên nhận xét chỉ thấy sĩ số HS/lớp ngày càng đông chứ không giảm. Chị Quỳnh, một phụ huynh có con học lớp 2, cho biết sĩ số lớp của cháu gần 60 HS.

Mầm non quá tải

Khó đưa ra quyết định xử lý

Chúng tôi rất khó đưa ra một quyết định xử lý đối với những sở GD-ĐT còn tình trạng sĩ số HS/lớp quá tải. Bởi việc quy hoạch mạng lưới trường lớp phụ thuộc rất lớn vào sự quan tâm, đầu tư của chính quyền địa phương. Những quy định xử lý nếu không cân nhắc kỹ sẽ không những không tạo động lực cho các địa phương cố gắng khắc phục, mà có thể lại gây áp lực cho các trường, thầy cô giáo vốn đã vất vả vì chuyện quá tải sĩ số này.

Ở bậc mầm non của Hà Nội, tình trạng quá tải về sĩ số còn phổ biến hơn nữa. Theo điều lệ trường mầm non do Bộ GD-ĐT ban hành, mỗi lớp mầm non công lập phải đảm bảo dưới 35 HS/lớp/hai cô giáo. Từ mức này, nếu mỗi lớp thêm mười cháu sẽ phải bổ sung một cô giáo. Diện tích dành cho mỗi HS trường mầm non phải đạt 1,5m2.

Tuy nhiên, năm học này tình trạng phổ biến ở nhiều trường vẫn là 65-70 HS/lớp. Bà Phạm Thị Dung, phó trưởng phòng phụ trách mầm non của Phòng GD-ĐT quận Đống Đa, cho biết: do có tới bốn phường chưa có trường mầm non nên các trường lân cận phải gánh đỡ, sĩ số đội lên là việc không thể khắc phục được.

Các trường mầm non Đống Đa, Kim Liên của quận này nhiều lớp có sĩ số 70 trẻ/lớp. Tương tự ở quận Ba Đình, các trường mầm non Tuổi Thơ, Họa Mi cũng có sĩ số trên 50 HS/lớp. Ở quận Cầu Giấy, theo bà Bùi Thị Vân Anh - trưởng Phòng GD-ĐT, sĩ số trung bình của các trường công lập trên toàn quận là 60 HS/lớp. Tuy sĩ số đông nhưng các trường cũng không có điều kiện tăng cường giáo viên.

Tại TP.HCM, việc sĩ số HS mầm non đạt trên 50 HS/lớp đã không còn xa lạ từ nhiều năm nay, đặc biệt ở những lớp mẫu giáo 4-5 tuổi. Tình hình khó cải thiện ngay nên Sở GD-ĐT TP.HCM đã chỉ đạo: “Khi lên tiết dạy, giáo viên cần chia lớp thành nhiều nhóm nhỏ để giảm bớt áp lực quá tải”.

Bà Phạm Thị Hồng Nga, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng việc quá tải ở trường mầm non có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân cơ bản là phụ huynh đua nhau cho con vào trường điểm. Vì trong khi có những trường tại Hà Nội còn thiếu nguồn tuyển hoặc chỉ có khoảng 30 HS/lớp thì có những trường HS quá đông. Riêng bậc học mầm non, theo bà Nga, với trên 800 trường mầm non, trong đó hơn 680 trường công lập là nỗ lực lớn của ngành GD-ĐT Hà Nội, nhưng do cung chưa đủ cầu nên để có chỗ học cho trẻ, các trường phải chấp nhận tình trạng sĩ số đông.

Vì đâu?

Theo giải thích của Phòng GD-ĐT quận 8, TP.HCM, các trường trên địa bàn quận đều đã có quy hoạch hẳn hoi nhưng việc giải phóng mặt bằng cực kỳ khó khăn, nhất là những mặt bằng do các cơ quan, đơn vị thuộc cấp trung ương quản lý. Như Trường tiểu học Lý Thái Tổ - “ngôi trường không chạm đất” mà báo Tuổi Trẻ từng phản ánh cách đây hai năm, đến nay vẫn chưa được xây mới vì không thể giải phóng mặt bằng. Tình hình xây dựng trường, lớp bị “đóng băng” nhiều năm, mới đây đích thân chủ tịch UBND TP trực tiếp đến làm việc đã tháo gỡ khó khăn nhưng trong số bốn trường sắp được xây mới thời gian tới, vẫn chưa có tên Trường Lý Thái Tổ.

Cùng chung hoàn cảnh, ở quận Gò Vấp, số HS tăng so với năm học trước là 2.196 HS, bình quân sĩ số HS là 48,7. Tuy nhiên, ở một số trường điểm, sĩ số lớp lên đến trên 50 em/lớp. Trong khi đó, nhiều dự án xây dựng mạng lưới trường lớp vẫn còn vướng giải tỏa đền bù khiến tiến độ chậm lại, như các trường THCS Tân Sơn, Mầm non phường 12, THCS phường 9...

Bên cạnh đó, số dân nhập cư vào TP ngày càng đông cũng khiến tình trạng trường lớp ở TP.HCM luôn “nở nồi”. Năm học này, quận Thủ Đức đưa vào sử dụng 118 phòng học mới nhưng sĩ số bình quân vẫn ở mức cao (bậc tiểu học là 42,5 HS/lớp). Ông Nguyễn Trọng Cường - trưởng Phòng GD-ĐT quận Thủ Đức - phân tích: “Năm nay Thủ Đức có 3.400 HS lớp 9 ra trường thì số HS vào lớp 6 là 4.300; số HS lớp 5 ra trường là 4.200 thì HS vào lớp 1 là 6.200. Đó là chưa kể gần 1.000 HS từ các tỉnh khác chuyển về đã khiến các trường mới xây của Thủ Đức đều kín chỗ. Việc bảo đảm chỗ học cho con em là yêu cầu đầu tiên nên mặc dù phụ huynh có nhu cầu cho con học bán trú rất đông nhưng ngành giáo dục không thể đáp ứng hết vì thiếu cơ sở vật chất”.

Tương tự, năm nay các trường ở quận Bình Tân phải “gồng mình” đón thêm 5.800 HS so với năm học trước vì “đặc điểm địa bàn quận là dân nhập cư rất đông. Ngay thời điểm này, khi các trường ở trung tâm TP đã ổn định sĩ số và bắt đầu vào chương trình của năm học mới thì nhiều trường ở Bình Tân vẫn phải tiếp nhận HS vào học” - ông Trần Hữu Vĩnh, trưởng Phòng GD-ĐT quận Bình Tân, cho biết. Tính đến thời điểm này, Bình Tân đã có gần 700 HS tiểu học ở các tỉnh khác chuyển về.

Trường học... bỏ hoang

Có mặt tại Trường tiểu học Hòa Thuận 2 - điểm Hòa Sơn (Kiên Giang), chúng tôi thấy ngôi trường này vắng lặng, cửa lớp đóng chặt, bàn ghế phủ đầy bụi... Bà Ngô Diệu Huệ (nhà gần trường) nói ngôi trường này đã nghỉ dạy hai năm nay rồi. Bây giờ đang là mùa tựu trường nhưng trường không có bóng dáng học sinh nào. Bà Huệ cũng cho biết do trường bỏ không nên mấy chú ở ấp đã lấy một phòng của trường để làm việc và bảng hiệu của trường trước đây nay cũng đổi tên thành “trụ sở ấp Hòa Sơn”.

Tương tự, Trường tiểu học Mong Thọ A1 - điểm Hòa Ninh 2 cũng không có học sinh đến học. Theo ông Nguyễn Hoàng Việt (nhà cạnh trường), trường này đã bỏ hoang hơn ba năm nay. Thầy Lê Vũ Thắng - phó hiệu trưởng Trường Thạnh Phước 1 (xã Thạnh Phước, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) - cho biết năm học này nhà trường đang “đau đầu” với điểm trường (một cơ sở của trường học) Kênh Ranh vì tình trạng thiếu học sinh.

Thầy Thắng than: “Năm rồi điểm trường này chỉ có 17 học sinh và chỉ duy trì dạy được một học kỳ phải dời ra điểm chính. Năm nay chúng tôi phải năn nỉ các phụ huynh cho điểm trường này đóng cửa vì quá ít học sinh nên không thể duy trì giảng dạy được”.

Ông Trần Văn Nhì, phó giám đốc ban quản lý dự án Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh Kiên Giang, cho biết toàn ngành giáo dục trên địa bàn có đến 206 phòng học với diện tích xây dựng 11.714m2 bỏ trống không sử dụng. Các phòng học không sử dụng này được xây dựng thời kỳ kiên cố hóa trường lớp giai đoạn trước năm 2008.

Nói về tình trạng phòng học thiếu học sinh, ông Trần Văn Mứng, trưởng Ban văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Kiên Giang - cho biết qua kiểm tra, giám sát cho thấy nguyên nhân thì có nhiều nhưng cái chính là không có học sinh đến học các điểm trường này. Trước đây do sức ép huy động học sinh đến trường phải đạt tỉ lệ cao mà nhiều địa phương xây dựng các điểm trường tại các vùng nông thôn. Tuy nhiên hiện tình hình giao thông phát triển, hệ thống đường sá, cầu cống đã nối liền với các trung tâm nên các em có xu hướng chọn trường ở trung tâm dẫn đến nhiều điểm trường không có học sinh. Cũng theo ông Mứng, hơn 200 phòng học không sử dụng là lãng phí rất lớn.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên