Những thành phố dọc dài biên ải, khi đứng trước các con đường mang tên những người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, trong chúng tôi bỗng đồng vọng câu hát: Dòng tên anh khắc vào đá núi, mây ngàn hóa bóng cây che…

Từ dòng tên khắc trên đá núi, tên của các anh đã là tên đất nước, là định danh địa chỉ. Dòng tên liệt sĩ trên tấm bia đá giữa rừng sâu heo hút nay không chỉ là tấm biển gắn tên phố phường, mà in trên giấy tờ thư tín với số nhà, tên đường. 

Hơn cả sự tri ân với máu xương người ngã xuống, đó còn là lời nhắc nhở với mai sau. 

Những tên đường vang vọng miền biên ải - Ảnh 1.

Mùa xuân này chúng tôi đi qua Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu và bồi hồi theo những tên đường tên phố…

Những tên đường vang vọng miền biên ải - Ảnh 2.

Đại lộ Võ Nguyên Giáp chạy từ khu đô thị mới Cam Đường - Lào Cai ngược lên thành phố cũ có những con đường nhánh mang tên những anh hùng, liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh năm 1979. 

Con đường mang tên Đại tướng rộng rãi và thoáng đãng chạy men dọc sông Hồng và những con đường mang tên người lính nằm kề nhau ở đô thị biên ải này luôn mang lại những niềm suy ngẫm về lịch sử vệ quốc của đất nước.

Tháng 2-2014, kỷ niệm 35 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 - 2014), Lào Cai là tỉnh đầu tiên ban hành nghị quyết đặt tên của nhiều anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất này.

Hàng chục chuyến công tác lên với biên ải, chúng tôi vẫn còn nhớ cảm giác của mình khi đứng trước những nhà bia tại những đồn biên phòng heo hút. 

Để rồi giờ đây, không chỉ Lào Cai mà Hà Giang, Lai Châu… đã thêm rất nhiều tên phố, tên đường như niềm tri ân xương máu những anh hùng đã ngã xuống vì từng tấc đất biên ải.

Những tên đường vang vọng miền biên ải - Ảnh 3.

Con đường đầu tiên chúng tôi đặt chân đến Lào Cai trong hành trình này mang tên một nhà báo, nhà văn: phố Bùi Nguyên Khiết. 

Những tên đường vang vọng miền biên ải - Ảnh 4.

Nhà báo Bùi Nguyên Khiết trước lúc hy sinh một tuần được đồng nghiệp chụp khi anh đang ở Tả Ngải Chồ - Mường Khương

Trên tấm bảng tên đường có thêm phần tiểu sử ngắn gọn: "Bùi Nguyên Khiết (1945 - 1979) là nhà báo, phóng viên báo Hoàng Liên Sơn. Ông hy sinh tại mặt trận biên giới huyện Mường Khương khi đang tác nghiệp, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc".

Hoàng Liên Sơn là tên cũ khi hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái sáp nhập sau 1975. Tháng 2-1979, nhà báo Bùi Nguyên Khiết trở thành phóng viên mặt trận. Người con đất Nho Quan (Ninh Bình) chọn Lào Cai làm quê hương đã anh dũng hy sinh khi đang chiến đấu bảo vệ chốt biên giới Tả Ngải Chồ (huyện Mường Khương, Lào Cai). Khi đó anh mới 34 tuổi.

Trong cuộc chiến những ngày tháng 2-1979 ấy, những người lính chung mặt trận Tả Ngải Chồ, Pha Long ở Đồn biên phòng Pha Long đã để lại một bức điện mật gửi về chỉ huy sở. Bức điện đã đi vào lịch sử: "Một sư đoàn địch đang vây hãm đồn. Chúng tôi đã chiến đấu hết đạn. Xin vĩnh biệt các đồng chí. Ngọc".

Những tên đường vang vọng miền biên ải - Ảnh 5.

Cùng được đặt tên đường đợt đầu ở Lào Cai lần này còn có một người lính ở mặt trận Mường Khương: Anh hùng liệt sĩ Võ Đại Huệ. 

Tháng 2-1979 , thiếu úy Võ Đại Huệ là đại đội trưởng Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 16, Công an nhân dân vũ trang. Anh trực tiếp chỉ huy lực lượng chặn đánh quân địch tại ngã ba Mạn Tuyển và núi Na Khuy.

Sau khi dùng B40 và hỏa lực mạnh chặn đánh, bắn cháy bốn xe tăng, đẩy lùi 11 đợt tấn công của đối phương, qua ngày 18-2, khi chỉ huy đơn vị phá vòng vây, người sĩ quan biên phòng quê Nghi Lộc (Nghệ An) ấy đã hy sinh.

Võ Đại Huệ được truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất và được phong danh hiệu anh hùng vào cuối năm 1979. Khi anh hùng Võ Đại Huệ hy sinh, chị Hoàng Thị Bích Nhật, vợ anh, mới 25 tuổi, đang mang thai đứa con thứ hai, đã ở vậy để nuôi con.

Chị Nhật trong một lần gặp phóng viên Tuổi Trẻ từ 8 năm trước đã kể  rằng tháng 8-1978 khi anh Huệ về thăm nhà lần cuối, anh bảo: "Tình hình rất căng thẳng, nếu anh có mệnh hệ gì thì em ở lại nuôi hai con, chăm sóc bố mẹ già thay anh". 

Người con gái thứ hai chào đời sau khi bố hy sinh, còn người con trai đầu của anh, Võ Trọng Hùng sau này cũng nối nghiệp bố trở thành một sĩ quan biên phòng và Hùng cũng từng là một nhân vật trên báo Tuổi Trẻ.

Những tên đường vang vọng miền biên ải - Ảnh 6.

Ông Lương Quang Hạnh, chủ ngôi nhà số 01 phố Võ Đại Huệ, trò chuyện với bạn Nguyễn Thị Trang - nữ cán bộ trẻ của phường Bắc Cường (TP Lào Cai) - về câu chuyện chiến tranh năm 1979

Hôm chúng tôi đến thăm phố Võ Đại Huệ, chủ nhân của ngôi nhà mang số 01 Võ Đại Huệ là ông Lương Quang Hạnh bảo: "Các anh đi viết bài về anh hùng Võ Đại Huệ à?". 

Chúng tôi ngạc nhiên: "Có vẻ anh cũng biết rõ về anh hùng Võ Đại Huệ?". 

"Tên của con phố mình đang sống thì mình cũng phải tìm hiểu chứ. Mà ngay sau tháng 2-1979 chúng tôi đã có mặt ở đây rồi, khi đó từ Thái Bình chúng tôi lên đây làm công nhân Công ty xây dựng số 1 tỉnh Hoàng Liên Sơn nhưng nhiệm vụ chính là thu dọn chiến trường.

Những anh hùng liệt sĩ trong cuộc chiến bảo vệ biên giới dạo đó đều được nhắc đến nhiều trong các cuộc sinh hoạt của đoàn thể tuổi trẻ. Cũng từ ký ức tuổi trẻ ấy nên giờ đây chúng tôi rất vui khi biết tên các anh đã được đặt tên đường. Và như gia đình tôi, sống trên con đường mang tên anh Võ Đại Huệ cũng rất ý nghĩa vì họ là những người cùng thời với anh em chúng tôi". 

Vợ ông Hạnh, bà Phạm Thị Huê, cũng là bạn cùng đơn vị, cùng lên Lào Cai năm 1979 rồi thành vợ chồng với ông Hạnh, bảo: "Khu phố này hồi xưa là bãi hoang, nay thì các anh thấy đấy, tấc đất tấc vàng cả".

Những tên đường vang vọng miền biên ải - Ảnh 7.

Khác với đường phố mang tên anh hùng Võ Đại Huệ khá hiền hòa, phố Quách Văn Rạng lại tập trung rất nhiều ngôi nhà to đẹp, có thể nói là khu phố có nhiều nhà đẹp nhất trong số các phố mang tên các anh hùng bảo vệ biên giới.

Những tên đường vang vọng miền biên ải - Ảnh 8.

Một căn biệt thự trên phố mang tên anh hùng Quách Văn Rạng ở Lào Cai

Anh hùng liệt sĩ Quách Văn Rạng người dân tộc Mường, quê quán ở huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Thời điểm tháng 2-1979, anh là trung đội phó chiến đấu của Đồn biên phòng 125 cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

Sáng 17-2-1979, khi đối phương bất ngờ tấn công đồn cửa khẩu quốc tế Lào Cai ngay đầu cầu Hồ Kiều, Quách Văn Rạng đã dũng cảm chỉ huy đơn vị đánh trả quyết liệt, bẻ gãy nhiều đợt tấn công, giữ vững trận địa đầu cầu Hồ Kiều bên bờ sông Nậm Thi. Sau năm ngày chiến đấu, đơn vị chỉ còn vài chiến sĩ.

Đối phương phát hiện ra Quách Văn Rạng, chúng xông đến quá đông, Rạng đưa một chiến sĩ bị thương giấu vào bụi cây và ra hiệu cho đồng đội ẩn nấp kín đáo để cả hai không bị rơi vào tay địch. Sau đó, anh một mình xách khẩu AK vừa chạy vừa bắn trả, đánh lạc hướng.

Súng hết đạn, Quách Văn Rạng tung hai trái lựu đạn cuối cùng, diệt nhiều lính đối phương. Anh bị bắt, tra tấn dã man, đối phương ép anh chỉ đường đến vị trí mới của đơn vị, nhưng anh quyết không khai nửa lời. 

Quách Văn Rạng bị tra tấn đến chết, năm đó anh mới 23 tuổi! Tháng 12-1979, Quách Văn Rạng được phong anh hùng.

Những tên đường vang vọng miền biên ải - Ảnh 9.

Cùng với ba đường phố được đặt tên vào năm 2014 là Bùi Nguyên Khiết, Võ Đại Huệ và Quách Văn Rạng, mới đây thêm một con phố nữa được đặt tên Nguyễn Bá Lại nằm ở phường Xuân Tăng. 

Những tên đường vang vọng miền biên ải - Ảnh 10.

Phố Nguyễn Bá Lại ở phường Xuân Tăng (TP Lào Cai)

Con phố mang tên anh hùng Nguyễn Bá Lại nối từ đường Nguyễn Trãi qua đường Phan Bá Vành, xuống ngay bến đò Làng Giàng nổi tiếng.

Nguyễn Bá Lại là kỹ sư, trưởng phòng kỹ thuật kiêm trung đội trưởng tự vệ của Đoàn địa chất 305 (Liên đoàn địa chất 3). Thời điểm ấy, đơn vị anh đang đứng chân ở khu vực mỏ đồng Sin Quyền, xã Bản Vược, huyện Bát Xát (Lào Cai).

Ngày 17-2-1979, đối phương cho pháo bắn dồn dập và dùng lực lượng lớn vượt hai cầu phao bắc qua sông Hồng, chiếm các điểm cao và bao vây khu vực đoàn bộ Đoàn địa chất 305. 

Quân đối phương dùng cối bắn cấp tập rồi ồ ạt xông lên điểm chốt của ta. Trong trận chiến ấy, Nguyễn Bá Lại đã nằm đè lên quả lựu đạn bị đối phương ném vào hầm, nhận sự hy sinh về mình để cứu sống sáu đồng đội còn lại.

Những tên đường vang vọng miền biên ải - Ảnh 11.


    

Những tên đường vang vọng miền biên ải - Ảnh 12.

Đúng 7 năm trước, chúng tôi lên Vị Xuyên rồi tìm về Minh Hòa - huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ - để viết về anh hùng Nguyễn Viết Ninh, người lính đã hy sinh đúng ngày 29 Tết năm 1985.

Khi chúng tôi tìm về quê nhà của anh, gia đình anh đang chuẩn bị lễ giỗ lần thứ 30 cho anh Ninh. Không một cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên nào không từng nghe tới lời thề khắc trên báng súng của Nguyễn Viết Ninh: "Sống bám đá/ Chết hóa đá/ Thành bất tử".

Chúng tôi về quê anh, mộ phần anh vừa được cải táng đưa từ nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên về trong vườn nhà. Chợt nghĩ vì sao một người lính đã hy sinh và lời thề vệ quốc đã góp phần tiếp lửa cho đồng đội trong cuộc chiến khốc liệt trên đá núi Hà Giang lại chỉ còn một nấm mộ đơn sơ trong khu vườn miền trung du Phú Thọ.

Mấy năm nay, mỗi lần trở lại Vị Xuyên, chúng tôi lại tìm vào đài hương 468 thấy như được an ủi bởi đài hương đơn sơ năm nào nay đã xây thành một quần thể tưởng niệm, tuy không lớn nhưng trang nghiêm, là nơi thờ phụng và tưởng nhớ những người lính mặt trận Vị Xuyên hy sinh từ 1984 đến 1989.

Những tên đường vang vọng miền biên ải - Ảnh 13.

Tên của anh hùng Nguyễn Viết Ninh và hai đồng đội khác đã được đặt cho ba đường phố ở thành phố Hà Giang. Để có được ghi nhận đó, có công lao của một đồng đội, cựu binh Vị Xuyên, anh Nguyễn Văn Kim.

Số là sau khi biết Lào Cai đã đặt tên đường phố cho các anh hùng ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ biên giới, anh Nguyễn Văn Kim viết thư cho HĐND tỉnh Hà Giang đề nghị Hà Giang cũng nên có những tên đường là các anh hùng của mặt trận Vị Xuyên.

Những tên đường vang vọng miền biên ải - Ảnh 14.

Anh Nguyễn Văn Kim và đồng đội chụp ảnh lưu niệm dưới tấm biển tên đường mang tên anh hùng Nguyễn Viết Ninh ở TP Hà Giang

Lá thư đầu tiên anh gửi năm 2015, khi ấy, ở Lào Cai đã có các tên đường Quách Văn Rạng, Võ Đại Huệ và Bùi Nguyên Khiết. Và nếu đặt các tên đường ở Hà Giang chắc chắn phải có tên của anh Nguyễn Viết Ninh.

"Sau khi thư đi chúng tôi chờ mãi, cuối cùng cũng có hồi âm rằng việc đặt tên đường sẽ được thông qua bởi HĐND, tuy nhiên để đặt tên đường thì phải tìm các tuyến đường xứng đáng với công trạng của các anh. Năm 2017 tôi lại viết tiếp lá thư thứ hai để… thúc giục. Thế rồi lại vẫn có hồi âm và vẫn phải chờ".

Cuối cùng thì tâm nguyện của anh Nguyễn Văn Kim dành cho các đồng đội cùng được thỏa nguyện sau lá thư thứ ba. 

Tháng 12-2020, HĐND tỉnh Hà Giang ra nghị quyết đặt tên một tuyến phố và hai tuyến đường mang tên ba người anh hùng của mặt trận Vị Xuyên. Tuyến phố mang tên anh hùng Nguyễn Viết Ninh và hai tuyến đường mang tên Hoàng Hữu Chuyên và Lê Trần Mãn.

Những tên đường vang vọng miền biên ải - Ảnh 15.

Tuyến đường mang tên anh hùng Hoàng Hữu Chuyên dài 3,2km, điểm đầu nối quốc lộ 2 về khu vực kho K8. Người lính quê Đan Phượng (Hà Nội) ấy đã ngã xuống trong trận đánh khốc liệt nhất ở mặt trận Vị Xuyên, ngày 12-7-1984. Khi hy sinh anh là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316.

Sinh năm 1952, Hoàng Hữu Chuyên vào lính đã tham gia chiến trường Cánh Đồng Chum (Xiêng Khoảng, Lào) từ năm 1970, rồi dài theo đường trận mạc, anh tham gia chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột tháng 3-1975. 

Tại mặt trận Vị Xuyên năm 1984, Chuyên là tiểu đoàn trưởng. Chiến dịch MB84 nhằm lấy lại các cao điểm bị quân Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5-1984.

Đại úy Chuyên hy sinh lúc 32 tuổi. Sự hy sinh anh dũng của anh được ghi nhận. Ngày 29-8-1985, liệt sĩ Hoàng Hữu Chuyên được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Những tên đường vang vọng miền biên ải - Ảnh 16.

Vuông góc với đường Hoàng Hữu Chuyên là tuyến đường mang tên Lê Trần Mãn. Đường Lê Trần Mãn dài 660m nằm ở xã Phương Thiện, TP Hà Giang.

Anh hùng Lê Trần Mãn, quê Hoằng Hóa (Thanh Hóa), khi hy sinh là thượng sĩ Đại đội 7, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 153, Sư đoàn 356. Trận chiến giữ chốt trên cao điểm 685, nơi được mệnh danh là "lò vôi thế kỷ" cuối tháng 1-1985 diễn ra vô cùng khốc liệt.

Dưới sự chỉ huy của thiếu tướng Hoàng Đan, những người lính sư 356 đã tổ chức hàng trăm trận đánh trong hơn ba tháng, tái chiếm và giữ vững cao điểm 685. Anh hùng Lê Trần Mãn cũng hy sinh oanh liệt tại cao điểm 685 này như anh hùng Nguyễn Viết Ninh trước đó.

Những tên đường vang vọng miền biên ải - Ảnh 17.

Giờ đây, ngoài hai con đường kề nhau là Hoàng Hữu Chuyên và Lê Trần Mãn, có phố mang tên Nguyễn Viết Ninh dài 305m thuộc tổ 7 phường Quang Trung, thành phố Hà Giang.

Mỗi lần "giỗ trận Vị Xuyên", những cựu binh đồng đội của các anh hùng lại đến đây, chụp cùng nhau những tấm ảnh dưới biển tên đường mang tên đồng đội. 

Hơn cả niềm tự hào và tri ân, với những cựu binh Vị Xuyên, những tên đường ấy sẽ là dấu khắc vĩnh cửu của tuổi thanh xuân của họ đã không tiếc máu xương cho chủ quyền đất nước.

Những tên đường vang vọng miền biên ải - Ảnh 18.

Hai đường phố mang tên anh hùng liệt sĩ ở Lai Châu được đặt tên muộn hơn so với Lào Cai và Hà Giang.

Nhiều năm trước, khi đến công tác ở Đồn biên phòng Sì Lở Lầu và Đồn Ma Lù Thàng (huyện Phong Thổ, Lai Châu), chúng tôi đã gặp những dòng chữ khắc chiến công các anh hùng Nguyễn Vũ Tráng và Nguyễn Văn Hiền trên những tấm bia đá ở nhà bia tưởng niệm của đồn.

Những tên đường vang vọng miền biên ải - Ảnh 19.
Những tên đường vang vọng miền biên ải - Ảnh 20.

Nhà bia ở Đồn biên phòng Sì Lở Lầu, địa bàn Đồn 1 cũ - nơi anh hùng Nguyễn Vũ Tráng hy sinh

Đồn biên phòng Sì Lở Lầu chính là "Đồn 1" và Đồn biên phòng Ma Lù Thàng là "Đồn 33". Cả hai đều nằm trên địa bàn huyện Phong Thổ và giai đoạn 1979 thuộc Công an vũ trang tỉnh Lai Châu.

Tên của anh hùng Nguyễn Vũ Tráng được khắc đầu tiên trên tấm bia đá ghi danh 27 liệt sĩ của Đồn Sì Lở Lầu, cũng như ở Đồn Ma Lù Thàng, tên anh hùng Nguyễn Văn Hiền được ghi đầu tiên trong 33 liệt sĩ của đồn, và hầu hết đều ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Cuộc chiến xảy ra từ ngày 17-2, nhưng trung úy, chính trị viên phó Đồn 1 Nguyễn Vũ Tráng cùng anh em chiến đấu ngoan cường kéo dài cho đến ngày 6-3. Sáng đó, lợi dụng sương mù, đối phương tổ chức nhiều mũi tấn công vào đồn và Đại đội 5 của Công an nhân dân vũ trang Lai Châu.

Nguyễn Vũ Tráng chỉ huy đơn vị đánh địch quyết liệt. Khi khẩu 12,7 ly của chốt bên bị hỏng hóc, anh đã băng qua lưới đạn đến sửa súng cho đồng đội. Bị thương gãy cả hai chân, Nguyễn Vũ Tráng vẫn ngoan cường chỉ huy đơn vị chiến đấu cho đến lúc hy sinh. Năm đó anh vừa tròn 31 tuổi.

Những tên đường vang vọng miền biên ải - Ảnh 21.
Những tên đường vang vọng miền biên ải - Ảnh 22.

Nhà bia ở Đồn biên phòng Ma Lù Thàng, địa bàn Đồn 33 cũ - nơi anh hùng Nguyễn Văn Hiền hy sinh

Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Hiền cũng hy sinh khi vừa tròn 30 tuổi. Sinh năm 1949, quê ở Thiệu Yên (Thanh Hóa), trưởng thành từ một chiến sĩ nuôi quân, tận tụy chăm sóc các bữa ăn cho đơn vị rồi được giao nhiệm vụ làm công tác cơ sở vận động quần chúng, anh đã hết lòng thương yêu đồng bào các dân tộc, động viên bà con định canh định cư. 

Sáng 17-2, khi quân đối phương có xe tăng, pháo yểm trợ, ồ ạt tấn công Đồn biên phòng 33, thiếu úy Nguyễn Văn Hiền chỉ huy một phân đội dũng cảm chặn đánh ở mũi chính diện. Phân đội đã đẩy lùi hàng chục đợt tấn công liên tiếp.

Ngày hôm sau, 18-2, đối phương tăng cường quân, ồ ạt tấn công. Ba lần bị thương gãy cả hai chân, Nguyễn Văn Hiền vẫn không rời vị trí, tiếp tục cùng các chiến sĩ phản kích địch quyết liệt. 

Đối phương dùng chiến thuật biển người ào lên hết đợt này đến đợt khác. Đạn sắp hết, Hiền lệnh cho 12 chiến sĩ phá vây, rút về tuyến sau, tiếp tục chiến đấu. Một mình anh ở lại ghìm chân đối phương và anh dũng hy sinh.

Những tên đường vang vọng miền biên ải - Ảnh 23.

Tên đường của anh hùng Nguyễn Vũ Tráng và Nguyễn Văn Hiền xuất phát làm thành một góc công viên

Những tên đường vang vọng miền biên ải - Ảnh 24.

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH - NGỌC QUANG
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH - NGỌC QUANG
NGỌC THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên