02/10/2005 07:09 GMT+7

Long đong đời chợ

HOÀI TRANG
HOÀI TRANG

TTCN - Theo qui hoạch chung của TP.HCM sau khi triển khai dự án đại lộ Đông - Tây, sẽ có 10 chợ đầu mối buôn bán nông sản thực phẩm trong nội thành phải di dời ra ngoại thành. Địa điểm mới là chợ Tam Bình (quận Thủ Đức), chợ Hóc Môn (thường gọi là chợ Tân Xuân) và chợ thủy hải sản Bình Điền (quận 8).

5sRpJ0Zc.jpgPhóng to
Chợ Bình Điền hiện vẫn còn ngổn ngang như một công trường
TTCN - Theo qui hoạch chung của TP.HCM sau khi triển khai dự án đại lộ Đông - Tây, sẽ có 10 chợ đầu mối buôn bán nông sản thực phẩm trong nội thành phải di dời ra ngoại thành. Địa điểm mới là chợ Tam Bình (quận Thủ Đức), chợ Hóc Môn (thường gọi là chợ Tân Xuân) và chợ thủy hải sản Bình Điền (quận 8).

Trong đợt di dời vào tháng 10-2005 này, TP tiếp tục cho di dời tiếp năm chợ, gồm chợ cá Hòa Bình (quận 5), chợ cá Xóm Củi (quận 8), chợ tạm thủy hải sản Chánh Hưng (Bình Chánh), Sân Cá 50 và chợ Mai Xuân Thưởng (quận 6). Ngoài một số nhỏ gồm 29 hộ ở chợ Mai Xuân Thưởng sẽ di dời về chợ Tân Xuân thì tất cả các hộ kinh doanh còn lại ở năm chợ này theo dự kiến đều sẽ di dời ra Trung tâm thương mại Bình Điền (tên gọi hiện tại).

Các hộ phải di dời và chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, kế hoạch di dời, bàn giao mặt bằng trước 20-10-2005 sẽ được thưởng 5 triệu đồng; nếu giao mặt bằng trước 30-10-2005 sẽ được thưởng 2 triệu đồng.

Song cho đến thời điểm này, chợ Bình Điền vẫn “chưa hoàn thành”. Trong khi đó, nhiều tiểu thương và Ban quản lý chợ Mai Xuân thưởng cho biết khi di dời ra đây họ phải vào khu tạm buôn bán để chờ khoảng quí 1 hoặc 2-2006 mới chính thức nhận sạp.

Phải chấp hành chủ trương và kế hoạch di dời chợ dù đang bước vào thời điểm làm ăn được nhất của một năm, hàng ngàn tiểu thương và lao động liên quan không biết công việc làm ăn của mình rồi sẽ ra sao...

Qc2huS2Q.jpgPhóng to

Lên xuống hàng hóa ở chợ đầu mối Mai Xuân Thưởng (Q.6)

Những ngày chợ cuối...

Sạp hàng của chị Nguyễn Thị Kim Hà nằm ở chợ Mai Xuân Thưởng (quận 6) trên đường Phan Văn Khỏe. Cả tháng nay, trong lòng chị Hà có một nỗi lo nặng trĩu: phải chuẩn bị mọi thứ cho việc di dời chợ vào giữa tháng mười tới. Chị thở dài: “Ai cũng hoang mang không biết ra chợ mới sẽ bán buôn ra sao! Bạn hàng có theo ra hay sẽ bỏ mình tìm mối khác...”.

Hầu hết các hộ kinh doanh có giấy phép hoặc không có giấy phép kinh doanh nhưng vẫn thực hiện nghĩa vụ thuế ở chợ Mai Xuân Thưởng đều là những vựa bán buôn. Hoạt động ở các chợ đầu mối này đều theo hình thức bán gối đầu, thường chỉ đến cuối năm, những ngày cận tết mối lái mới tiến hành thanh toán tiền bạc nợ nần cho nhau.

Thắc mắc, băn khoăn của tiểu thương các chợ và một số vấn đề chưa rõ trong việc di dời đã được chúng tôi đặt ra với những người có trách nhiệm ở Sở Thương mại và UBND TP.HCM. Thế nhưng cho đến giờ chúng tôi vẫn chưa nhận được một cuộc tiếp xúc trao đổi nào. Sở chỉ qua TP, TP chỉ qua sở. Tất cả đều bảo những chính sách liên quan di dời đều đã được thông báo trong quyết định đã có. Những vấn đề liên quan khác phải chờ sở tập hợp lại và sẽ trình TP xem xét giải quyết sau.

Nhiều tiểu thương ở các chợ phải di dời đều khẳng định không ai muốn “ra đi” ngay thời điểm bắt đầu làm ăn “được” nhất của các chợ trong một năm trời buôn bán, nên tâm trạng ai cũng thấy bất an. Một tiểu thương khác cho biết vựa của bà có tới gần 20 “con nợ”, người ít thì vài triệu, người nhiều đến hơn cả chục triệu, đi lưng chừng như vậy không biết làm sao để bạn hàng chịu “theo” mà trả cho mình.

Anh Nguyễn Thế Phong, chủ một vựa cá ở chợ Xóm Củi (Q.8), cho biết nhiều bạn hàng của anh đã tính đến chuyện làm đơn kiến nghị xin được hoãn di dời đến sau tết nhưng không biết có được giải quyết không.

Đi quá xa khu vực kinh doanh cũ, mối lo lắng đầu tiên của các chủ vựa là sợ bị bạn hàng bỏ, chưa kể phải thay đổi điều kiện làm ăn, sinh sống của cả gia đình. Bà Mai cho biết nhiều bạn hàng già của bà từ các chợ đều về đây lấy hàng, “bây giờ mình đi xa như vậy sợ họ không theo nổi”.

0fCDgSKa.jpgPhóng to
Các hộ bán sỉ và lẻ nhỏ không nằm trong diện được di dời ở chợ Mai Xuân Thưởng
Đi về đâu?

Theo BQL chợ Mai Xuân Thưởng, (vấn đề nan giải nhất hiện tại là) ngoài số lượng chính thức các hộ “được” di dời từ dự kiến ban đầu trên 700 hộ, sau đó rút xuống 527 hộ và sau đợt điều chỉnh vừa rồi hiện chỉ còn 374 hộ, 326 hộ “được” di dời ra Bình Điền, 29 hộ “đi” Tân Xuân và các hộ kinh doanh thực phẩm, ăn uống khác được hỗ trợ tự di dời, thì những hộ kinh doanh còn lại không biết sẽ đi vào đâu.

Theo ông Lê Văn Dân, trưởng BQL chợ, số hộ buôn bán kè kè theo chợ từ hàng chục năm nay và cũng đã được quận chấp nhận cho bán tạm thời này trên thực tế còn đông hơn số lượng chính thức của chợ và phải tròm trèm cả ngàn hộ, chưa kể nhiều người bán lẻ khác.

Bà cụ già ở căn hộ 222B Phan Văn Khỏe cho biết gia đình quá nghèo, không có khả năng sang sạp, bà chỉ lấy hàng dạt từ các xe hàng, mối lái về “bán nới tay kiếm cơm”.

Rất nhiều hộ trong diện này trên thực tế chỉ là những người buôn sỉ nhỏ hoặc bán lẻ và thu nhập cũng không dư dả gì, nên nếu có được di dời thì họ cũng không đủ khả năng bỏ ra hàng trăm triệu đồng để thuê một sạp ở chợ đầu mối mới. Một sạp ở các chợ mới thường có diện tích rất lớn với giá thuê trung bình

12 triệu/m2, và một sạp rộng khoảng 32m2 như ở chợ Tân Xuân thì giá (tùy theo vị trí hoặc chính sách được hưởng) cũng phải mất từ trên 200-400 triệu đồng. Bà cụ cho biết không nằm trong “diện được đi”, cũng không có tiền để đi và cũng chưa biết sẽ sống như thế nào khi chợ di dời và các hộ buôn bán còn lại sẽ bị giải tỏa trắng. Bà nói: “Tới chừng đó mới hay”...

Bên cạnh đó, bám vào chợ để sinh sống hàng chục năm nay là hàng nghìn lao động chân tay làm đủ thứ nghề từ bốc vác, kéo hàng, rửa rau, lau quả cho đến lột vỏ tỏi, vỏ hành...

Nặng lòng nhất là số phận của hàng trăm thợ bốc xếp. Ngoài những nhân công của nghiệp đoàn bốc xếp đang “trối chết” lo chuyển đổi thành hợp tác xã làm đối tác để được chuyển ra Bình Điền làm thì còn đến hàng trăm lao động bốc xếp tự do chưa biết sẽ ra sao. Có nhiều gia đình sống dính với chợ này từ hàng chục năm nay với đủ thứ nghề đã kể trên.

Và cả 23 thành viên của BQL chợ trong kế hoạch không được “theo” tiểu thương về các chợ mới nên sắp tới cũng chưa biết sẽ đi về đâu.

mxSrCP76.jpgPhóng to
Chợ Bình Điền ngổn ngang đầy sắt thép
Những chuyện nặng lòng

Khổ sở không kém là các hộ kinh doanh ở chợ tạm Chánh Hưng. Khi chợ Cầu Muối - Cầu Ông Lãnh bị giải tỏa, khi các bạn hàng khác được di dời về chợ Tam Bình (Thủ Đức) và Tân Xuân (Hóc Môn) thì gần cả trăm hộ kinh doanh thủy hải sản ở đây cũng chưa có chỗ để về vì chợ Bình Điền xây chưa xong.

Họ phải về bán ở chợ tạm. Theo dự kiến, đầu năm 2004 họ sẽ chính thức dời sang chợ Bình Điền nhưng chờ mãi cũng không thấy chợ mới. “Chúng tôi đã quá ngán ngẩm vì phải đi nhưng đi mãi mà cũng chưa đến được chỗ cần đến”, một tiểu thương bức xúc.

Cũng theo BQL, các tiểu thương ở chợ Mai Xuân Thưởng được di dời ra chợ Bình Điền vẫn phải tiếp tục kinh doanh ở khu tạm trước khi được bố trí chính thức vào sạp mới. Thời điểm để chính thức vào sạp thì có người bảo nghe nói đến cuối năm, người bảo sau một năm...

Có mặt tại chợ Bình Điền vào những ngày cuối tháng chín, tức là chỉ còn không đầy một tháng nữa là đến thời điểm các chợ trên phải giải tỏa, trước mắt chúng tôi chợ đầu mối này hiện vẫn còn là một công trường ngổn ngang đầy sắt thép.

Trong hai nhà lồng chính, sàn bêtông thậm chí còn chưa được đổ. Dãy nhà ban quản lý điều hành chợ cũng còn trơ đầy giàn giáo. Đường nối từ đại lộ Nguyễn Văn Linh vào chợ hiện cũng chưa được tráng nhựa, trong khi đường Hoàng Đạo Thúy, con đường ngắn nhất từ khu vực An Lạc để đến chợ, hiện vẫn là một con đường... làng đắp đất đá với đầy những ổ voi khổng lồ.

Bên cạnh đó, BQL chợ Mai Xuân Thưởng cũng cho biết nhiều hộ đã có “tờ chấp thuận có mộc” để di dời về chợ Tân Xuân nhận sạp nhưng về đó cũng chưa có sạp để vô vì nghe nói sạp đó đã được cho thuê và vẫn phải tiếp tục chờ.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, phó giám đốc Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ Tân Xuân, cho biết hiện tại chợ cũng chỉ còn 19 ô (sạp) trống, nhiều hộ đăng ký về nhưng chưa có chỗ và hiện chỉ ưu tiên những hộ có chính sách, chế độ trước. Các hộ chưa có chỗ sẽ được xếp chỗ tạm, qua quí 1, 2 mới được vô chính thức.

Làm sao để giảm thiểu những khó khăn cho người dân ngoài những quyết định và những con số lạnh lùng? Chị Út và chị Bảy, hai hộ kinh doanh liền kề nhau ở khu C chợ Tân Xuân, cho biết phải gian nan lắm họ mới trụ được đến bây giờ khi phải di dời từ chợ Cầu Muối về đây từ cuối năm 2003.

Trong khi các bạn hàng di dời về chợ Tam Bình đã ổn định thì lúc đó chợ Tân Xuân cũng chưa kịp hoàn tất. Họ phải theo bạn hàng ra chợ Tam Bình bán đắp đổi qua ngày ở khu tạm chờ ngày về chợ mới. Về đây khi đã mất hết mối lái như bao người khác họ cũng phải làm lại từ đầu. “Mỗi một cuốc xe ôm về nhà phải mất 25.000 - 30.000đ nhưng cũng không thể đi đêm hôm suốt như vậy được nên riết rồi cả tuần mới về nhà một lần”. “Ai cũng bảo ra đây là ra... đảo ở”.

Chịu không thấu cảnh ngủ sạp, gần đây hai chị phải hùn tiền thuê chung một chỗ trọ giá 300.000 đồng gần chợ. Nhiều gia đình phải bê cả nhà từ chợ Cầu Muối và Cầu Ông Lãnh về đây cũng chọn cách này.

Ông Dũng thừa nhận thời gian đầu tiểu thương nào mới về chợ cũng khổ sở vì phải hì hụi gầy dựng tìm mối mới, cả ban quản lý chợ cũng thấy khổ lây. Chị Bảy kể rất nhiều người như chủ sạp C4 bên cạnh và nhiều sạp khác không có nhiều vốn liếng hoặc hoàn cảnh quá khó khăn sau một thời gian chịu không nổi đã phải bỏ sạp quay về chợ cũ hoặc bỏ nghề.

HOÀI TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên