02/04/2005 13:37 GMT+7

Lối sống làm tăng số người trẻ mắc bệnh tim mạch

LÊ THANH HÀ ghi
LÊ THANH HÀ ghi

TTCN - Nhiều hội thảo về bệnh lý tim mạch vừa qua tại TP.HCM báo động: số người trẻ tuổi mắc bệnh liên quan đến tim mạch ngày càng gia tăng.

JSJcVTgA.jpgPhóng to
BS Quang Huân và bệnh nhân N.T.H. (36 tuổi)
TTCN - Nhiều hội thảo về bệnh lý tim mạch vừa qua tại TP.HCM báo động: số người trẻ tuổi mắc bệnh liên quan đến tim mạch ngày càng gia tăng.

Theo bác sĩ Đỗ Quang Huân, Viện Tim TP.HCM, những yếu tố thúc đẩy quá trình hình thành bệnh tim mạch gây nên bệnh xơ vữa động mạch và nhồi máu cơ tim hầu hết đều liên quan đến lối sống. Cụ thể như ăn nhiều mỡ động vật làm tăng hàm lượng cholesterol trong máu, dễ bị xơ mỡ động mạch; ít vận động thể lực dễ dẫn đến rối loạn mỡ máu, xơ mỡ động mạch.

Chế độ ăn không phù hợp, dẫn đến béo phì, thừa cân sẽ làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành, tăng huyết áp, xơ mỡ động mạch. Người hút thuốc lá nhiều dễ làm gia tăng nguy cơ bệnh mạch vành và tai biến mạch máu não kiểu thiếu máu cục bộ…

Chỉ trong vòng một tuần lễ cuối tháng 3-2005, Viện Tim TP.HCM đã tiếp nhận cấp cứu và điều trị nhiều bệnh nhân trẻ tuổi bị nhồi máu cơ tim (36 - 42 tuổi). Đặc biệt bệnh nhân N.T.H. mới 36 tuổi đã bị bệnh nhồi máu cơ tim một lần trước đó (32 tuổi). Theo bác sĩ Huân, các bệnh nhân này đều có tiền sử hút thuốc lá 1-2 gói/ngày; có người có kèm dư cân.

Qua chụp mạch máu chẩn đoán, các bệnh nhân này đều bị tắc hoặc bị hẹp một hoặc nhiều nhánh động mạch vành mà việc thông và đặt stent để chống tái hẹp lòng động mạch có chi phí điều trị rất cao.

Cách tính cân nặng lý tưởng của nam là lấy chỉ số chiều cao trừ đi 105; của nữ thì trừ 110. Hoặc đánh giá nguy cơ qua chỉ số vòng bụng nếu nam có số đo trên 90cm, và nữ trên 80cm sẽ có nguy cơ bị bệnh mạch vành rất cao.

Ngoài ra, với những người làm công việc quản lý, kinh doanh thường xuyên bị căng thẳng thần kinh (do áp lực công việc, tâm lý…) dễ bị stress và hậu quả là bị cao huyết áp, xơ mỡ động mạch. Việc tăng huyết áp sẽ gây tai biến mạch máu não, cơn đau tim, cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim.

Ngoại trừ yếu tố di truyền và bệnh tiểu đường là không thể tránh được, còn các yếu tố khác liên quan đến lối sống đều có thể phòng tránh hoặc điều chỉnh được để ngăn chặn sớm sự tổn thương của các mạch máu.

Chế độ ăn uống hợp lý: có thực đơn phù hợp (với sự tiêu hao năng lượng của từng người), hạn chế chất béo và tránh ăn quá mặn. Đặc biệt, không uống nhiều rượu.

Tăng cường vận động: đây là điều ai cũng biết nhưng không phải dễ thực hiện (do thói quen lười vận động), nhất là với những người làm việc văn phòng, trẻ tuổi (ỷ lại vào sức trẻ). Do đó, biện pháp khắc phục là cần mỗi ngày vận động ít nhất 30 phút và để “chống lười” bằng các loại hình vận động mà bạn cảm thấy hưng phấn: bơi lội, đi xe đạp, chơi các môn thể thao có nhiều người (tạo kích thích trong tập luyện…).

Có nhịp sống cân bằng: tránh dồn nén bởi các áp lực (kể cả việc quá vui hoặc quá buồn), luôn giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ. Với những người làm quản lý, văn phòng... cần có chế độ nghỉ ngơi tích cực bằng các loại hình mà mình thích và có hứng thú (nghe nhạc, xem phim, đi picnic, câu cá...).

Ngoài ra phải hạn chế và kiểm soát việc tăng cân, không nên hút thuốc lá…

LÊ THANH HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên