22/07/2016 12:20 GMT+7

Lời thú tội

TIẾN TRÌNH
TIẾN TRÌNH

TTO - Cho đến nay, mặc dù đã có hàng trăm người Việt được cho là đã bị sát hại trên đảo Koh Tang, nhưng sự thật cái chết của họ chưa được chính thức thừa nhận.

Nhân chứng S. (phải) kể với phóng viên Tuổi Trẻ vụ thảm sát hàng trăm người dân Thổ Châu bị Khmer Đỏ bắt cóc - Ảnh: T.T>
Nhân chứng S. (phải) kể với phóng viên Tuổi Trẻ vụ thảm sát hàng trăm người dân Thổ Châu bị Khmer Đỏ bắt cóc - Ảnh: T.T.

Anh muốn hỏi chuyện gì, tôi biết tôi nói hết. Giữ trong lòng hoài cũng khó khăn lắm

Som Sok

Người Campuchia không nghe nhắc đến, sử sách của Việt Nam lẫn Campuchia cũng không tận tường về số phận của người dân Thổ Châu vô tội này. Trong lúc này, có lẽ chỉ có những cựu binh Khmer Đỏ mới biết tận tường vụ việc.

“Từ khóa” Koh Tang

Sau nhiều ngày tìm kiếm nhân chứng, tôi được ông Jim Monat - chánh văn phòng Đảng CPP tại Sihanoukville - giới thiệu một cựu binh Khmer Đỏ từng đóng tại Koh Tang. Đó là N. (Nhuong Chroung), thành viên trong lực lượng Khmer Đỏ đồn trú ở Koh Tang.

Sau gần 20km đường từ Shihanoukville đến Ream, chúng tôi gặp được N. - một người đàn ông gầy còm, liên tục đốt thuốc. Người cựu binh Khmer Đỏ, với giọng run run, cho biết anh ta ở Koh Tang hai năm, từ 1975 - 1977 nhưng (sợ hãi?) thú nhận là mình chẳng biết gì.

Cuối cùng, nhờ vào mối quen biết, một cảnh sát Campuchia đã nhiệt tình giúp tôi tiếp tục tìm kiếm các nhân chứng là cựu binh Khmer Đỏ từng ở Koh Tang. Đầu tiên là ông K. (Kim Nhim), đồng đội cũ của ông nói rằng ông là người trực tiếp chứng kiến những cảnh hành quyết các nạn nhân bị bắt cóc.

Thế nhưng, khi tìm đến ông thì người thân bảo ông đã đi làm thuê ở một hòn đảo nào đó và từ lâu không liên lạc với gia đình. Cuối cùng, tôi chỉ còn hi vọng sẽ tìm được ông S. (Som Sok). Nguồn tin cho biết ông S. chính là người tham gia chiếm Thổ Châu năm 1975.

Sau đó, tôi nhận được tin ông S. đang ở một phum gần biển thuộc xã Ream, huyện Prey Nup (Sihanoukville). Nhưng ông đã đi làm ăn xa nhà và không biết bao giờ về. Bỗng nhiên ngay sau đó, anh bạn cảnh sát điện thoại báo tin đã bắt liên lạc được với ông S..

Càng bất ngờ hơn khi ông S. là người chủ động gọi và nói ông biết tất cả vụ việc và sẵn sàng nói chuyện với tôi.

Nhân chứng cuối cùng

Người đàn ông gầy còm, đen đúa trong chiếc áo sờn vai, ngồi lặng trong một góc quán nhỏ ở trung tâm huyện Prey Nup (Sihanoukville) chính là ông S.. Sau cái bắt tay rụt rè, ông S. - người cựu binh Khmer Đỏ - nói phải gặp tôi ở xa nơi ông ở, vì không muốn những người trong phum của ông biết được những gì ông nói.

Ông ta mở lời: “Anh muốn hỏi chuyện gì, tôi biết tôi nói hết. Giữ trong lòng hoài cũng khó khăn lắm”. Người đàn ông 60 tuổi, tự giới thiệu mình là tiểu đội trưởng trong quân đội Khmer Đỏ, đóng ở Koh Tang từ năm 1975 - 1979. Có nghĩa là ông đã chứng kiến toàn bộ những diễn biến ở hòn đảo này từ khi Khmer Đỏ đánh chiếm Koh Tang.

“Tháng 5-1975, tôi có mặt trong đội quân đánh chiếm một đảo của Việt Nam. Đảo gì tôi không nhớ tên”. Khi tôi đưa ra bản đồ chỉ vị trí đảo Thổ Châu, ông S. gật đầu: “Đúng rồi, là đảo này”. Ông S. nói tiếp: “Cấp trên nói với chúng tôi là đưa quân sang giúp bạn Việt Nam đánh quân Thiệu - Kỳ (quân đội VNCH). Nhưng chúng tôi đến đó chiếm thôi chứ không đánh vì lúc đó trên đảo không có quân đội”.

Những ngày chiếm đóng đảo, ông S. và đồng đội của ông vẫn đối xử tốt với dân trên đảo. Người dân cũng chẳng ai chống đối gì. Trong lòng họ nghĩ đó là những người bạn.

Cho đến một ngày, cấp trên của ông ra lệnh bắt hết dân Thổ Châu đem sang Campuchia. Ai chống cự thì giết ngay. Ông vuốt mặt và kể: “Lúc đó có hai ý kiến, trói họ rồi đem thả xuống biển hay là bắt về Campuchia. Chúng tôi chọn cách đưa họ về Campuchia để cấp trên xử lý”.

Cách giết người của Khmer Đỏ

Theo lời ông S., sau khi đảo Thổ Châu được Việt Nam giải phóng, ông và những người dẫn giải cư dân Thổ Châu đến quần đảo Koh Tang đã bị giữ lại, biên chế vào tiểu đoàn 21 đóng trên đảo. Tiểu đoàn này, cũng như nhiều đơn vị quân đội khác của Khmer Đỏ, được đặt dưới sự chỉ đạo của các cố vấn Trung Quốc.

“Họ (cố vấn Trung Quốc) ở trong Kampongsom, thỉnh thoảng ra đảo Tang huấn luyện võ thuật, kỹ thuật chiến đấu cho lính trên đảo. Các hoạt động trên đảo chúng tôi đều làm theo lệnh của các cố vấn Trung Quốc. Chỉ huy đảo thỉnh thoảng lại vào Kampongsom làm việc với họ”, ông S. nói.

Ông S. nói quân đội trên đảo Koh Tang không có quân hàm. “Họ chỉ bổ nhiệm tôi làm tiểu đội trưởng. Chúng tôi làm việc không có lương. Chúng tôi bắt được người Việt Nam, lấy nhiều vàng nhưng bị sếp lấy hết”. Nếu như cuộc sống chỉ huy trên đảo rất “vương giả” thì cấp dưới thời điểm đó rất vất vả. Ông S. nói những năm 1975 trở đi lương thực rất thiếu thốn.

Trong lúc đó phải dẫn giải hàng trăm người Việt Nam lên đảo lại càng không có lương thực để cho ăn. “Ban đầu lính trên đảo ăn cơm, dân ăn cháo, bo bo, sau thì không cho họ ăn nữa...”.

Những người Việt Nam bị bắt đến Koh Tang ban đầu bị buộc làm việc cật lực, đào các công trình quân sự, trồng cây, chăn nuôi... Ông S. rùng mình, giọng run run: “Được một thời gian, chúng tôi nhận lệnh giết hết”.

Ông S. nói những nạn nhân đã bị giết rất dã man. Nhưng, những hình ảnh đã ám ảnh ông đến bây giờ là cách mà cấp trên của ông ra lệnh hành xử với thi thể các nạn nhân. “Họ cho đào các hố cách gốc dừa, gốc mít chừng 5m rồi vùi xác chết dưới đó. Cấp trên nói như thế là tốt cho cây. Nhiều xác chết lắm. Nên trên đảo Tang hàng trăm cây, cây nào cũng có xác người”.

Năm 1979, quân đội Việt Nam tiến đánh Kampongsom (Sihanoukville). Đám quân khát máu trên đảo lo sợ thế nào quân đội Việt Nam cũng đánh ra đảo, nên chúng đã lên tàu bỏ chạy về hướng Thái Lan. Khi ấy, S. chạy đến khu vực Smoso của tỉnh Koh Kong ẩn trú ở đó. Đến năm 1980 thì bị quân đội Việt Nam bắt giữ. Ông bị đưa về giam giữ ở khu vực Sra Pun.

“Trước đó, tôi nghe nói nếu rơi vào tay Việt Nam thì sẽ bị hành hạ tới chết. Nên thà chiến đấu tới chết chứ không thể để rơi vào tay họ. Nhưng sự thật không phải vậy. Tôi bị bắt, được cho ăn uống, đối xử tốt”. Chín tháng sau S. được thả. Ông từ chối tái ngũ, trở về quê sinh sống. Ở đây ông có 2 vợ và 11 người con.

Ông S. tâm sự thời gian dù đã lùi xa nhưng tội lỗi trong ký ức về tội ác cứ đeo đẳng ông như bóng ma. Ông bảo khi kể hết cho tôi, coi như ông đã cởi trói cho lương tâm bị giam hãm của mình.

Phỏng vấn S.

Nhân chứng S. ôm đầu kể về những tháng ngày tội lỗi khi còn trong hàng ngũ quân Khmer Đỏ - Ảnh: T.T.
Nhân chứng S. ôm đầu kể về những tháng ngày tội lỗi khi còn trong hàng ngũ quân Khmer Đỏ - Ảnh: T.T.

- Ông còn nhớ quân của ông đã bắt đi bao nhiêu người dân không?

- Bắt nhiều lắm, tôi không đếm hết. Tôi chỉ nhớ là phải chở 5 lượt mới hết dân trên đảo.

- Người dân có chống cự không?

- Có chứ. Như xuồng của tôi chở 7 người. Dọc đường một người đứng lên chống cự, đòi đưa trở lại đảo. Ông ta bị bắn chết tại chỗ rồi vứt xác xuống biển. Những chuyến sau họ chống cự nhiều và đều bị bắn chết. Một số được đưa chôn trên đảo Koh Tang. Sợ họ manh động, chúng tôi trói “thúc ké” họ rồi mới tiếp tục dẫn giải.

- Các ông đã đưa họ đi đâu?

- Một số được đưa về Koh Ky, xã Pul Chang, nơi có căn cứ “Vườn sầu riêng”; có mấy người đưa về cảng Ream, nơi có căn cứ hải quân; số này thì tôi không biết số phận ra sao.

Còn lại phần lớn đưa về đảo Tang (Koh Tang). Ở đảo Poulo Wai thì nhốt người Thái, còn Koh Tang thì nhốt người Việt. Khi đưa gần hết những người bị bắt đến Koh Tang, tôi định quay lại Thổ Châu thì hay tin số quân ở lại đã bị Việt Nam tấn công, nên chúng tôi không sang đó nữa.

__________________________________

Kỳ tới: Nén nhang cho những oan hồn

TIẾN TRÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên