25/09/2014 15:20 GMT+7

​Lòng nhân ái hiện diện khắp mọi nơi

LƯU ĐÌNH LONG(Biên tập viên Báo Giác Ngộ, TP.HCM)
LƯU ĐÌNH LONG(Biên tập viên Báo Giác Ngộ, TP.HCM)

Ở Sài Gòn này, nếu có dịp chạy ngang những con đường, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những thùng nước đá hay trà đá được đặt ở góc nào đó, ngay ngã tư chẳng hạn, với lời mời chào dễ thương: “Trà đá miễn phí, thơm ngon, mát lòng”.

Với mong muốn chia sẻ một phần khó khăn, nhọc nhằn với thí sinh và phụ huynh trong kỳ thi đại học sắp tới, hàng nghìn suất cơm chay miễn phí sẽ có mặt tại các cổng trường đại học và địa điểm thi để phục vụ sĩ tử và người nhà. Trong ảnh, Nhóm “Cơm 5000đ Hà Nội” phục vụ trà đá miễn phí tại các địa điểm thi và ăn cơm trong chùa Bằng A.(Ảnh Vũ Tuân)

Người Việt nhân ái trong nghĩa thương yêu trao tặng, sẵn lòng san sẻ những điều tốt đẹp, bình an cho người khó khăn. Mối quan tâm tới người khác được thể hiện thấm nhuần trong thơ ca từ xa xưa như: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” hay “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”…

Mới nhất trong những ngày đầu tháng 9-2014 là chuyện bé Kim Ngân (4 tuổi) bị cha dượng và mẹ ruột đánh đến biến dạng mặt mày. Khi những hình ảnh thương tâm của bé được đăng báo thì nhiều bạn đọc đã không cầm được nước mắt, chung tay ủng hộ hàng trăm triệu đồng, có người nghĩa hiệp còn đứng ra tình nguyện nhận chăm sóc Ngân cho đến khi trưởng thành…

Không chỉ giúp đồng bào mà trong tương quan xóm giềng, đồng loại, người Việt cũng chung tay chia sẻ yêu thương một cách hết mình. Còn nhớ sau cơn bão dữ Haiyan (Hải Yến) quét qua Tacloban (Philippines) năm ngoái, trong tình cảnh tang thương của những người dân nước bạn, người Việt cũng “nhường cơm xẻ áo” dù hoàn cảnh nước mình cũng bão lũ dập dồn mỗi năm. Đó là lòng nhân ái, biết người khổ hơn mình, đau hơn mình nên xắn bớt phần mình để chung tay xoa dịu nỗi đau đồng loại mà không cần suy tính.

Mùa Tết, Trung thu hay bất cứ dịp nào, lễ lộc gì, ở đâu chúng ta cũng thấy có chương trình thiện nguyện. Những phong trào giúp nhau thoát nghèo, vượt khó hay những hoạt động ý nghĩa... ngày một phổ biến, lan tỏa khắp thành thị, nông thôn. Người Việt lấy câu “Lá lành đùm lá rách” là kim chỉ nam, thậm chí “lá rách đùm... lá nát” để thể hiện quyết tâm cao độ hơn trong ý nghĩa người với người sống để thương nhau.

Ngay với đối tượng đi xâm lăng mình mà tới lúc thất trận người Việt còn không lấy oán báo oán, ngược lại dùng đức báo oán bằng cách cấp voi ngựa, giúp thuyền bè để tàn quân của họ trở về nước. Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi đã thể hiện rõ nội dung ấy. Cũng như trong cuộc chiến chống Pháp, Mỹ xâm lược hồi trước 1975 cũng nói rõ điều đó. Nhiều tướng lĩnh, lính Pháp - Mỹ đã được chính nhân dân ta chung tay cứu khi họ rơi vào thế hiểm, nên mang ơn và trở lại Việt Nam trong tư cách người bạn chân thành, nhất là sau khi chiến tranh chấm dứt, đất nước mở cửa...

Cũng mới đây, từ tháng 6 đến tháng 8-2014, Báo Tuổi Trẻ đã mở cuộc thi Hạt giống tâm hồn Việt tạo được sức lan tỏa trong cộng động. Nếu ai theo dõi và có đọc bài dự thi từ cuộc thi sẽ thấy có rất nhiều cá nhân điển hình làm từ thiện, giúp đời bằng những khả năng nhất định với hạnh nguyện lớn lao là mong cho người ta bớt đói, bớt khổ nghèo hoặc bớt đi những đau thương, mặc cảm... để sống tốt hơn. Lòng nhân ái đem lại ánh sáng niềm tin cho cuộc đời - để nếu có lúc nào đó tưởng chừng như xã hội đang tồn tại quá nhiều vấn đề, đáng chán thì cũng còn đó nơi để chúng ta tìm về, neo đậu một góc bình yên trong tâm hồn…

Chung tay lan tỏa giá trị Việt

Diễn đàn “Tự hào cùng Việt Nam” do báo Tuổi Trẻ và Samsung Việt Nam tổ chức - thuộc chương trình “Samsung tự hào cùng Việt Nam” - nhằm để bạn đọc chia sẻ những trải nghiệm, những câu chuyện tôn vinh phẩm chất, đức tính và các giá trị văn hóa của người Việt.

Đây cũng là cơ hội gạn đục khơi trong nhằm xây dựng giá trị Việt mang đậm bản sắc dân tộc, là niềm tự hào của người Việt Nam.

Thư từ, bài viết tham gia diễn đàn “Tự hào cùng Việt Nam” xin gửi về tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc qua email: tuhaovietnam@tuoitre.com.vn.

Bạn đọc cũng có thể đóng góp ý kiến, theo dõi các ý kiến, tranh luận và làm khảo sát xoay quanh chủ đề trên ở trang: tuhaovietnam.tuoitre.vn.

LƯU ĐÌNH LONG(Biên tập viên Báo Giác Ngộ, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên