Lồng đèn
TTO - Ánh điện không thể kể cổ tích chú Cuội chị Hằng, âm thanh nổi không thể thay tiếng hát, và lồng đèn nhựa chẳng thể phản chiếu ông sao, con bướm lung linh theo từng bước chân.
>> Nói không với lồng đèn xài pin>> Lồng đèn Việt tiêu thụ mạnh
Lồng đèn truyền thống Việt Nam - Ảnh: H.Nhựt |
Trung thu năm nay, khắp phố phường đi đâu cũng thấy lủng lẳng, lúc lắc những chiếc lồng đèn bằng nhựa be bé, đủ hình dạng sắc màu. Nhìn các bậc cha mẹ hăm hở chọn lựa cho con đón Tết trung thu với những chiếc lồng đèn pin - nhựa, tôi nhớ chiếc lồng đèn giấy kính của mình năm xưa...
Năm xưa đó, nào có xa, chỉ vừa hai mươi năm lẻ, tôi nao nức đợi bà nội dẫn đi mua lồng đèn khi những tờ lịch đầu tiên của tháng 8 âm lịch được mở lên. Những chiếc lồng đèn giấy kính đỏ, vàng rực rỡ hình con bướm, bông hoa, tàu thủy, chim công, ông sao… ở cửa hiệu đầu ngõ khiến ánh mắt trẻ thơ không thể nào thờ ơ mỗi khi đi ngang qua.
Ngày ấy, những hôm gần rằm, cả xóm thường tắt điện để lũ nhỏ chúng tôi rước đèn từ đầu xóm đến cuối xóm, hát khản cả giọng bài hát quen thuộc “Tết Trung thu em rước đèn đi chơi…”. Và hình như ngày ấy, không có một người lớn nào ngoài ông… trăng trên trời cao đi theo chúng tôi để canh chừng những chiếc lồng đèn. Bọn trẻ chúng tôi tự giữ lấy chiếc lồng đèn như giữ báu vật.
Chân thì bước thật khẽ, tay thì cầm thật chắc, mỗi khi một cơn gió thổi qua, ánh lửa đèn cầy chao nghiêng là tôi cùng những đứa trẻ khác lập tức xoay người vào thân cây, vào bờ tường để chắn gió cho đèn.
Trong ký ức trẻ thơ ấy, 10 năm cầm lồng đèn của tôi chưa từng xảy ra vụ hỏa hoạn nào do lửa từ chiếc lồng đèn giấy kính (trong khi đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều bậc phụ huynh e ngại khi quyết định mua lồng đèn nhựa cho… khỏe!). Mà thời đó, làm gì có lồng đèn nhựa để bọn trẻ chúng tôi có cơ hội lựa chọn. Và chắc chắn rằng thời đó, nhà gỗ nhiều hơn nhà gạch. Mà tôi cũng chắc chắn rằng chẳng có đứa trẻ nào, ngày xưa hay bây giờ, lại thích một mình rước đèn trong nhà.
Trước sự “tấn công” của lồng đèn nhựa không sợ cháy và biết phát ra tiếng nhạc thì ký ức tuổi thơ của tôi và của nhiều bạn trẻ ngày xưa ấy cứ mãi lay động như ngọn lửa đèn cầy. Tôi chợt thấy buồn, không hiểu mình buồn cho mấy ông bà chủ bán lồng đèn giấy kính ở Chợ Lớn, hay buồn cho các em nhỏ bây giờ không có được một đêm Trung thu với tiếng hát vang trong gió, với chiếc lồng đèn lung linh trên tay, với ông trăng soi bóng những bước chân tuổi nhỏ.
Có thể bạn cho rằng tôi thủ cựu, mãi ôm lấy những hình bóng xưa cũ mà không muốn cho con trẻ được bước vào thế giới hiện đại với đèn điện sáng choang, với giọng ca sĩ nhí phát ra từ dàn âm thanh nổi, với chiếc lồng đèn nhựa an toàn tuyệt đối.
Bạn biết không, đôi khi những nỗi sợ hãi mơ hồ của người lớn lại lấy đi mất những ký ức tuổi thơ đẹp đẽ của trẻ em...
NGUYÊN NGHI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận